Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Có lẽ đối với mỗi người chúng ta, ánh trăng dịu dàng luôn để lại một ấn tượng sâu sắc. Từ thuở tấm bé, vào mỗi buổi tối có trăng lên, em lại nằm ở chiếc chiếu trải trước hè, cùng bè bạn ngắm trăng, chơi đùa và trò chuyện. Đó là những khoảnh khắc vô cùng yên bình theo em đến tận bây giờ. Tuy hiện tại đã trưởng thành hơn, nhưng với em, vầng trăng vẫn là người bạn thân thiết. Vậy nên những tác phẩm văn học viết về trăng luôn được em yêu thích, trong số đó, tác phẩm em yêu thích nhất là bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến” của tác giả nổi tiếng Trần Đăng Khoa, sáng tác năm 1968, trong tập Góc sân và khoảng trời. Chắc hẳn đây chính là tác phẩm gối đầu của nhiều thế hệ học sinh không chỉ có em. Bài thơ đã để lại trong lòng em rất nhiều cảm xúc với sự đáng yêu và trí tưởng tượng phong phú trong ngôn từ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, vì khi sáng tác bài thơ, ông mới chỉ 10 tuổi.
Với khổ thơ đầu, tác giả Trần Đăng Khoa đã khiến cho em vô cùng tò mò và thích thú, muốn tìm hiểu về vầng trăng quen thuộc:
“Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà”
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đặt câu hỏi với hai câu thơ đầu để khơi ngợi ra sự tò mò, muốn khám phá về vầng trăng của người đọc. Vậy trăng đến từ đâu? Hay là trăng đến từ cánh rừng xa, vì chúng ta luôn thấy trăng ở rất xa chúng ta, thi thoảng trăng lại lên từ những cánh rừng, rồi lại khuất trong những cánh rừng. Rồi hai câu tiếp theo, để lí giải cho việc trăng đến từ cánh rừng, tác giả lại đưa người đọc đến với sự sáng tạo vô tận khi miêu tả trăng “như quả chín”, lửng lơ trên trước nhà. Trí tưởng tưởng phong phú của nhà thơ đi kèm với cả sự liên kết trong đó, vì quả chín sẽ có trong rừng xa.
Đến với khổ tiếp theo, bằng biện pháp lập ngữ với câu thơ “Trăng ơi... từ đâu đến”, em lại thấy vô cùng hào hứng, không biết tiếp theo đây, nhà thơ sẽ đưa người đọc đến với nơi nào để tìm ra nguồn gốc của trăng nữa?
“Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi”
Ở khổ thơ này, tác giả lại đưa người đọc chúng ta đến tận “biển xanh diệu kỳ”, vì trăng cũng dễ dàng nhìn thấy nhất tại biển xanh. Trăng ở biển xanh sẽ được ví “tròn như mắt cá”, nhưng khác là mắt cá sẽ chớp, còn trăng thì không. Sự so sánh này của nhà thơ thật kì lạ, nhưng cũng thật đáng yêu làm sao!
“Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Đứa nào đá lên trời”
Với khổ thơ thứ 3, tác giả đã liên tưởng trăng đến từ một sân chơi, vì trăng có hình dáng tròn như quả bóng, thứ đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của tất cả mọi người. Trăng giờ đây không còn xa tít tận rừng xa hay biển xanh mà giờ lại trở nên gần ngay trước mắt, tưởng như món đồ chơi thân thuộc của các bạn nhỏ, đá lên tận trời vậy. Ngôn từ của nhà thơ thật giản dị và hóm hỉnh.
Nhà thơ lại tiếp tục đưa em cũng như người đọc đến với những kỉ niệm tuổi thơ đầy thương nhớ:
“ Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ!”
Những câu chuyện cổ tích, lời ru của mẹ đã theo mỗi đứa trẻ chúng ta lớn lên. Trong số đó, chúng ta chắc hẳn quen thuộc với sự tích cây đa, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã liên tưởng tới lời ru của mẹ về sự tích này để trả lời cho câu hỏi trăng từ đâu đến. Nhà thơ còn thương chú Cuội trong sự tích vì không được đi học, nói dối mà phải ngồi ở gốc đa chăn trâu trên cung trăng. Đây là suy nghĩ thật đáng yêu và trong sáng của nhà thơ khi đó là một cậu bé 10 tuổi.
“Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân”
Rồi chưa dừng lại, nhà thơ lại tiếp tục muốn đi tìm tiếp xem nơi nào có thể là nơi trăng đến nữa. Từ những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những nơi quen thuộc của tuổi thơ, tác giả Trần Đăng Khoa đã lại đưa em đến với hoàn cảnh của đất nước ta lúc bấy giờ. Để cho các bạn nhỏ được ngắm ánh trăng trong bình yên như vậy, các chú bộ đội vẫn đang ngày đêm phải hành quân để bảo vệ tổ quốc, cũng chính là để bảo vệ sự thơ ngây của trẻ thơ như tác giả. Vậy nên hay là trăng đến từ nơi các chú hành quân ư? Vậy vầng trăng không chỉ là bạn thân của trẻ em mà còn là bạn đồng hành cùng các chú bộ đội nữa.
Khổ thơ cuối chính là tình yêu đất nước của nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay từ khi còn nhỏ, được thể hiện qua ánh trăng thân thuộc:
“Trăng ơi… từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em…”
Cuối cùng tác giả cũng đã biết, không có nơi nào là nơi trăng từ đó đến, vì trăng đi khắp mọi miền. Nhưng đồng thời, Trần Đăng Khoa cũng khẳng định dù trăng có đi nơi nào nhưng trăng ở “đất nước em” vẫn sáng nhất. Vì trăng ở đất nước chúng ta có bình yên, có hạnh phúc, đang được các chú bộ đội ngày đêm bảo vệ. Tình yêu đất nước của tác giả đã được thể hiện thật rõ ràng từ khi còn nhỏ.
Bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến” đã mang tới cho em rất nhiều cảm xúc. Đó là sự bình yên, hạnh phúc khi đọc bài thơ và được ngắm nhìn ánh trăng hòa bình ngày nay. Cùng với đó, em thấy được tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa được bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ vì đã đưa người đọc như em đến với những hình ảnh tưởng tượng phong phú và vô cùng đáng yêu, cũng như tình yêu thiên nhiên đất nước được lan tỏa qua bài thơ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |