Quần thể này nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại. Những thần được thờ ở đây đều là những người có công khai sơn lập thạch, mở mang chợ búa, lập ra làng bản, phố xá. Ðền Ðại Cại có từ thời hậu Lê, do nhân dân tổng Lâm Trượng hạ xây dựng để thờ bà Vũ Ngọc Anh, con gái một vị quần thần nhà Lê bị nhà Mạc giết hại. Bà là một danh nhân, chịu trách nhiệm việc đáp luỹ xây thành, lập ra các chợ. Ngoài ra, đền có thờ hai anh em Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyển có công lớn trong việc chống quân nhà Mạc. Ðền Ðại Cại, đình Bến Lăn có kiến trúc đẹp, có đủ các đồ thờ tự như bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng, đề có trạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100 kg. Ðền có chiên đồng, chuông đồng, có sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Ðức. Ngôi đền có kiến trúc đồ sộ, các chân tảng kê cột loại lớn có đường kính tới 45 cm, loại nhỏ 32 cm để đỡ các cột nách, cột lòng. Các chân tảng đều chạm 16 cấnh hoa sen đều đặn vây quanh. Tại đây còn tìm thấy bệ Phật hoa sen bằng đất nung, bát sứ, lọ sư men ngà rạn trang trí hình cánh sen rất đặc trưng của nghệ thuật thời Trần. Ngay dưới chân núi, tại dải thung lũng trải dài song song với sông Chảy vẫn còn lưu lại dấu vết của ngôi đền và những bức tường đất của một toà thành bao quanh. Bãi đua ngựa luyện tập kỵ binh nằm trong thành ngay trước của đình Bến Lăn.
Ngày 21/3/1997, bảo tàng tỉnh Yên Bái đã khảo sát khu miếu Hắc Y và đã tìm thấy tháp đất nung cổ. Ðây là một phát hiện rất quan trọng vì ở miền núi cao cũng có một chùa tháp đất nung đồ sộ. Vật liệu xây dựng là những viên gạch đất nung có kích thước 450x245x100 mm. Trên tháp có hoạ tiết hoa văn trang trí như lá đề, hoa cúc, hoa sen đều bằng đất nung.
Ðáp ứng tín ngưỡng của nhân dân, trân trọng các di sản văn hoá của cha ông ta để lại, khu di tích đền Ðại Cại được bảo tồn và trùng tu. Cho tới nay, hàng năm, khách thập phương từ nhiều nơi trong cả nước tới đây thắp hương cầu phúc, cầu may và chiêm ngưỡng hệ thống di chỉ còn lại của văn hoá thời Lý, Trần, Lê đang có ở một tỉnh miền núi phía Bắc.
Có thể nói, quần thể di tích khảo cổ này rất quan trọng không chỉ của riêng Yên Bái mà quan trọng đối với cả nước.