LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết văn nghị luận về lòng dũng cảm(càng dài càng tốt)

Viết văn nghị luận về lòng dũng cảm(càng dài càng tốt)
2 trả lời
Hỏi chi tiết
71
12
0
Ngọc Linh
05/03/2023 15:46:19
+5đ tặng
Con người ta luôn có những phẩm chất nhất định để hoàn thiện nhân cách của
mình. Trong xã hội của chúng ta, có người tốt, có người xấu nhưng ở họ luôn
chứa những bí mật tiềm ẩn, giấu kín trong tâm hồn để đến một lúc nào đó có thể
vỡ vụn ra, giúp họ vượt qua được khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Không
ai trong chúng ta là hoàn hảo cả nhưng lòng dũng cảm thì nhất định phải có, là
chìa khóa để giúp chúng ta thành công.
Có nhiều người định nghĩa khác nhau về lòng dũng cảm nhưng theo tôi, lòng
dũng cảm là gan dạ, quả quyết, vững tâm, dám đối đầu với những thách thức,
nguy hiểm. Đôi lúc, nó tự bộc phát trong chính bản thân chúng ta khi gặp một
chuyện gì đó mà ta không nghi là mình có được nó. Nhưng đôi khi, lòng dũng
cảm cần phải được rèn luyện và kiên trì qua từng sóng gió để trưởng thành,
hoàn thiện mình hơn.
Trong cuộc sống hiện nay, lòng dũng cảm rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng
sâu sắc, đóng góp một phần không nhỏ vào phẩm chất đạo đức của bạn, giúp
bạn có sức mạnh vượt qua chông gai, sóng gió lớn trong cuộc đời. Lòng dũng
cảm là một đức tính tốt, thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin của con người, trong cuộc
sống. Bạn có thể dũng cảm vì bản thân mình nhưng bạn có thể dũng cảm vì
người khác, xả thân mình vì người khác, không mang đến lợi ích cá nhân.
Đối với bản thân, chúng ta dũng cảm khi chúng ta dám đối mặt với sự thật trớ
trêu, chúng ta dũng cảm khi chúng ta dám làm những gì mà trước đây chúng ta
chưa dám thử. chúng ta dũng cảm khi dám nhận trách nhiệm về bản thân mình
và không bao giờ đỗ lỗi cho người khác, chúng ta dũng cảm khi chúng ta quên
đi sự hèn nhát của chính bản thân mình. Điều đó thật tuyệt với biết mấy. Một
cậu bé rất hèn nhát, cậu ta không dám làm những gì mà cậu ta cho là khó khăn
bởi vậy kĩ năng sống của cậu ta không hề có. Trong một lần suýt bị chết đuối
khi đi qua con sông trên đường đi học về, cậu ta đã hoảng sợ và lo lắng. Rồi từ
đó, cậu ta quyết tâm học bơi để bảo vệ chính mình. Sự nhút nhát và lo sợ của
cậu ta đã biến mất khi lòng dũng cảm lên ngôi, dũng cảm vì chính bản thân
mình, dám làm những gì trước đây mà mình nghĩ bản thân sẽ không bao giờ làm
được. Và rồi cậu ta biết bơi và sau đó tự tin hơn, trưởng thành hơn rất nhiều.
Vậy là lòng dũng cảm của cậu bé đã được tôi luyện thành công.
Khi con người dũng cảm vì người khác, con người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc
hơn về chính phẩm chất của mình. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nhấn mạnh: “Sống
là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cho đi là được nhận lại nhiều hơn. có thể đó
phải là vật chất quý giá, ngay cả ở tinh thần đã quý giá biết bao. Chắc hẳn ai
trong chúng ta cũng biết đến những chú công an, sẵn sàng hi sinh bản thân mình

để mang lại bình yên cho Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng
ấm no hạnh phúc. Thử hỏi nếu không có lòng dũng cảm, sự kiên trì và lòng yêu
nghề thì họ có làm được như vậy hay không. Những chú cảnh sát hình sự phải
đối diện với tội phạm nguy hiểm, lập những chuyên án để tìm ra người phạm
tội. Ở họ, lòng dũng cảm được tôi luyện qua từng vụ án, qua từng người mà họ
tiếp xúc. Lòng dũng cảm ở đây là sự hi sinh, sự cho đi và một phần nào cũng là
vì nhiệm vụ mà họ đã lựa chọn. Con đường họ đang đi dẫu có nhiều khó khăn
vất vả nhưng nhờ có lòng dũng cảm, họ có thể vượt qua được những điều đó.
Đặc biệt những nhân vật trong thời khi cách mạng, cái thời kì mà dân tộc ta đã
khó khăn vất vả đến nhường nào để giành lại độc lập, sự bình yên. Và Hẳn ai
trong chúng ta cũng đã từng nghe qua câu chuyện về chị Võ Thị Sáu - người
anh hùng dân tộc. Tuổi còn nhỏ nhưng chị đã làm được những công việc nguy
hiểm, đầy hiểm trở. Khi bị bắt, đối diện với sự tấn công dã man của kẻ thù
nhưng chỉ nhất quyết không khai ra bí mật của quân ta. Sự dũng cảm của một
người phụ nữ được ông cha ta truyền lại để nhắc nhở con cháu chúng ta những
bài học và sự biết ơn tới những con người hi sinh thầm lặng. Giờ đây, đất nước
đã bình yên và lòng dũng cảm của chị đã được các thế hẹ trước tiếp bước ghi
nhận và phát huy mãnh liệt.
Đối với mỗi học sinh chúng ta, lòng dũng cảm được thể hiện một cách bình dị
và đặc biệt nhất. Có thể bạn dám đứng lên thừa nhận bạn chưa làm bài tập về
nhà với cô giáo, bạn dám đứng lên bảo vệ cái tốt và phê phán cái xấu. Như vậy
thôi bạn đã dũng cảm rồi đấy. Không phải ai trong chúng ta cũng dám dũng cảm
vì mỗi người có một tính cách và phẩm chất khác nhau. Có những người rất hèn
nhát, không dám thừa nhận những lỗi lầm mà mình đã gây ra, không dám đương
đầu với những khó khăn gian khổ, không dám và chẳng bao giờ biết hi sinh vì
người khác. Những người như vậy sẽ không gây được thiện cảm với người
khác, thành công sẽ không bao giờ đến với bản thân và thậm chí bị người khác
coi thường.
Đôi lúc chúng ta hiểu sai về lòng dũng cảm. Nhiều người cho rằng lòng dũng
cảm là để thể hiện mình. Điều đó là hoàn toàn sai làm. Nếu chỉ là để thể hiện
bản thân thì giá trị của lòng dũng cảm đã mất đi ngay lập tức. Lòng dũng cảm
chỉ xuất phát từ chính bản thân mình, muốn thể hiện điều tốt chứ không phải thể
hiện mình một cách thái quá, không có điểm dừng.
Là một học sinh, sinh viên chúng ta cần rèn luyện cho mình một lòng dũng cảm
thật vững chắc. Tương lai đang ở phía trước và đồng nghĩa với những khó khăn,
thử thách sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào vì vậy hãy chuẩn bị cho mình một
hành trang vũng chắc để bước vào cuộc sống. Dũng cảm là đức tính vô cùng tốt,
chúng ta cần phải nhìn nhận lại bản thân, rèn luyện và phát huy lòng dũng cảm của mình ngày còn khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Hãy dũng cảm lên bạn nhé!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
_Hương Thủy_
05/03/2023 17:25:52
+4đ tặng

Cùng với lòng nhân ái, vị tha, đức tính trung thực, lòng dũng cảm luôn là điều mà mỗi nhân cách chân chính luôn cố gắng vươn tới. Nhưng có phải tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về phẩm chất cao cả này?

Con người có muôn vàn điều tốt đẹp và lòng dũng cảm chính là một nét phẩm chất cao quý trong nhân cách đạo đức con người. Thực ra không khó để nhận diện nó bởi từ thuở bé thơ, ai cũng từng được biết đến lòng dũng cảm qua những nhân vật cổ tích, thần thoại đáng yêu như chú lính chì, chú bé Tí hon, Thánh Gióng. Tên gọi khác của lòng cũng cảm là sự quả cảm, kiên cường, anh hùng – lòng dũng cảm gần gũi với nghị lực, với ý chí sắt đá. Nó hoàn toàn đối lập với sự hèn nhát, khiếp hãi. Lòng dũng cảm tôn vinh nhân cách con người trong khi đó, sự đớn hèn lại hạ bệ con người xuống vực sâu của sự thảm bại, đáng thương.

Tất nhiên, không phải lúc nào lòng dũng cảm của con người cũng lộ diện. Nếu cuộc sống của mỗi người chỉ toàn những điều bình yên, may mắn, tốt đẹp thì có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết đến, cần đến lòng dũng cảm. Một em bé đang sang đường, cùng lúc đó, chiếc ô tô tải cũng chuẩn bị lao tới. Ngay lập tức, một cậu thanh niên nhanh nhẹn băng mình đẩy em bé đó ngã nhanh về phía bên kia đường. Em bé được cứu sống trong tích tắc. Khi Bác Hồ đến thăm lớp mẫu giáo và chia kẹo cho các bạn nhỏ, cậu bé Tộ không chìa tay để nhận kẹo của Bác vì em tự nhận thấy mình chưa ngoan, còn mắc lỗi khiến cô giáo quở trách.

 

Những mẩu chuyện nhỏ đó cho chúng ta thấy về lòng dũng cảm. Và bất cứ ai cũng đều có thể nhận thấy rằng chỉ trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, những thử thách, gian truân, lòng dũng cảm mới có điều kiện bộc lộ qua những hành động cụ thể. Người mang trong mình phẩm chất cao quý đó là người không e ngại vất vả, hi sinh, họ luôn nhanh nhẹn ứng phó và biết quên mình trong các tình huống hiểm trở để khẳng định lẽ phải, sự công bằng, khẳng định cái thiện, bênh vực cái yếu. Hình ảnh chú bé liên lạc trong bài thơ Lượm (Tố Hữu) băng mình qua mưa bom bão đạn, cô gái thanh niên xung phong “lấy thân mình hứng lấy luồng bom" (Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ), hình ảnh ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, người chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai chẳng phải là những biểu tượng tuyệt đẹp của lòng dũng cảm đó sao? Lòng dũng cảm còn hiện diện trong những hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ công an đang ngày đêm gìn giữ trật tự an ninh cho đất nước. Nó có mặt ở cả sự không ngừng vươn lên của những con người phải sống trong bệnh tật, đói nghèo. Nó nằm trong hành động lao mình vào dòng xoáy nước dữ dội để giành lại đứa em thơ từ tay thần chết. Thực sự không có chiếc túi thần kì nào có thể chất chứa cho hết lòng dũng cảm của nhân loại, không giấy bút nào có thể lưu danh cho hết những con người mang trong mình nét nhân cách cao đẹp đó.

Con người luôn cần và luôn hướng tới cái đẹp – đó là quy luật của cuộc sống. Cùng với những phẩm chất cao quý khác của nhân cách con người, lòng dũng cảm cần được giữ gìn, vun đắp để nó tồn tại mãi trong cuộc đời này. Lý do nào khiến mỗi người phải nhận thức rõ ràng về điều đó?

Cuộc sống con người vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, dễ dãi. Không phải khi nào chúng ta cũng “thuận buồm xuôi gió" trong mọi công việc, mọi hành động. Khó khăn, bất trắc là những điều chúng ta không thể không đối mặt. Chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo là kẻ thù truyền kiếp của loài người. Con người có thể tồn tại, phát triển như ngày nay không thể không kiên cường đối diện với chúng. Nghị lực là yếu tố đầu tiên mỗi người cần có nhưng lòng dũng cảm mới là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định sự chiến thắng hay thất bại. Dũng cảm để chiến đấu nên nhân dân Việt Nam mới giành chiến thắng trước những tên đế quốc sừng sỏ như Pháp, Mĩ, mới được sống cuộc đời độc lập, tự do thực sự. Dũng cảm thế chấp nhà đất đỏ vay vốn ngân hàng nên nhiều hộ nông dân Việt Nam mới thoát khỏi cảnh nghèo đói, khổ cực. Dũng cảm đối diện với bệnh tật nên Nguyễn Ngọc Kí mới trở thành người thầy giáo mẫu mực như chúng ta vẫn thấy. Lòng dũng cảm là động lực đưa con người đứng cao hơn hoàn cảnh, đứng lên trên những khó khăn, gian khổ, thậm chí mất mát, hi sinh trong cuộc sống. Không có nó, có lẽ con người luôn bị nhấn chìm trong tiếng khóc oán thán, trong nỗi đau, trong sự thảm hại khôn cùng.

Hiển nhiên, không phải suốt cuộc đời lúc nào chúng ta cũng phải đối phó với những tai ương, bất trắc. Ý nghĩa cuộc sống con người còn nằm ở việc sáng tạo, khám phá những điều mới mẻ xung quanh. Nếu Cô-lôm-bô không mạo hiểm đưa con tàu của mình đến châu Mĩ, liệu rằng chúng ta có thể biết đến những người thổ dân da đỏ nơi đây? Nếu Ga-ga-rin không bay vào vũ trụ, nếu các phi hành gia không thám hiểm các hành tinh khác, liệu rằng loài người có bao giờ biết đến những điều mới lạ bên ngoài Trái Đất của mình? Nếu Ê-đi-xơn không có những vụ nổ kinh hoàng trong phòng thí nghiệm, liệu rằng nhà bác học này có thể phát minh ra nhiều điều kì diệu cho nhân loại đến thế? Lòng dũng cảm là một trong các nhân tố khiến họ dám thực thi những điều chưa từng có tiền lệ. Mấy thế kỉ qua, loài người đã làm được bao nhiêu điều bất ngờ. Nếu không có lòng dũng cảm, chân trời hiểu biết của con người có thể rộng mở đến thế? Như vậy, lòng dũng cảm cần có để con người khám phá thêm cho cuộc sống này những điều mới lạ, bổ ích, để cuộc sống nhân loại không nhàm chán, tẻ nhạt mà ngày càng giàu có hơn, phong phú hơn.

 

Ai đó từng nói: “Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình". Điều đó hoàn toàn chính xác bởi con người thường không dám thừa nhận, không dám trực diện đối mặt với những khuyết điểm của chính bản thân. Chẳng thế mà Kinh Phật đã bàn về một thói xấu của con người: “Lỗi người ta tìm bới/ Như sàng trấu trong gạo/ Còn lỗi mình giấu biệt/ Như kẻ gian giấu bài". Chẳng thế mà xưa kia các nhà nho chân chính thường tự răn mình: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao tinh thần phê và tự phê của các cán bộ cách mạng nói riêng và của mỗi người dân nói chung. Nhưng quả thực không dễ dàng để mỗi chúng ta có thể tự giác nhận thức được lỗi lầm của mình. Có thể vì sợ hãi hoặc vì thành tích mà đôi khi chúng ta không dám thừa nhận những thói xấu, những nhược điểm. Đó là vì chúng ta không có lòng dũng cảm, không dám chịu trách nhiệm với chính bản thân. Nhất thời, điều đó có thể không gây hại nhưng về lâu dài, nó nhất định ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con người trong cuộc sống. Những người hèn nhát như thế sẽ không thể nào gặt hái được thành công, không thể có hạnh phúc trọn vẹn được. Chỉ khi nào dũng cảm nhận ra những lỗi lầm của mình, con người mới có cơ hội hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách đạo đức của chính mình.

Lòng dũng cảm giúp nhân vật xưng “tôi" trong truyện ngắn Bức tranh (Nguyễn Minh Châu) nhìn nhận được phần thiếu sót, sai lầm trong hành động của mình. Lòng dũng cảm khiến các bạn học sinh không ngại ngần viết vào bản tự kiểm điểm cá nhân những tồn tại trong quá trình học tập và rèn luyện đạo đức. Hành trình hoàn thiện nhân cách của mỗi con người không thể không có mặt lòng dũng cảm. Mỗi chúng ta chỉ có thể sống tốt hơn, cuộc sống của chúng ta chỉ ý nghĩa hơn khi mỗi người nhận thức một cách cao độ về lòng dũng cảm trong chính bản thân.
Thực ra, trước những vấn đề mang tính xã hội, mỗi người chỉ có thể góp phần sức lực nhỏ bé của mình. Muốn lòng dũng cảm trở thành tinh thần dân tộc, tinh thần nhân loại, trước hết toàn thể cộng đồng phải ngợi ca, nêu cao nó để mọi người có thể noi gương học tập. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện cảm động về tinh thần dũng cảm vẫn được kể lại. Chỉ cần gõ ba chữ “lòng dũng cảm" lên trang web Google chúng ta có thể nhận được hàng trăm bài viết trên các báo điện tử có nội dung đó. Biện pháp tuyên truyền này sẽ góp phần xây dựng trong lòng mỗi người ý thức về tinh thần quả cảm, kiên cường. Tất nhiên việc ngợi ca, nêu gương đó phải đi liền với thái độ phê phán, thậm chí lên án những hành động hèn nhát, yếu đuối của con người. Có như vậy, nhận thức về lòng dũng cảm mới đầy đủ, toàn diện.

Với tư cách cá nhân, mỗi người cũng cần tự giác rèn luyện cho mình lòng dũng cảm. Điều này cực kì quan trọng bởi nó có ý nghĩa trước hết với chính cuộc sống của chúng ta. Trước khi vị tha, lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vững vàng trước những khó khăn trong cuộc sống của chính mình. Dám đương đầu với tất cả những thách thức trong học tập, rèn luyện đạo đức là cách tốt nhất để chúng ta gây dựng lòng dũng cảm cho bản thân. Chiến thắng sự cám dỗ của những trò chơi điện tử, của thói bạo lực trong học đường lẽ nào không cần đến lòng dũng cảm? Nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” lẽ nào không cần tinh thần dũng cảm? Những trở lực trong học hành, thi cử, những áp lực tinh thần từ xã hội, gia đình, bản thân sẽ giúp những người có lòng dũng cảm khẳng định được bản tính của mình.

Sự nỗ lực rèn luyện lòng dũng cảm của mỗi chúng ta không thể tách rời việc tự giác nhận thức, học tập, làm theo những tấm gương dũng cảm trong xã hội. Không học hỏi, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm, không thể nhanh nhạy trong cách ứng phó với các hoàn cảnh thử thách. Lòng dũng cảm cần được biến thành hành động và hành động đó phải mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta không thể lao xuống nước để cứu người bị nạn khi chúng ta không biết bơi. Trong những tình huống như thế, tỉnh thần dũng cảm cần được hỗ trợ bởi trí thông minh, sự nhanh nhẹn.

Thật khó tưởng tượng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không tồn tại lòng dũng cảm. Có lẽ bóng tối, cái ác, sự bất công tất cả những gì xấu xa nhất sẽ có cơ hội hoành hành, đàn áp con người. Trong bạn, lòng dũng cảm có ngự trị không? Hãy cố gắng giữ gìn, phát huy để nó mãi là một trong những nét đẹp trong nhân cách của chúng ta.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư