Truyện Kiều là một tác phẩm toàn bích, một lâu đài Tiếng Việt lung linh, nhìn góc nào cũng đẹp. Đây là tác phẩm kể về thân phận con người, một bản án chế độ phong kiến, một tráng ca về tự do…, nhưng cũng là một bài ca bất hủ, ngợi ca cái đẹp và quyền sống của con người.
Trong “Truyện Kiều” chỉ có một nhân vật, đó là Thúy Kiều. Người con gái phải trải qua bao nhiêu bạc ác ranh ma, bao nhiêu vùng vẫy chọc trời quấy nước, bao nhiêu khổ ải trong cõi trăm năm… mà vẫn chỉ như gió thoảng, mây bay. Cái đọng lại với độc giả trong toàn bộ tác phẩm, lại là sự vời vợi về tầm vóc tư tưởng, về tài sắc và tình yêu đẹp đẽ, mãnh liệt của Thúy Kiều! Ơn cụ Nguyễn Du biết bao khi ta lớn lên mãn nhãn, thanh tâm và khởi lòng yêu nước, yêu người với “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”; với “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”… Cha ông ta thật “tinh đời”, thật “tài tình” khi bỏ hẳn tên cũ là Đoạn trường tân thanh để đặt tên cho tuyệt tác này một cái tên giản dị, bản chất nhất: Truyện Kiều!
Nguyễn Du có nhiều tư tưởng lớn vượt thời đại, vượt khuôn khổ của Nho, Phật, Lão. Chỉ xét ba người tình, ba người tri âm của Thúy Kiều thôi, đã thấy Nguyễn Du thực là bậc kỳ tài. Khi ấy là thế kỷ XVIII, mẫu tình yêu “tài tử giai nhân” (Kim Trọng - Thúy Kiều), mẫu người quân tử được định hình tưởng không bao giờ thay đổi, hay như mẫu “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”, mẫu người anh hùng ngang dọc trời đất, cũng coi như một mẫu hình lý tưởng. Ngày nay, nhiều người đọc Kiều vẫn xuýt xoa tiếc nuối vì mối tình Kim - Kiều không đến được với nhau.