Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
"Làng" của Kim Lân là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Với ngòi bút tài hoa cùng cái nhìn độc đáo của mình, nhà văn đã tạo nên hình tượng ông Hai với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của một con người chất phác, thật thà cùng lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc, đáng trân trọng.
Ông Hai được xuất hiện trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Theo lệnh của Ủy ban, ông cùng gia đình phải rời làng Chợ Dầu thân thương để đi tản cư ở nơi khác. Ông Hai yêu cái làng của mình da diết, lúc nào cũng nhớ về những kỉ niệm khi còn "cùng làm việc với anh em". Những câu văn miêu tả tâm trạng được đặt liên tiếp nhau: "Ồ, sao mà độ ấy vui thế", "Ông thấy mình như trẻ ra", "Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên", "Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá". Chỉ một đoạn ngắn như vậy thôi cũng đủ khiến độc giả cảm nhận được tình yêu cùng sự mong nhớ của nhân vật dành cho nơi chôn rau cắt rốn. Ở nơi tản cư, ông ngày nào cũng đi nghe ngóng tin tức. Cứ thấy tin giặc bị bắt, bị bắn hạ là ông Hai không giấu nổi niềm vui. Điều này cho thấy ông là một người nông dân vô cùng chất phác, thật thà, có lòng yêu làng, yêu nước sâu sắc, đáng quý.
Với tin tức làng Chợ Dầu theo giặc, lòng tự trọng và thái độ nghiêm túc, một lòng hướng về Tổ quốc của nhân vật ông Hai đã được tỏa sáng. Các hành động, cảm xúc, trạng thái được Kim Lân khéo lèo lồng ghép, cài cắm thêm để diễn tả tâm trạng nhân vật. Như khi mới nghe tin dữ, ông Hai có những thái độ: "vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác", "cổ ông lão nghẹn ắng lại. Da mặt tê rân rân", "tưởng như đến không thở được", "cúi gằm mặt mà đi, "tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra". Ông Hai yêu làng mình đến vậy nhưng giờ đây phải đối diện với cái danh "Việt gian". Đến cả những đứa con nhỏ ở nhà "cũng là trẻ con làng Việt gian". Điều này khiến ông đau đớn, tủi nhục, thương xót cho gia đình và chính bản thân mình. Sự xấu hổ làm ông chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà, thủ thỉ cùng đứa con thơ để trút bầu tâm sự. Qua cuộc trò chuyện của hai cha con, độc giả lại càng thấy rõ hơn ý chí cùng lòng trung thành mà người nông dân ấy dành cho Đảng và nhà nước. Ông gạt bỏ ý định quay về làng, quyết tâm một lòng với cách mạng: "Làng thì yêu thật đấy. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó chính là một chi tiết đắt giá, minh chứng cho phẩm chất tốt đẹp của nhân vật và cũng là của những người nông dân xưa.
Đến khi tin tức làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, tình yêu làng và lòng trung thành với cách mạng của ông Hai mới có cơ hội được giao thoa, hợp nhất. Việc cải chính tin tức khiến cho ông Hai như được hồi sinh. Ông vui vẻ mua quà bánh phát cho các con, thậm chí gõ cửa từng nhà để khoe rằng "Tây nó đốt nhà tôi rồi", "đốt nhẵn". Điều này chứng tỏ làng ông không theo giặc. Những người dân Chợ Dầu vẫn một lòng trung thành với cách mạng, với Cụ Hồ kính yêu. Đây như một lời giải oan, một liều thuốc khiến tinh thần con người ta phấn chấn trở lại. Ông Hai lại quay về làm một người nông dân vô tư, chất phác, lại đi khoe về cái làng mà mình đã gắn bó gần như cả đời.
Qua nhân vật ông Hai, Kim Lân đã làm nổi bật lên hình tượng những người nông dân chất phác, thật thà, đôn hậu. Đồng thời, ca ngợi tình thần yêu nước, trung thành với cách mạng đáng quý của cả một giai cấp trong thời kì kháng chiến chống Pháp gian khổ. Họ tuy không "nhiều chữ" nhưng vẫn biết được mình phải bảo vệ nền độc lập, tự do cho nước mình.
Tóm lại, nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" đã được Kim Lân khắc họa vô cùng rõ nét, chân thực. Với ngôn từ dân dã cùng tình huống truyện thu hút, nhà văn đã đem đến những thông điệp vô cùng ý nghĩa về ý chí và lòng trung thành, tận tâm với nước nhà của con người. Qua đó, giúp người đọc thêm yêu mến nhân vật này hơn. Đồng thời, giữ cho giá trị của tác phẩm được vẹn nguyên với thời gian.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |