1. Giới thiệu về khu tưởng niệm đền thờ Phạm HùngKhu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng là một trong những địa điểm du lịch Vĩnh Long được nhiều khách du lịch biết đến vì bên trong khu tưởng niệm là đền thờ cố chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng. Cố chủ tịch Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, người làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Ông được biết đến là một người công minh và chính trực. Đặc biệt, ông là người góp công rất lớn trong chiến thắng của quân đội nhà nước Việt Nam trước Pháp và Mỹ trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước.
Cổng vào khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng nằm trên QL53
Sau ngày đất nước thống nhất, cố chủ tịch Phạm Hùng được Đảng và nhà nước giao cho nhiều công tác quan trọng như Bộ trưởng bộ nội vụ, chủ tịch hội đồng bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam… Khi ông mất vào tháng 3/1988, người dân cả nước đã vô cùng thương tiếc và tưởng niệm cố chủ tịch Phạm Hùng. Để nhớ đến công lao to lớn của ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tỉnh Vĩnh Long đã cho xây dựng khu tưởng niệm cố chủ tịch Phạm Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
2. Hướng dẫn đường đi khu tưởng niệm đền thờ Phạm HùngKhu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng hay đền thờ Phạm Hùng tọa lạc trên một khu đất rộng 3,2ha nằm ngay trên QL53, gần cầu Ông Me Nhỏ, thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Quãng đường từ TP.HCM đến đền thờ Phạm Hùng dài khoảng 145km. Du khách muốn đi đền thờ Phạm Hùng từ TP.HCM nên di chuyển theo lộ trình QL1A hướng về miền Tây. Khi đến TP.Vĩnh Long, du khách rẽ về hướng QL53 đi cầu Ông Me Nhỏ. Ngay khi xuống dốc cầu, du khách nhìn bên tay trái là thấy cổng vào khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng.
Địa chỉ đền thờ Phạm Hùng ở ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Nếu đi du lịch đền thờ Phạm Hùng bằng xe khách, du khách nên đến bến xe miền Tây mua vé xe khách đi TP.Vĩnh Long. Giá vé xe khách tuyến TP.HCM – TP.Vĩnh Long khoảng 100.000 – 120.000 đồng/người. Xe khách sẽ đi theo hướng cao tốc TP.HCM – Trung Lương nên du khách chỉ mất khoảng 2h ngồi xe là đến được TP.Vĩnh Long. Sau khi xuống xe khách, du khách tiếp tục di chuyển bằng taxi hoặc xe ôm để đến khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng.
3. Khám phá bên trong khu tưởng niệm đền thờ Phạm HùngKhu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng được xây dựng vào năm 2000 và hoàn thành xong tất cả các hạng mục vào năm 2004. Địa chỉ khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng nằm ở ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là nơi cố chủ tịch Phạm Hùng sinh ra và lớn lên. Trong khu tưởng niệm có các 2 hạng mục công trình chính là: nhà lưu niệm và nhà tưởng niệm.
Nhà lưu niệm là nơi lưu trữ các hiện vật gắn liền với cuộc đời cố chủ tịch Phạm Hùng
Nhà lưu niệm là khu vực trưng bày các tư liệu, hình ảnh và hiện vật về cố chủ tịch Phạm Hùng. Trong hạng mục nhà lưu niệm còn có 3 công trình phụ ngoài trời phục chế lại những bước ngoặc trong cuộc đời vị cố chủ tịch đáng kính: Phòng biệt giam cố chủ tịch Phạm Hùng ở Côn Đảo, ngôi nhà cố chủ tịch ở tại căn cứ Trung ương cục miền Nam và căn phòng cố chủ tịch từng làm việc tại số 72 Phan Đình Phùng – Hà Nội.
Trong khi nhà lưu niệm là bức tranh sinh động miêu tả về cuộc đời cố chủ tịch Phạm Hùng thì nhà tưởng niệm lại là nơi ca ngợi công ơn của ông. Ở chính giữa nhà tưởng niệm là một bức tượng bán thân của cố chủ tịch Phạm Hùng. Ngoài bức tượng được tạc theo đúng kích thước thật, trong khu tưởng niệm còn có nhiều bức phù điêu, câu đối, điếu văn mang những lời ca ngợi cố chủ tịch Phạm Hùng để các bạn trẻ thế hệ sau noi gương và học hỏi.
Du khách dâng hương cố chủ tịch Phạm Hùng trong khu vực nhà tưởng niệm
Trong quá trình tham quan khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên kể về cuộc đời đầy thăng trầm của cố chủ tịch Phạm Hùng. Đặc biệt, sau khi được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào tháng 6/2012, khu tưởng niệm đền thờ Phạm Hùng trở thành một điểm đến của các tour du lịch Vĩnh Long.
4. Những địa điểm du lịch đẹp ở Vĩnh Long gần đền thờ Phạm HùngSau khi ghé lại viếng thăm và thắp nhang tại đền thờ Phạm Hùng, nếu còn thời gian thì du khách nên đến tham quan những khu du lịch sinh thái đẹp và hấp dẫn ở Vĩnh Long như nhà xưa Vĩnh Long, khu du lịch Trường Huy hay cù lao An Bình.
Khu sinh thái nhà xưa Vĩnh Long
Khu sinh thái nhà xưa nổi tiếng với căn nhà cổ bằng gỗ sở hữu lối kiến trúc xưa độc đáo.
Ở Vĩnh Long có một ngôi nhà cổ mang nét kiến trúc 3 gian độc đáo và cổ kính tọa lạc trong một khuôn viên xanh tuyệt đẹp, nơi đó là khu sinh thái nhà xưa Vĩnh Long. Du khách đến tham quan nhà xưa Vĩnh Long sẽ được chiêm ngưỡng những họa tiết được trạm trổ tinh xảo trên các cây cột, rường nhà, mái nhà… Ngoài ra, du khách thành phố đến khu sinh thái nhà xưa Vĩnh Long còn rất thích cái không gian đầy bình yên của thiên nhiên nơi đây.
Khu du lịch Trường Huy
Khu du lịch Trường Huy hiện đang là điểm đến được nhiều du khách Vĩnh Long lựa chọn
Nằm cách trung tâm TP.Vĩnh Long khoảng hơn 5km trên QL1A, khu du lịch sinh thái Trường Huy Vĩnh Long được du khách đánh giá là khu du lịch sinh thái hấp dẫn nhất miền Tây. Du khách đến tham quan khu du lịch Trường Huy sẽ được ngắm cảnh và chụp ảnh bên cầu tình yêu, làng xì trum hay khu cắm trại xanh ngoài trời… Ngoài ra, nhiều du khách còn bị lôi cuốn bởi những trò chơi hấp dẫn như chạy bộ qua cầu ván, đi xe đạp, đi dây treo, đua xuồng, vui chơi tại khu công viên nước ngoài trời…
Cù lao An Bình
Vẻ đẹp miệt vườn của cù lao An Bình mang đến cho du khách những trải nghiệm khó tả
Ở Vĩnh Long có một mảnh đất rất bình yên có khung cảnh đậm chất miệt vườn miền Tây, tách biệt hoàn toàn với khu vực TP.Vĩnh Long ồn ào và náo nhiệt, đó chính là cù lao An Bình. Những du khách nào đã từng đến cù lao An Bình đều bị những vườn trái cây trĩu quả trên cù lao hấp dẫn. Ngoài những vườn cây ăn trái, cù lao An Bình còn có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như chùa Tiên Châu, nhà xưa ông Hai Hoàng hay nhà sàn ông Mười Đẫy… Đặc biệt, chuyến hành trình khám phá cù lao An Bình sẽ không thật sự trọn vẹn nếu du khách quên đi xe đạp tham quan những con đường nông thôn tại cù lao.