Trong đoạn đầu tiên của văn bản, Lê Anh Trà đưa ra luận điểm: Vốn tri thức văn hoá nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng sâu rộng. Điều đó thể hiện ở chỗ: Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài; Người tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm; Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa...
Bác có được vốn kiến thức sâu rộng ấy là do đã tiếp xúc với văn hoá nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới; đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh; đã làm nhiều nghề... Chúng ta, những người Việt Nam, không ai là không biết Bác đã dành trọn những năm tháng tuổi trẻ của mình để bôn ba tìm đường cứu nước. Người đi nhiều nơi, không phải là những chuyến du lịch mà trên con đường lênh đênh, vừa lao động kiếm sống với những nghề vất vả như phụ bếp, quét tuyết, viết báo... vừa tìm tòi, học hỏi... Những tri thức văn hóa Bác đã tích lũy trong suốt cuộc đời “truân chuyên”, sóng gió của mình. Vì lẽ đó, vốn hiểu biết của Người không chỉ có bề rộng của một lữ khách đã từng đặt chân lên nhiều mảnh đất trên thế giới mà còn có cả chiều sâu trải nghiệm trong cuộc mưu sinh của nhân loại. Hơn thế, đó là chiều sâu của sự tìm tòi, tiếp thu một cách chủ động và sáng tạo: tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản; đã “nhào nặn” với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người..
Như vậy, nêu và chứng minh luận điểm: Bác có vốn tri thức: Văn hoá sâu rộng, vô hình trung Lê Anh Trà còn làm nổi bật phẩm chất ham học hỏi, ham hiểu biết và bản lĩnh văn hoá vững vàng, đồng thời gợi lên chặng đường đời vất vả, đầy hi sinh của Bác. Vì lẽ đó, đoạn văn không chỉ khiến người đọc cảm phục Người mà còn làm thức dậy một niềm xúc động sâu xa.