Hiện tượng ăn quà vặt ở lứa tuổi học sinh chính là một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm trong xã hội hiện nay. Cụm từ “Ăn quà vặt” thường chỉ hoạt động mua quà bánh, đồ ăn của các bạn học sinh tại trường lớp. Hiện tượng này đang diễn ra một cách thường xuyên, phổ biến ở rất nhiều nơi và ở rất nhiều lứa tuổi học sinh. Đến bất cứ trường học nào, ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh tụ tập quanh các hàng quán bán đồ ăn vặt trước hoặc sau mỗi buổi lên lớp. Thậm chí, ở một số nơi, có những bạn học sinh còn tranh thủ giờ ra chơi ít ỏi để mua quà vặt đem lên lớp học và ăn uống ngay trong giờ học. Giấy rác vương vãi trên nền nhà, trong ngăn bàn học, hay những thùng rác chứa đầy vỏ bánh kẹo cùng những chiếc cốc nhựa dùng một lần là điều thường thấy ở các trường học. Thông thường, mỗi lớp học điều có thùng rác và các trường học cũng trang bị đầy đủ những thùng rác lớn ở hành lang hay sân trường. Tuy nhiên, đôi khi do nhu cầu ăn quà vặt của học sinh mà những thùng rác này cũng trở nên “quá tải”. Và tất nhiên, với sự vô tư của mình, nhiều bạn học sinh còn phó mặc việc vệ sinh trường lớp cho các bác lao công. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phổ biến này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Khi kinh tế xã hội phát triển, đời sống con người trở nên hiện đại nhưng cũng bận rộn hơn. Vì quá bận rộn nên nhiều bậc phụ huynh thường để cho con cái tiền tiêu vặt để tới trường ăn uống mà lại quên đi việc giáo dục con trẻ cách bảo vệ môi trường, sử dụng tiền bạc đúng đắn. Nhà trường và cha mẹ học sinh chưa phối hợp chặt chẽ để quản lý hiện tượng này. Không chỉ vậy, những món quà vặt, đồ ăn nhanh ngày càng phong phú và đa dạng, đánh trúng tâm lí của trẻ em. Về nguyên nhân chủ quan, chính các bạn học sinh cũng chưa có nhận thức về trách nhiệm của bản thân với không gian chung, môi trường sống xung quanh. Bên cạnh đó, học sinh thường thiếu hiểu biết về sức khỏe, tác hại của những món quà vặt được bày bán tràn lan. Lứa tuổi học sinh cũng là lứa tuổi còn ham chơi, vô tư nên chưa có sự nghiêm túc, cẩn trọng trong hành động và suy nghĩ. Hiện tượng ăn quà vặt để lại rất nhiều hệ lụy với bản thân học sinh, gia đình và xã hội. Với học sinh, những món đồ không rõ nguồn gốc về lâu dài sẽ gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Việc ăn quà vặt còn hình thành ở học sinh nhiều thói quen, tính cách xấu như vô tâm, ích kỉ,… Về xã hội, môi trường sống sẽ bị ô nhiễm nặng nề, rác thải ngày càng nhiều. Từ đó, ta cần có những giải pháp thiết thực để cải thiện tình trạng này. Mỗi học sinh cần có ý thức tự giác, biết phân loại và vứt rác đúng nơi quy định. Học sinh cũng cần coi công việc vệ sinh lớp học và môi trường sống là trách nhiệm của bản thân. Gia đình và nhà trường cần quan tâm, phối hợp giáo dục các em tác hại của việc ăn quà vặt, xả nhiều rác thải và đưa ra các hướng để cải thiện môi trường. Giảm bớt việc ăn quà vặt chính là bảo vệ sức khỏe mỗi con người, môi trường xung quanh và bảo vệ tương lai cho thế hệ sau này.