Khi học được những tác phẩm của Nam Cao trong chương trình học phổ thông, tôi bắt đầu thích tác giả này, thích ông bởi lối sáng tác giản dị, chủ đề luôn gắn với cuộc sống thường ngày của người nông dân thời xưa. Đọc mỗi tác phẩm từ “Lão Hạc” đến “Chí Phèo” rồi “Đời thừa” đều nói về những con người, những số phận khốn khổ sống trong một xã hội đầy những bất công. Cũng chính bởi yêu thích tác giả cùng những truyện ngắn của ông, tôi tìm đọc “ Một bữa no “ – một trong những truyện ngắn vô cùng cảm động của Nam Cao, qua lời giới thiệu của một người bạn. “ Một bữa no “ xoay quanh nhân vật người bà – người đàn bà gặp biết bao những bất hạnh trong cuộc sống. Chồng bà mất sớm, một mình bà phải trang trải nuôi con, những tưởng sau này có đứa con giúp đỡ bà lúc già yếu nhưng đứa con ấy cũng bỏ bà lại. Người con dâu bất nhân ngay khi vừa xong tang chồng đã đi thêm bước nữa, để lại đứa con nhỏ cho bà cụ nuôi nấng. Đứa cháu dần lớn khôn, đã biết đi ở mướn cho bà bớt phần cơ cực. Nhưng rồi bà lâm bệnh, số vốn ít ỏi cũng theo đó mà cạn kiệt. Bà đành mang tấm thân già yếu, mệt nhọc của mình đi làm thuê cho nhà người ta. Mới đầu còn có nhiều người muốn thuê nhưng rồi thuê bà được ít lâu, người ta lại chán. Thế rồi bà thất nghiệp, nhờ vào năm đồng tiền thương hại mà người chủ cuối cùng cho bà, bà sống lay lắt qua ngày. Đến nước này, dường như người đàn bà ấy cũng không giữ nổi phẩm giá của mình chỉ vì miếng cơm manh áo, bà đành lê tấm thân tàn tạ của mình ra chợ xin ăn.. Cuộc sống của người đàn bà bất hạnh giờ chỉ còn trông cậy vào những bữa cơm được thiên hạ thương hại cho ăn. Cho đến khi được một bữa cơm sau bao ngày nhịn đói, tay chân bà run rẩy, bà lống ngống như đứa trẻ mới tập cầm đũa, không làm sao gấp thức ăn được, làm đổ cả ra mâm. Mặc dù bị khinh bỉ, chì triết suốt bữa ăn nhưng bà vẫn không thấy xấu hổ và ăn một cách ngon lành. Trong khi mọi người đã nghỉ bà vẫn miệt mài ngồi ăn, ăn như chưa bao giờ được ăn! Dường như vì lâu quá không được ăn cơm, nên bà ăn mãi vẫn không thấy no. Sau bữa ăn huy hoàng, bà về nhà với cái bụng căng tròn đầy mệt nhọc. Thế rồi bà đau bụng, bà thổ, bà tả,…kéo dài nửa tháng thì bà chết. Cái chết no nhưng hèn hạ, tủi nhục. Trong cơn đói khát hành hạ, bà không còn giữ được nhân phẩm, bà đã ăn một bữa ăn đầy tủi hờn, để rồi chết một cách nhục nhã.Ngòi bút của Nam Cao vẫn như vậy. Vẫn rất lạnh lùng mà lại đầy tình thương. Ông luôn xây dựng nhân vật của mình ở cái tận cùng của sự nghèo khổ. Họ là những con người lương thiện, lam lũ nhưng bị cái xã hội thực dân nửa phong kiến đè nén, ức hiếp để rồi đều đi đến một kết cục bi thảm: chết. Đây cũng là cái kết hạn chế trong các tác phẩm của ông. Từ Lão Hạc, Chí Phèo đến ông giáo Thứ,... họ không chết về thể xác thì cũng chết về tâm hồn. Truyện Nam Cao tuy lột tả được hiện thực xã hội lúc bấy giờ nhưng chưa tìm được lối đi, lối thoát cho người nông dân, trí thức nghèo khốn khổ khi chưa có ánh sáng của cách mạng. Bà lão trong Một bữa no cũng vậy. Cuộc đời xô đẩy bà hết biến cố này đến biến cố nọ, khiến bà lão già yếu không còn chỗ dựa. Chồng mất khi con trai mới lọt lòng, còng lưng nuôi con thì nó lại chết trẻ, vợ anh lại bỏ đi lấy chồng khác, để lại đứa cháu gái 5 tuổi thơ dại. Bà lại phải "hết xương hết thịt" nuôi cháu. Đến khi nó 12 tuổi thì đi ở cho nhà giàu, bà lại bơ vơ, già yếu rồi bệnh tật. Bà cũng phải đi ở chăm trẻ, cầm cự được một thời gian bà nảy ra ý định đến nhà bà Thứ nuôi con đi-cháu gái bà. Tại đây bà được một bữa no trước sự khinh bỉ của nhà chủ. Chính vì ăn no quá sau thời gian dài bị đói, về nhà bà hết tả rồi lị. Một tháng sau thì bà chết no. Tác phẩm kết thúc bằng lời răn của bà Thụ với đám con gái, con nuôi, con ở: " Chúng mày xem đấy, người ta đói đến đâu cũng không thể chét nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!..."Những trang truyện cuối cùng khép lại, để trong lòng người đọc biết bao dư vị, cảm xúc. Là cái gì đó xót xa cho số phận đáng thương của người nông dân trong xã hội phong kiến xưa, là cái gì đó tức giận bởi sự bất công của những con người có địa vị, đã đẩy những người dân lương thiện vào con đường tha hóa, biến chất. Không chỉ “Một bữa no”, mà còn biết bao những câu chuyện khác của tác giả Nam Cao đều lay động lòng người đến vậy. Không phải những cốt truyện với từ ngữ mĩ miều, mỗi mẩu chuyện ngắn của Nam Cao đều dung dị từ tên nhân vật cho tới hình thức, nội dung câu chuyện, chính bởi vậy Nam Cao hướng người đọc đến sự cảm thông, đồng cảm hết sức chân thành chứ không phải thứ tình cảm giả tạo, hào nhoáng. Cũng như lời Nam Cao đã từng nói trong tác phẩm “ Đời thừa “ của mình rằng : “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”