Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có hai vợ chồng già rồi mà vẫn không có lấy mụn con để nối dõi tông đường. Người chồng than trách kiếp trước ăn ở thế nào nên trời không ban phúc cho. Còn người vợ thì đi hết chùa này đền nọ cúng bái cầu mong.
Một hôm đi chợ, bà gặp một cụ già ăn xin. Mái tóc của bà cụ đã trắng hết. Bà liền cho cụ một cái bánh to và một tấm áo mới.
Bà lão ăn xin ăn bánh xong liền bảo:
– Ta là tiên đây. Nhà ngươi hãy nghe ta, sáng mai vào núi ngắt lấy một bông hoa đem về. Ngươi sẽ được toại nguyện.
Nói xong, bà lão biến mất.
Sớm hôm sau, bà vào núi theo lời bà tiên dặn. Bà gặp một cây hoa chỉ có một bông, mùi thơm ngào ngạt. Bà liền ngắt đem về gối đầu giường. Ít lâu sau, bà có mang, nhưng cũng là lúc người chông qua đời. Bà đẻ được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú và đạt tên cho con là Kinh Thầy.
Kinh Thầy sống với mẹ được hai mùa lúa thì mẹ mất. Chàng được một người đạo sĩ đem về nuôi dạy. Không bao lâu, Kinh Thầy đã lớn khỏi và giỏi cung tên. Con chim nhỏ bay cao đến đâu cũng bị chàng bắn trúng, con sóc nhanh thế nào cũng không thoát khi chàng đã giương cung. Chàng còn được dạy cả phép hô mưa, gọi gió, rời núi, đào sông,…
Một hôm, người đạo sĩ bảo Kinh Thầy:
– Ta biết phương Bắc có một con rồng đen đang phá phách. Nay con đã lớn khôn, con hãy ra tay trừ yêu quái.
Nói rồi, đạo sĩ đưa cho chàng một thanh gươm thần.
Kinh Thầy bịn rịn chia tay đạo sĩ, mang gươm và nhằm phương Bắc thẳng tiến. Chàng đi đến vùng Kinh Môn thì thấy xóm làng vắng tanh, ruộng nương xơ xác, hoang vu. Chàng vào mấy làng tìm mà chẳng gặp ai.
Sang làng khác, chàng mới gặp được một người đàn bà. Chàng hỏi tại sao dân làng vắng lặng. Người đàn bà ấy trả lời:
– Ở đây có một con quái vật rất hung dữ. Mỗi ngày nó bắt một người để ăn thịt. Dân làng sợ hãi, nhiều người đã bỏ đi.
Kinh Thầy nghe vậy, ruột nóng như lửa. Chàng bảo:
– Hiện nay nó ở đâu? Tôi sẽ đi diệt trừ tai họa cho dân làng.
Người đàn bà buồn rầu đáp:
– Hiện nay dân làng đang thiếu nước, vì nó đã lấp hết sông rồi. Muốn gặp nó phải làm cho dân làng có nước uống và nấu cơm. Khi nào thấy khói, nó mới đến.
Kinh Thầy liền đốt một đống lửa thật to, to đến nỗi lửa cháy làm ao hồ cạn nước. Dân làng thấy thế liền ra dập lửa để giữ nước uống. Kinh Thầy ngăn không được, bèn dùng phép dựng một bước tường cao để ngăn dòng người.
Cuộc giao chiến vất vả và sự tích sông Kinh Thầy
Lửa vẫn cháy. Khói bốc cao hơn ngọn núi, che kín cả ánh mặt trời. Kinh Thầy vừa lau mồ hôi xong thì từ phía Bắc, con rồng đen đã lao đến. Gió ầm ầm, cây cối nghiêng ngả. Kinh Thầy vung gươm lên. Đường gươm dựng thành cầu vồng sáng rực.
Chàng vung gươm bốn phía. Gió tắt ngấm. Rồng đen bị nhốt trong lồng sáng. Nó giãy giụa, phun lửa tứ tung. Lửa cháy quanh thân chàng. Người chàng đỏ rực như sắt nung. Kinh Thầy gọi mưa đến. Mưa sập xuống ầm ầm. Nước mưa xối vào mắt rồng đen khiến nó nhắm nghiền lại. Chưa kịp mở mắt thì Kinh Thầy đã giương cung bắn. Mỗi phát hàng nghìn mũi tên. Những mũi tên quằn lên vì rồng đen có bộ vảy rắn như sắt.
Kinh Thầy bèn xoay mưa thốc từ đuôi rồng lên. Rồng quay chiều nào, mưa xoay chiều ấy. Mỗi hạt mưa mạnh như nhát dao làm xòe hết bộ vảy rồng đen. Nó quẩy dữ dỗi để cụp lại nhưng không được. Hàng nghìn mũi tên đã cắm vào trong các vảy của rồng đen. Rồng đen phá được lồng, tung hàng vạn rắn độc để đánh lại chàng. Chàng vung gươm chém rết.
Chém đến ngày thứ ba, chàng đã mệt lử, cổ rát khô thì tự nhiên một quả đào bay đến. Chàng ăn quả đào vào thì lạ thay, sức lực tràn trề khắp cơ thể. Kinh Thầy tiếp tục đánh rồng đen. Đến ngày thứ năm thì chàng bắn trúng mắt nó. Rồng đen gục xuống, chàng nhanh như cắt chém bay đầu nó, chém thân nó thành hai khúc nữa.
Đến đây, chàng mệt lả, ngồi nghỉ và ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, chàng thấy dân làng vây kín xung quanh. Bà con mang cho chàng nhiều thức ăn, nhưng toàn là đồ nướng, vì không có nước.
Kinh Thầy nhớ ra là rồng đen đã lấp hết sông ngòi. Chàng liền vươn vai, lấy tay làm mai đâm xuống đất, xẻ ra thành dòng sông lớn vòng vèo để cho làng nào cũng được uống.
Từ đó, dân các làng đặt tên cho dòng sông ấy là sông Kinh Thầy để nhớ công ơn chàng.
Còn con quái vật ngã xuống nằm thành một dải núi dọc huyện Kinh Môn ngày nay. Trên đỉnh núi An Phụ cao nhất là mặt rồng. Hai mắt nó thành hai cái giếng. Mắt bị bắn nên nước giếng đục quanh năm.