Từ xưa đến nay, vầng trăng như một nàng thơ, một người bạn tri âm tri kỉ với con người. Ánh trăng với nét đẹp tinh khôi đã chạm đến biết bao tâm hồn thi sĩ, để rồi những tác phẩm, những hồn thơ bay bổng, trong sáng được ra đời. Và nhắc đến ánh trăng, ta không thể không kể đến nhà thơ Duy Thông cùng tác phẩm “Dạ khúc cho vầng trăng”.
Bài thơ “Dạ khúc cho vầng trăng” là một tác phẩm lãng mạn, sâu sắc. Qua hình ảnh trăng non cùng khúc hát ru ngọt ngào, êm ái của mẹ đi vào giấc ngủ của con một cách nhẹ nhàng, sâu lắng đã mở ra một không gian yên bình, trong sáng. Bên cạnh đó còn hiện lên tình cảm sâu sắc, vô bờ của mẹ dành cho người con của mình.
Mở đầu bài thơ, vầng trăng như một phần của kí ức tuổi thơ, cùng mẹ chăm sóc và đồng hành cùng con trong hành trình trưởng thành.
“Trăng non ngoài cửa sổ
Mảnh mai như lá lúa
Thổi nhẹ thôi là bay
Con ơi ngủ cho say
Để trăng thành chiếc lược
Chải nhẹ lên mái tóc
Để trăng thành lưỡi cày
Rạch bầu trời khuya nay”
Trong từng lời ru của con, trăng được ví như lá lúa mảnh mai, duyên dáng, gần gũi với đời sống hằng ngày. Qua đó, mẹ muốn ghi dấu trong lòng con một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với vầng trăng, với những điều giản đơn, nhỏ bé quanh con. Dòng thơ “Con ơi ngủ cho say” là tình yêu tha thiết của mẹ dành cho con, dành cho từng giấc ngủ ngon, ấm áp. Khi con lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ cùng những giấc ngủ bình an là mẹ đã thành công tưới mát vào tâm hồn con một tuổi thơ bình dị, êm đẹp, thân thương. Hình ảnh trăng được ví như chiếc lược chải nhẹ lên mái tóc con hay lưỡi cày để rạch bầu trời, là biểu tượng của hành động ân cần, chăm sóc của mẹ dành cho con. Trăng cùng mẹ yêu thương, chăm sóc con, đem lại may mắn và niềm vui đến cho con. Những dòng thơ không những cho ta thấy được tình yêu thương thắm thiết giữa mẹ và con, mà còn là sự kết nối mật thiết giữa vầng trăng và con người. Trăng không chỉ đơn thuần là một hình ảnh, là tạo hóa của thiên nhiên, mà còn là một người bạn tiếp bước cùng con trong hành trình trưởng thành.
“Trăng thấp thoáng cành cây
Tìm con ngoài cửa sổ
Cửa nhà mình bé quá
Trăng lặn trước mọi nhà
Vai mẹ thành võng đưa
Theo con vào giấc ngủ
Trăng thành con thuyền nhỏ
Đến bến bờ tình yêu…”
Những dòng thơ đều là sự kết hợp tinh tế và tài tình của ngôn ngữ. Trăng là một người bạn gần gũi, thân thuộc, như một đứa trẻ thấp thoáng cành cây tìm con ngoài cửa sổ. Cửa sổ mình bé quá, trông như trăng sẽ lặn trước mọi nhà, vì thế mẹ luôn muốn chăm sóc, đưa con vào giấc ngủ sớm một tí. Vai mẹ như chiếc võng đưa con vào giấc ngủ, bao phủ, ân cần bảo vệ con. Vầng trăng còn được mẹ so sánh như là con thuyền nhỏ, cho thấy niềm tin và hy vọng của mẹ dành cho con, muốn đưa con đến một bến bờ hạnh phúc, bình yên mẹ mới có thể an lòng.
Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ kết hợp cùng các hình ảnh giản dị, thân thương, thanh khiết, quen thuộc như: lá lúa, chiếc lược, lưỡi cày, chiếc võng, con thuyền,… và ngôn ngữ mềm mại, nhẹ nhàng đã mang đến cho con một tuổi thơ bình yên. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa, liệt kê, so sánh, điệp ngữ,… một cách tài tình, giúp bài thơ trở nên sinh động, gợi lên tình mẫu tử gắn bó sâu sắc. Qua bài thơ, Duy Thông đã gửi gắm những suy tư và nỗi niềm của mình về cuộc đời và tình mẫu tử một cách tinh tế, những dòng thơ đều mang đến một niềm hy vọng, như những nốt nhạc trong bản nhạc lãng mạn, bình yên.
Bài thơ “Dạ khúc cho vầng trăng” như một lời hát ru ngọt ngào, êm ái của mẹ trong từng giấc mộng của con. Những hình ảnh thân thương, quen thuộc đã thấm sâu vào tâm hồn con, cùng con tiếp bước trong hành trình trưởng thành, biết sống yêu thương, chan hòa, gần gũi với thiên nhiên, quý trọng những điều giản đơn trong cuộc sống. Mẹ có thể thay thế mọi thứ trên đời, nhưng không có thứ gì thay thế được mẹ. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy biết yêu thương, chăm sóc và trân quý mẹ nhiều hơn