khoảng trời không phải là độc quyền của Trần Đăng Khoa. Ai cũng có một góc sân và một khoảng trời. Góc sân là nơi ta sinh ra, nơi ta lẫm chẫm bước những bước đầu tiên. Còn khoảng trời là cái đích rộng lớn mà ta muốn vươn tới. Bây giờ cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, nhưng góc sân và khoảng trời thì vẫn thế thôi” - nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ nhân dịp ra mắt Tuyển thơ Trần Đăng Khoa sáng 24.4.
Làm thơ từ khi 8 - 9 tuổi, Trần Đăng Khoa từng được mệnh danh là “thần đồng thơ”, “nhà thơ của thiếu nhi”, nhưng đến giờ, sau khi đã dành cả đời cho văn thơ, anh cho rằng, anh viết trước hết là cho chính mình, về những gì gần gũi, thân thuộc xung quanh, hiện thực đến mức ban đầu bó hẹp cả trí tưởng tượng. Từ cảm xúc trong trẻo của chú bé con trước con bướm vàng, vầng trăng sáng, tấm ảnh Bác Hồ, góc sân… cho đến sự tự hào của một người lính, hay chiêm nghiệm của người đàn ông đã đi hết nửa đời người, đều được Trần Đăng Khoa ghi lại bằng thơ. Nhà văn Đình Kính nhận xét: “Thơ Trần Đăng Khoa không là loại cô nhắc pha chế nhiều hợp chất nhằm đánh lừa dân nghiền, đến nỗi thoáng ngửi hơi đã thèm, cuống quýt muốn uống ngay. Thơ anh hấp dẫn như loại vang nho nhẹ, không gây sốc, không nồng, không làm cho người ta khùng, nhưng uống rồi sẽ ngấm, sẽ say lâu và khó bỏ…”. Còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì cho rằng, chính những bài thơ của Trần Đăng Khoa đã góp phần khích lệ nông dân hăng hái lên đường nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bởi chúng miêu tả những gì thân thương nhất với người nông dân, làm cho họ yêu đất nước hơn, từ đó quyết tâm bảo vệ Tổ quốc…
Xem thêm: Người Trong Giang Hồ 4 - Vô Địch Thiên Hạ (1997), Người Trong Giang Hồ 4
Trong sự nghiệp sáng tác hơn 50 năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cho ra đời hơn 20 tập thơ và trường ca, chưa kể một số tập bút ký và tiểu luận phê bình, tiểu thuyết. Tuyển thơ Trần Đăng Khoa - tập sách dày 450 trang được đánh giá là tuyển chọn tương đối đầy đủ những tác phẩm hay nhất đã xuất bản của nhà thơ Trần Đăng Khoa, giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về các giai đoạn sáng tác của anh. Từ bài thơ đầu tiên Con bướm vàng sáng tác khi mới 8 tuổi, đến những bài thơ làm nên tên tuổi “thần đồng” Trần Đăng Khoa như Góc sân và khoảng trời, Nghe thầy đọc thơ, Hạt gạo làng ta; các trường ca Làng quê, Đánh thần Hạn, Trừng phạt, Khúc hát người anh hùng; những sáng tác đậm chất trữ tình, sâu lắng của anh khi trở thành một chàng lính đảo: Thơ tình người lính đảo, Hát về một hòn đảo… và cả những bài thơ ngẫu hứng hay thâm trầm, đầy chiêm nghiệm về cuộc sống của Trần Đăng Khoa hiện nay.
Đặc biệt, cùng với thơ, Tuyển thơ Trần Đăng Khoa còn có nhiều mảng ký ức, những trang hồi ký, những cuộc trao đổi của nhà thơ xung quanh “chuyện bếp núc” trong nghề, từ hoàn cảnh ra đời, cảm hứng sáng tác của bài thơ đến nguyên mẫu của nhân vật trong bài thơ… qua đó tái hiện một giai đoạn lịch sử gian khó của dân tộc. “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa như một cuốn sách kép, bao gồm cả hồi ức và văn chương, trong đó có những câu hỏi của độc giả về chuyện thơ, chuyện đời, tất cả đều được tôi trả lời thẳng thắn, không né tránh. Như có bạn hỏi, nay mai, nếu sách của ra đời số lượng bản in giảm đi còn một nửa, số người chép miệng cười nhạt trên báo chí tăng gấp đôi, anh cho đó là thường tình của sự đời hay là một thất bại? Tôi đã trả lời rằng, tôi nghĩ đời văn cũng như một cái cây. Lứa này sai quả, lứa sau có thể mất mùa. Điều ấy cũng là bình thường, là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên thôi” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
“Có mấy khi thơ của một cậu bé 9 tuổi ở làng quê được in trong tờ báo thiếu niên, lại đột ngột gây được sự chú ý của cả nước? Hơn nữa, lại vào thời buổi chiến tranh ác liệt, khi trên bầu trời Tổ quốc - nước Việt Nam - những “thần sấm”, pháo đài bay B52 đang gieo chết chọc và hủy diệt?... Thái độ nghiêm túc đối với sáng tác thơ của trẻ em - đó là một hiện tượng đặc biệt đối với Việt Nam, nơi mà thi ca được đặc biệt tôn trọng. Theo truyền thống cũ trong nhà trường Việt Nam, người ta dạy trẻ em làm thơ, còn các báo và tạp chí thì đăng tác phẩm của các nhà thơ non trẻ.
Cậu bé Trần Đăng Khoa đã thu hút độc giả một cách bất ngờ bằng sự cảm thụ thi ca những gì bao quanh mỗi người Việt Nam từ thủa nhỏ, bằng sự chân chất trầm lắng, sự giản dị và tính nhạc điệu tuyệt diệu của thơ”.