Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Vùng đồng bằng sông Hồng (hay còn được gọi là vùng Châu thổ Bắc Bộ), đây là khu vực hạ lưu của sông Hồng và sông Thái Bình thuộc vùng Bắc Bộ nước ta với diện tích khoảng 15000km vuông - là đồng bằng châu thổ lớn thứ hai của nước ta. Dân số của vùng này là 21,6 triệu người (chiếm tới 22,1% dân số của cả nước - năm 2020).
Vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có địa hình thấp, chủ yếu là đồng bằng khá là bằng phẳng nên thuận lợi cho việc phát triển tất cả các ngành kinh tế và dân cư sống tập trung. Vùng đồng bằng sông Hồng gồm hai bộ phận, đó là vùng đất trong đê không được bồi tụ phù sa hằng năm gồm các ruộng bậc cao bạc màu và các ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê hằng năm được phù sa bồi đắp nhưng diện tích lại không được lớn. Đây là một vùng đồng bằng châu thổ được bồi đắp bởi phù sa, điều đó khiến cho thổ nhưỡng nơi đây đất đai trở nên rất màu mỡ. Ở ven sông là đất phù sa được bồi đắp thường xuyên, ở vùng trung du có đất phù sa cổ bạc màu.
Về đặc điểm hình thái, đồng bằng sông Hồng cao ở phía Tây, Tây Bắc và thấp dần về phía biển. Đồng bằng sông Hồng có dạng tam giác châu, đỉnh là Việt Trì và đáy chạy từ Hải Phòng đến Ninh Bình. Ở vùng này có một hệ thống đê điều ngăn lũ vững chắc nên bề mặt bị chia cắt thành nhiều ô vuông, vùng trong đê không được phù sa bồi đắp nên bạc màu.
Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Hồng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, tạo điều kiện đa dạng hoá sản phẩm vùng nông nghiệp, tiến hành thâm canh tăng vụ và đưa vụ đông thành vụ chính. Mạng lưới sông ngòi ở vùng này dày đặc, có nhiều sông lớn thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Mạng lưới sông ngòi này bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới tiêu cũng như phát triển du lịch cho vùng này.
1.2. Điều kiện về dân cư - xã hội
Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có đông dân nhất cả nước với mật độ dân số cao nhất cả nước. Với đặc điểm về dân cư lao động này tạo cho vùng một nguồn nhân lực lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Người lao động có truyền thống kinh nghiệm sản xuất phong phú, chất lượng lao động thuộc vào hàng đầu của cả nước. Một số đô thị của vùng được hình thành từ lâu đời, có nhiều lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá và có giá trị phát triển du lịch.
Ngoài ưu thế về nguồn lao động, vùng đồng bằng sông Hồng còn có một kết cấu cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước... có sự phát triển mạnh mẽ như: hệ thống đường cao tốc của vùng, hệ thống các đường quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam và toả đi các thành phố khác và các tuyến đường sông quốc gia.
2. Vùng đồng bằng sông Cửu Long
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (còn được gọi là vùng đồng bằng Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ hay miền Tây) là vùng cực Nam của Việt Nam. Khu vực này có diện tích khoảng 40.000 km vuông (chiếm 11,8% diện tích cả nước) - là vùng đồng bằng lớn nhất của nước ta. Dân số của vùng này là 17.300.947 người (chiếm 17,6% dân số cả nước - 2021).
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm có ba tiểu vùng. Vùng cao ở phía Tây gồm các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ; phần phía Tây các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và phần phía đông Kiên Giang. Đây là những vùng thường bị ngập vào mùa mưa khi nước ở sông Cửu Long dâng lên. Vùng thấp ở duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau; phần phía đông Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và phần ven biển Kiên Giang - Đây là vùng thường bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Vị trí của Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm nhiều quần đảo và đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long thuộc khu vực có giao thông hàng hải và hàng không giữa Đông Nam Á và Nam Á tạo điền kiện thuận lợi trong hợp tác và giao lưu quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có địa hình khá thấp, độ cao trung bình chỉ từ 3 - 5 mét, có nơi chỉ cao 0.5 - 1 mét so với mực nước biển, có nhiều dòng sông và ao đầm. Vùng này được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành của những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng vùng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, tây nam sông Hậu ở bán đảo Cà Mau. Sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành nên vùng châu thổ. Lượng nước trung bình hằng năm mà sông này cung cấp vào khoảng 4000 tỷ mét khối và khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa, những mảnh vỡ bị bào mòn từ lưu vực sông.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 24 đến 27 độ, biên độ nhiệt giao động từ 2 đến 3 độ/ năm. Vùng này được chia thành hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải hứng chịu các thiên tai, bão lũ từ nhiên nhiên nên đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân gặp phải nhiều khó khăn.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có số dân đông chỉ đứng sau vùng Đồng bằng sông Hồng với đa dạng các dân tộc như: Kinh, Chăm, Khơ -me, Hoa... Không ít nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành nơi đất chật, người đông gây ra những khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, dân số đông nên đã cung cấp cho vùng một nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù, năng động thích ứng linh hoạt với sản xuất hàng hoá.
Hệ thống thuỷ lợi của vùng khá hoàn chỉnh, có nhiều sông lớn cung cấp nguồn nước tưới tiêu ổn định, góp phần vào phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, vùng này có hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, có thể kết nối các vùng nên có được một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lương thực phát triển rộng khắp giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp vùng.
3. Nhận xét và giải thích sự phân bố các vùng trồng lúa ở nước ta
Như những phân tích ở trên về các điều kiện tự nhiên và các điều kiện về dân cư xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chúng ta có thể lý giải được tại sao lúa nước được trồng và phân bố chủ yếu ở hai vùng đồng bằng này và một số vùng đồng bằng ven biển khác ở nước ta. Một số lý do dẫn đến điều này như sau:
- Đất phù sa ở vùng đồng bằng nước ta màu mỡ và có diện tích lớn, địa hình bằng phẳng cùng với nguồn nước dồi dào thích hợp cho việc canh tác cây lúa nước.
- Nguồn nhân lực lao động ở đây dồi dào, cơ sở vật chất kĩ thuật của công nghiệp phát triển nhất là mạng lưới thuỷ lợi cùng với hệ thống giao thông vận tải thuận lợi.
Tóm lại, qua những phân tích ở trên chúng ta đã giải thích được tại sao cây lúa nước ở nước ta được phân bố chủ yếu tại các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bằng ven biển ở nước ta.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |