Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đến khi đại phá quân Thanh thì sự vận dụng mưu trí của Nguyễn Huệ đã đi đến mức tuyệt diệu.
Tôn Sĩ Nghị vốn tính hay kiêu khi sang nước ta chưa gặp được sức kháng cự nào, từ biên giới cho tới núi Tam Tầng (8), đường đi rất dễ dàng, Nghị dương dương tự đắc, gặp Tham tri Vũ Chinh nói về tình hình Tây Sơn có nói: “Nguyễn Huệ là tay lão luyện về việc hành trận, tay cầm một đội quân rất mạnh.” (9) Tôn Sĩ Nghị đã cười mà rằng: “Nước người vì bị tàn ngược đã lâu, mất hết nhuệ khí nên động một tí thì đem hùm sói ra mà dọa, tự ta coi ra nó chỉ như hạng chó dê, chỉ sai một người dùng thừng buộc cổ lôi về chẳng khó khăn gì. Đợi khi ra đến La Thành, chỉ nhổ nước bọt xoa tay là xong việc. Ngươi hãy thử ngẫm mà xem” (10).
Nghị lại tỏ ra chủ quan hơn nữa khi Lê Quýnh đến dinh Nghị yêu cầu động binh, Nghị nói: “Việc gì mà phải lật đật như thế? Chẳng qua cũng như lấy của trong túi, lấy sớm được sớm, lấy muộn được muộn. Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân đi xa cần phải nghỉ ngơi, không nên đánh vội. Giặc gầy thì ta béo, để nó tự đến nộp thịt. Nhưng “nước ấy” đã xin như thế thì nên tính từ Đô Thành về Nam, chừng 60 dặm, chia quân đóng 3 đồn, đó cũng là cách phòng xa, chờ đến sang năm tiến quân mà bắt chưa muộn” (11).
Chưa rõ tình hình ra sao, chưa có kinh nghiệm gì về địch mà Nghị dương dương tự đắc kiêu căng, như vậy làm sao có thể tránh khỏi kế kiêu địch của Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã gởi thơ tới Tôn Sĩ Nghị xin hàng (12). Trước ngày tấn công, Nguyễn Huệ lại cho quân đến khiêu chiến và giả thua nhiều trận. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương mục chép: “Ngày 04 tháng giêng năm ấy, quân lưu động của giặc, đến trước, hễ đánh trận nào thì thua luôn trận ấy, Sĩ Nghĩ rất coi khinh” (33). Nhờ vậy, Quang Trung có được yếu tố bất ngờ, và với lối hành binh thần tốc, quân Thanh đã trở tay không kịp, nên đại bại.
Nguyễn Huệ lại tỏ ra là người có tài tiên liệu thần tình, chẳng khác nào Khổng Minh sắp đặt công việc.
Từ khi chiến thắng Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã tỏ ra là một người có mưu trí về cả chính trị. Những lời đối đáp với Nguyễn Hữu Chỉnh khi Chỉnh đưa ra đề nghị chiếm đất Bắc Hà đã chứng minh điều đó. Huệ đã quan tâm đến yếu tố nhân tâm trong cuộc chiến, nào e sợ nhân tài Bắc Kỳ, nào lấy danh nghĩa tiến quân cho hợp lòng người; đến khi được Chỉnh nói trúng ý mình thì ông quyết định liền (14).
Nguyễn Huệ đã tiên tri được sự “trung thành” của Nguyễn Hữu Chỉnh.
Sau khi diệt được họ Trịnh, Nguyễn Huệ trở về Phú Xuân, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở ngoài Bắc, nhưng Chỉnh đã vội đuổi theo gặp Nguyễn Huệ ở Nghệ An. Nguyễn Huệ cho Chỉnh cùng Nguyễn văn Duệ ở Nghệ An và dặn riêng bọn Duệ: “Chỉnh vốn là đứa vong mạng đến đầu ta, hắn phản phúc không thể tin được, ta lúc đầu muốn mượn tay người Bắc Hà giết hắn, chẳng ngờ hắn chạy thoát theo đây. Theo nghĩa, ta cũng không nhẫn bỏ hắn, Nghệ An là quê quán hắn. Ngươi hãy xem xét binh tế động tĩnh của hắn mà phòng bị. Nếu có biến thì đưa thơ cấp báo” (15).
Quả nhiên, Chỉnh mưu chống lại Nguyễn Huệ khi nắm quyền hành ở Bắc Hà. Sau khi được vua Chiêu Thống vời ra thanh toán bọn Trịnh Bồng. Nguyễn Huệ đã sai Vũ văn Nhậm ra bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng Huệ đã tiên tri được những hành động của Nhậm nên đã cho bọn Ngô văn Sở và Phan văn Lân đi theo. Trước khi đi, Nguyễn Huệ nói kín với Ngô văn Sở và Phan văn Lân: “Nhậm trong chiến dịch này cầm trọng binh, chuyên việc nước lớn lao thì cái biến không thể nào liệu trước được. Điều ta lo không ở Bắc Hà mà chỉ ở Nhậm thôi. Bọn ngươi phải xem xét hắn tỷ như lửa vậy, dập lúc lửa mới nhen nhúm thì sức rất dễ” (16).
Đến khi được tin cấp báo của Ngô văn Sở về hành vi của Nhậm, Huệ bèn bảo: “Vũ văn Nhậm, ta vốn biết hắn ắt làm phản, thì quả nhiên” (17).
Nguyễn Huệ như đã đoán trước những biến cố sẽ xảy ra cho Bắc Hà, và đã có con mắt tinh đời, biết tài Ngô thì Nhậm, là người có thể đương đầu với thời thế khi có biến, đã dặn dò bọn Ngô văn Sở và Phan văn Lân nên tin cẩn và nghe lời Nhậm. Ông nói với bọn tướng tá rằng: “Phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì mới cũ mà xa cách nhau, ấy là điều mong ước của ta.”
Quả nhiên nhờ có Ngô thì Nhậm bàn kế rút lui để bảo toàn lực lượng thủy bộ và kế “dụ địch”, “kiêu địch”.
Khi gặp bọn Sở, Nhậm ở núi Tâm Điệp (đèo Ba Dội), Nguyễn Huệ đã tiên đoán là do Nhậm bày kế ấy. Khi hỏi Nguyễn văn Tuyết quả nhiên đúng như thế (18).
Trước khi phát binh ra Thăng Long, Nguyễn Huệ lại nói với Ngô thì Nhậm:
“Nay ta tự coi đốc tướng sĩ, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chẳng quá 10 ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp 10 lần nước mình, sau khi bị thua 1 trận ắt lấy làm thẹn mà cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân, lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách thật khéo, thì mới ngăn được cái ngòi chiến tranh, việc ấy phi Ngô thì Nhậm không ai làm nổi. Đợi 10 năm nữa ta đủ thời giờ gầy nuôi, nước giầu quân mạnh thì ta có sợ gì nó” (19).
Đến khi phá quân Thanh xong, lúc đầu để Hôn Hổ hầu viết biểu cho Càn Long xin phong làm An Nam quốc vương. Biểu ấy khi chuyển tới Thanh Hùng Nghiệp, thì viên này cả khinh nói với sứ giả Hôn Hổ hầu: “Nay không phải là hai nước đang đánh nhau, sao lại viết toàn một giọng giận dữ. Viết như thế là muốn cầu phong tước chăng hay muốn khơi hấn chiến tranh chăng?” (20).
Sau Quang Trung phải giao hắn cho Ngô thì Nhậm: Lo việc ngoại giao với nhà Thanh thì y như rằng việc giao hảo với nhà Thanh thật rất tốt đẹp, khiến vua tôi nhà Lê trở nên khổ nhục.
Những sắp đặt mưu kế, tiên liệu tính toán như vậy chứng tỏ mưu trí của Quang Trung cao đến mức nào!
Nói về cái dũng Nguyễn Huệ, chánh sử triều Nguyễn ghi:
“Nguyễn Huệ đã bốn lần đánh phá Gia Định, lâm trận đi đầu các quân sĩ, hiệu lệnh rất nghiêm minh, quân sĩ đều kính phục” (21). Làm tướng mà luôn luôn đi đầu khi lâm trận thì sao quân sĩ chẳng kính phục?
Khi chỉ huy trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ cỡi voi đốc xuất quân sĩ xông pha vào lửa đạn đến nỗi khi tiến vào thành Thăng Long, chiến bào của vua Quang Trung biến thành đen xám vì thuốc súng (22).
Trong một bản ký nhật của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà gởi về cho Giáo Hội Truyền Giáo Trung Ương ở Ba Lê có kể: “Ngày 30 tháng 01 (1789) Quang Trung rời Kẻ Vôi (Hà Hồi) trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông, nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều võ quan và binh lính, làm rất nhiều người chết về tay ông, ông luôn mồm hò xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu” (23).
Điều này chứng tỏ sự vô cùng xông xáo của Nguyễn Huệ làm tướng coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Tôn Vũ Tử xưa kia khi ra mắt vua Ngô Hạp Hư đã chứng tỏ sự áp dụng hiệu lệnh nghiêm minh của mình đã cho chém đầu 02 người thiếp yêu quý nhất của nhà vua khi 2 người này làm đội trưởng cho một toán 180 cung nữ để Tôn Vũ Tử áp dụng thử hiệu lệnh. Tôn Vũ Tử đã ba lần ra lệnh, năm lần nhắc lại và lại phải một lần thứ hai làm như vậy, mà bọn cung nữ cứ cười cợt không tuân theo, ông mới ra lệnh chém 2 người thiếp yêu của vua dù vua can xin tha tội. Người đời về sau khen hiệu lệnh Tôn Tử thật là nghiêm. Hiệu lệnh của Nguyễn Huệ cũng nghiêm khắc không kém. Trong bức thư đề ngày 11 tháng 06 năm 1788, giáo sĩ La Bartette gởi cho giáo sĩ Letondal có viết: “quân giặc (quân Tây Sơn) đôi khi điều động được tới 200, 300.000 quân, sự thực thì đa số bị cưỡng bách, nhưng tất cả đều quyết tử – kẻ nào nhìn về sau trận địa, lập tức bị chém đầu.” (24)
Ngày lễ thành phục vua Lê Hiển Tôn, Huệ mặc đồ tang đứng bên trái trên điện, có một người chấp – sự cười lén – Huệ ra lệnh bắt đem ra chém. (25)
Khi Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh, bọn côn đồ thừa cơ hỗn loạn nổi lên cướp bóc khắp nơi, Nguyễn Huệ đã áp dụng sự trừng phạt gắt gao, giáo sĩ Le Roy (ở Nam Định) đã viết cho ông Blandin ở Ba Lê ngày 11 tháng 07 năm 1786:
… “Những người Nam Hà này (quân Nguyễn Huệ) đã áp dụng sự xử án khắc nghiệt – mới thấy tố cáo chẳng cần đợi xét xử lôi thôi, họ đã chém đầu những bọn trộm cướp hay tất cả những kẻ nào bị người ta tố cáo là trộm cướp. Người ta rất lấy làm thích sự xử phạt như vậy và sự liêm khiết của quân Tây Sơn. Vì họ không cướp bóc ai, họ chỉ biết chặt đầu mà thôi. Điều đó đã khiến cho yên lành một vài nơi trong một thời gian.” (26)
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |