Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thành công, hạnh phúc luôn là những trải nghiệm, trạng thái mà con người hướng đến. Thế nhưng cũng có những quan điểm trái chiều, cho rằng chính những đau khổ hay thất bại mới là trải nghiệm nên có để ta thấu hiểu cuộc đời và sống tốt hơn. Vậy, thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ?
Thành công và thất bại vẫn thường được hiểu là những trạng thái, kết quả, trải nghiệm có khuynh hướng trái ngược nhau. Nếu thành công được tung hô thì thất bại lại thường ít ai để ý. Nếu thành công là được toại nguyện thì thất bại lại là bất toại nguyện. Thành công, chính là đạt được những kết quả theo ý muốn, là một trạng thái mà công việc nào đó được hoàn thành tốt đẹp, xuất sắc. Còn thất bại, ta có thể hiểu đó là những lần vấp ngã, khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống. Cả thành công và thất bại đều là những trải nghiệm của con người trong cuộc đời. Nhưng giữa chúng, cái nào mới là điều bổ ích giúp con người tiến bộ chính là vấn đề mà chúng ta sẽ bàn luận đến ở đây.
Không một ai là không khát khao được thành công, tỏa sáng. Thành công chính là một trạng thái để con người hướng tới, là một mục đích để vươn đến và đạt được. Những người thành công sẽ được vinh danh vì anh ta đã đi qua muôn vàn gian nan, thử thách. Thành công lúc này chính là một thứ trái ngọt cho quá trình cần mẫn, học hỏi, nỗ lực không ngừng. Nếu thành công là một trải nghiệm vui thích, thỏa mãn được mục đích, khát khao của bản thân mỗi người thì đó chính là trải nghiệm của những trải nghiệm bổ ích trước đó. Để nhìn nhận thành công, chúng ta cần nhìn vào quá trình chứ không chỉ mỗi kết quả. Thành công chính là một minh chứng cho thấy con người đã tiến bộ. Vậy thì, những trải nghiệm để dẫn đến nó đã chính là những trải nghiệm bổ ích. Ta sẽ không thể nào phủ nhận được vai trò của thành công đối với sự tiến bộ của con người. Liệu rằng thế giới này cứ phải thất bại mãi mãi để học lấy sợi dây kinh nghiệm? Tôi bất chợt nghĩ đến Francis Hùng – một diễn giả và cũng là một chuyên gia đào tạo doanh nghiệp. Ông đã từng là một nhân viên lễ tân, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, ông dần trở thành “nhân tài” của Hoa Kỳ. Để có được thành công như ngày hôm nay, để từ một nhân viên lễ tân trở thành một diễn giả, một chuyên gia hẳn Francis Hùng đã phải nỗ lực, học hỏi rất nhiều. Những nỗ lực và học hỏi đó chính là những trải nghiệm bổ ích để ông ngày một tiến bộ.
Sự tiến bộ mà thành công đem lại không chỉ là tiến bộ cho cá nhân người được thành công mà còn đem đến sự tiến bộ chung cho cộng đồng, thậm chí là nhân loại. Thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không chỉ cho thấy sự phát triển về nghệ thuật của riêng ông mà còn là một điểm sáng cho cả một giai đoạn văn học cũng như là một trước tác của Việt Nam cho đến tận ngày nay. Hay như thành công của Thomas Edison khi phát minh ra đèn điện đã giúp loài người được “thắp sáng” cho đến tận ngày nay, và nó chính là dấu hiệu của văn minh, tiến bộ.
Sự thành công mà Edison có được cũng là sự thành công sau nhiều lần thất bại với các thí nghiệm đèn điện không thành. Những trải nghiệm để dẫn đến thành công của Edison hoàn toàn có ích cho bản thân cũng như cộng đồng. Nói cách khác, nếu thành công là trải nghiệm bổ ích, thì ở đây, chúng ta có thể thấy chính thất bại cũng là một trải nghiệm bổ ích, đóng vai trò không thể thiếu để giúp Edison và nhân loại tiến bộ. Những bài học, kinh nghiệm từ sự vấp ngã sẽ giúp con người đến gần hơn với thành công. Microsoft – một công ty công nghệ có sản phẩm trụ cột là hệ điều hành Windows gồm nhiều phiên bản đã chiếm lĩnh thị trường máy tính cũng đã từng thất bại với Windows Vista. Nói là thất bại, nhưng Windows Vista đã là một bước đi phát triển hơn so với Windows XP. Cũng chính thất bại của Windows Vista trong việc sử dụng quá nhiều tài nguyên hệ thống mà khi đó hầu hết các máy tính đều không đủ đáp ứng đã giúp Microsoft có cho mình được một bài học. Rõ ràng, không chỉ vì sự thất bại của Windows Vista mà Microsoft không thành công. Chính bài học từ Vista đã giúp cho Microft tiến bộ, có được trải nghiệm bổ ích để từ đó phát triển và thành công với hệ điều hành Windows 7. Có thể thấy, thất bại cũng là một trải nghiệm quan trọng để con người tiến bộ.
Lẽ thường, người ta vẫn hay cho rằng thất bại đối lập với thành công, nhưng với những gì vừa phân tích ở trên, ta hiểu được thành công và thất bại chỉ là các khía cạnh, các mặt trong sự trải nghiệm của con người. Nó không những đối lập mà còn bổ trợ cho nhau. Nói cách khác, cả thành công và thất bại đều là những trải nghiệm bổ ích giúp con người phát triển. Việc trả lời một mặt thành công hay thất bại sẽ là câu trả lời mang tính cá nhân của mỗi chúng ta. Thành công và thất bại đều không quan trọng bằng thái độ của con người đối với trải nghiệm đó. Nếu thành công mà ngủ quên trong chiến thắng, ắt sẽ thất bại, và sự ngủ quên này là một trải nghiệm không mấy bổ ích. Nhưng nếu thất bại mà vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, rồi thành công cũng sẽ tới, và đó chính là một trải nghiệm bổ ích.
Con người vẫn luôn hướng đến thành công, nhưng với tôi dù thành công hay không, hay thậm chí là thất bại, đó cũng đều là những trải nghiệm bổ ích giúp bản thân tôi tiến bộ. Điều quan trọng với tôi trong vấn đề này, chính là thái độ của mình trước hai trải nghiệm thành công và thất bại đó.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |