Bài thơ "Con chim chiền chiện" của tác giả Huy Cận đã để lại cho em những rung cảm sâu sắc. Bài thơ ca ngợi một cuộc sống tự do, phóng khoáng từ đó bày tỏ niềm tin yêu vào cuộc sống và tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của tác giả. Ngay từ khổ thơ đầu tiên: "Con chim chiền chiện/ Bay vút, vút cao/ Lòng đầy yêu mến/ Khúc hát ngọt ngào.", nhà thơ đã gợi mở cho em những hình dung về cánh chim trời đầy khoáng đạt với giọng ca ngân vang khắp trời đất. Chim mang trong mình một tình yêu tràn "đầy yêu mến" với cuộc sống, con người. Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa: "Lòng đầy yêu mến/ Khúc hát ngọt ngào" và "Chim nói chim nói/ Chuyện chi chuyện chi" có tác dụng gợi ra tiếng hót trong trẻo, tràn đầy sức sống của con chim. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng trường từ vựng gợi hình gợi cảm: "vút cao", "ngọt ngào", "cao vợi", "long lanh", "chói", "bối rối", "trong veo", "không biết mỏi", "tròn bụng sữa", "chan chứa", "cao vút", "xanh da trời", "hồn xanh", "tưng bừng" vừa gợi tả được vẻ đẹp của tiếng chim vừa thể hiện được cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi được đắm mình trong tiếng hót ngọt ngào. Biện pháp ẩn dụ "lúa tròn bụng sữa" (khổ thơ thứ tư) đã góp phần lột tả không khí của đồng lúa làng quê. Hình ảnh chim chiền chiện với tiếng hót cứ được đẩy lên cao, cao mãi qua những câu thơ "Bay vút, vút cao", "Cao hoài, cao vợi", "Bay cao, cao vút" và cuối cùng là biến mất chỉ để lại tiếng hót "làm xanh da trời". Hình ảnh chim chiền chiện với những khúc ca "chỉ còn tiếng hót" làm vang khắp không gian "làm xanh da trời" là một hình ảnh mà em cho là độc đáo. Tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác qua thị giác để làm nổi bật vẻ đẹp trong tiếng hót của chim chiền chiện trên nền bầu trời xanh. Từ đây, ta cũng cảm nhận được tấm lòng yêu mến thiên nhiên của nhà thơ. Kết cấu đầu cuối tương ứng: "con chim chiều chiện" đã khắc họa tiếng hót để nhấn mạnh vào tình yêu cuộc sống, yêu quê hương của nhà thơ. Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, cách gieo vần chân ("cao" - "ngào", "xanh" - "lanh", "chi" - "thì",...) và vần lưng ("chiền" - "chiện", "vút" - "vút", "cánh" - "xanh",...), cách ngắt nhịp 2/2, giúp các câu thơ trong một khổ thơ, các khổ thơ trong đoạn thơ trở nên gắn kết hơn, tạo nên nhạc điệu và sự hài hòa cho bài thơ, đồng thời khắc họa được vẻ đẹp của con chim chiền chiện. Qua đó, thể hiện tinh thần đề cao cuộc sống tự do, yêu thiên nhiên, đất nước của nhà thơ Huy Cận.