Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Cho là nhận, chết đi để sống lại
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...
Trước hết ta có thể cảm nhận rằng: Hạt lúa thứ nhất là hình ảnh của lòng ích kỷ. Hạt lúa thứ hai là hình ảnh cho lòng vị tha. Với cảm nhận của tôi theo quan điểm của Phật giáo, con người sinh ra cõi đời này, đều bình đẳng thể tánh (Phật tính): “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Có nghĩa là con người khi mới sinh ra không có bản tánh xấu xa, tính vốn thiện. Tâm thiện nghĩa là bản thể tâm thanh tịnh trong sáng, không nhiễm phiền não.
Cái tâm như là một sợi dây để kết nối giữa đời này và đời sau, nếu cũng từ cái tâm này chúng ta biết trau dồi tu tập tích lũy phước đức phát huy năng lực Phật tính vốn có của mình thì lúc đó chúng ta được sinh về cảnh giới an lành, còn không biết tu hành sinh khởi phiền não tham, sân, si… tạo nghiệp chướng sẽ làm hoen ố bản tâm thanh tịnh.
Với giáo lý của Công giáo, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn mà dạy rằng: "Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Từ đó chúng ta thấy rằng, chung quy lại là “cho để nhận lại”, “chết đi để được sống lại”. Mọi vật được sinh ra không phải để chôn chặt trong vỏ ích kỷ của mình mà để cống hiến cho mọi loài xung quanh. Càng cống hiến thì bản thân mới càng giá trị và cuộc sống mới tròn đầy ý nghĩa. Không cống hiến mà chỉ sống trong vỏ bọc của ích kỷ, thụ động thì sẽ dần héo khô và mất tác dụng với đời như hạt lúa thứ nhất mà thôi.
Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, ai cũng có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng…. Sống ở đời, ai mà không cần tới tình yêu, cần tới sự cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ của anh em. Người Kitô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết sống nhân ái, yêu thương. Tình yêu thương không dừng lại ở sự xót thương những mảnh đời bất hạnh mà còn phải làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho anh em, đó là luôn biết dấn thân phục vụ, giúp đỡ anh em cả về vật chất và tinh thần. Vì cuộc đời người Kitô hữu không có yêu thương thì cũng như hạt lúa thứ nhất sẽ chết dần chết mòn.
Tình yêu thương, sự chia sẻ còn làm cho tình người thêm khăng khít với nhau hơn, làm cho con người thêm gần gũi nhau và hợp nhất với nhau. Tình yêu mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ nhau, không phân biệt giai cấp, không phân biệt tôn giáo, không so đo tính toán thiệt hơn như hạt lúa thứ hai sẵn sàng chịu mục nát để làm nên những hạt lúa mới, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“…Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu phải chỉ riêng mình….”
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |