Lý luận và Mô hình kinh tế: Mô hình CNH, HĐH của Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện; chưa được cụ thể hóa thành những tiêu chí cụ thể của một nước công nghiệp. Thực hiện CNH, HĐH chưa bằng thể chế của nền kinh tế thị trường, tuân theo các quy luật khách quan của cơ chế thị trường.
Chiến lược CNH, HĐH trong thời gian dài chưa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cần thiết cho từng giai đoạn phấn đấu. Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu, hoặc thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
CNH, HĐH theo yêu cầu “rút ngắn”, cũng chưa làm rõ được những nội dung cơ bản, và động lực để thực hiện quá trình CNH, HĐH rút ngắn.
Xu hướng kinh tế thế giới: Công nghiệp thế giới có xu hướng tăng chậm hơn, trong khi áp lực cạnh tranh giữa các nước công nghiệp mới và đang phát triển càng “gay gắt”. Do khoa học và công nghệ phát triển nhanh, nhiều nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng từ nguy cơ chuyển sang thời kỳ hậu công nghiệp sớm hơn so với dự kiến.
Phát triển kinh tế và ngành công nghiệp: Tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn dựa nhiều vào đầu tư vốn và tăng trưởng tín dụng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, dựa trên khoa học công nghệ và tri thức. Do đó, nền kinh tế nước ta phát triển thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng không cao.
Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế, vẫn còn khoảng cách lớn để đạt đến mức là một nước có nền kinh tế phát triển. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đang đặt ra các thách thức đối với nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP cả nước chưa cao, và tăng/giảm không ổn định trong các giai đoạn vừa qua. Đến năm 2018, ngành công nghiệp đạt 28,4%, thấp hơn năm 2010 (đạt 31,7%).
Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp thực hiện còn chậm, chưa tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu công nghiệp. Ngành Khai khoáng, dù tỷ trọng VA của ngành có xu hướng giảm dần (từ 36,5% xuống 25,9% trong giai đoạn 2011-2018) nhưng vẫn chiếm cao trong cơ cấu VA toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số GDP/người: Từ năm 2000 đến nay, GDP/người của nước ta đã tăng khá nhanh, đến năm 2018 đạt 2.590 USD/người, gấp hơn 6,6 lần so với năm 2000. Tính theo sức mua tương đương thì GDP/người của Việt Nam hiện đạt khoảng 7.435 USD/người.
Từ số liệu các năm cho thấy, mặc dù GDP/người của Việt Nam đã có những bước cải thiện so với mức bình quân của thế giới (từ 26,0% năm 2000, lên 34,2% năm 2010 và 41,3% năm 2018), tuy nhiên trong gần 20 năm phát triển kinh tế đã qua cho thấy, khoảng cách chệch lệch của Việt Nam với thế giới vẫn còn ở mức khá cao. So sánh tương đối với một số quốc gia trong “Các nước mới công nghiệp” (NICs) thì Việt Nam hiện tương đương với Ấn Độ (đạt 7.874 USD); thấp hơn Philipine (8.936 USD); bằng 1/2 của Indonesia, Nam Phi, Braxin và từ 1/3-1/4 của Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia.
Có thể nói hiện nay, chỉ số GDP/người là một vấn đề lớn của nền kinh tế nước ta, trong việc tính toán và xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế trong các giai đoạn tới.
Năng suất lao động: Năng suất lao động có mối liên hệ trực tiếp với GDP/người và đang thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam hiện có diện tích thuộc nhóm trung bình của thế giới và đặc biệt đang có nhiều thuận lợi về dân số (quy mô, độ tuổi lao động), tuy nhiên năng suất lao động của Việt Nam nói chung, và ngành công nghiệp nói riêng vẫn đang ở mức độ thấp, khi so với các nước phát triển. Qua đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới, để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực, và trên thế giới.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam chỉ ở mức trung bình và có vị trí tăng/giảm không ổn định trong thời gian vừa qua. Đến năm 2019, Việt Nam đứng vị trí 67/141 nền kinh tế, tăng thêm 10 bậc so với năm 2018 và vẫn còn một khoảng cách khá xa, so với các nước đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Dân số và nguồn nhân lực: Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số khá nhanh so với thế giới. Nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ tăng lên 17% và đạt đến 25% vào năm 2050. Quá trình già hóa dân số nhanh sẽ khiến lực lượng lao động bị thu hẹp, ảnh hưởng đến năng suất lao động của toàn nền kinh tế, và tác động lâu dài đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Đây là một thách thức lớn, đến phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.
Chất lượng nguồn nhân lực thiếu hụt lao động có tay nghề cao; cơ cấu lao động qua đào tạo bất hợp lý và lạc hậu (Tỷ lệ tương quan giữa số lượng lao động có trình độ đại học trở lên/caođẳng/trungcấp/sơ cấp nghề năm 2018 là: 1/0,37/0,54/0,37). Có thể đánh giá, việc hạn chế về nguồn nhân lực đang được xem là một trong những rào cản lớn nhất đối với quá trình phát triển kinh tế và CNH, HĐH ở nước ta hiện nay.
Khoa học và công nghệ: Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình CNH; huy động nguồn lực của xã hội vào các hoạt động khoa học và công nghệ còn yếu; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao; thị trường khoa học và công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Xuất khẩu hàng hóa: Chính sách phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP nhưng chưa vững chắc. Độ mở của nền kinh tế qua kênh xuất khẩu khá lớn nhưng quy mô xuất khẩu còn nhỏ; chỉ số xuất khẩu sản xuất bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình trên thế giới.
Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hiện chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu), dẫn đến nền kinh tế và ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng, gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động phát triển các ngành công nghiệp trong dài hạn, do doanh nghiệp FDI, có thể sẽ chuyển hoặc đầu tư sang các quốc gia khác sản xuất, nếu các điều kiện cho đầu tư và sản xuất, tiếp cận thị trường xuất khẩu,... gặp thuận lợi hơn.
Đầu tư từ nước ngoài: Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt thấp. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp và có tỷ lệ nội địa hóa thấp; chưa tạo được sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước như kỳ vọng. Thu hút đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên từ các tập đoàn lớn đa quốc gia còn hạn chế; hơn một nửa dự án FDI có quy mô dưới 1 triệu USD.
Quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng: Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhưng thiếu sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; trình độ, năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu.
Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng phát triển đô thị hiện nay chưa đáp ứng với sự đổi thay về tư duy quản lý đô thị hóa, phát triển đô thị theo hướng CNH và HĐH.