Năm lớp 6 và lớp 7, tôi thi học sinh giỏi môn Toán toàn huyện, đều giành giải khuyến khích. Nhiều bạn đã lên tiếng chế giễu tôi là được giải “khúc khích”!
Lên lớp 8, bố mẹ tôi chuyển nhà lên thị xã. Hai chị em tôi đều chuyển đến trường mới: trường Trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão. So với các bạn trong lớp thì tôi chỉ vào loại học khá các môn Toán, còn môn Ngữ Văn và Tiếng Anh, tôi giồng mình lên mà vẫn chỉ đạt điểm trung bình. Tôi sinh ra đã luôn cảm thấy tự ti, thậm chí có lúc tỏ ra hèn nhát. Tỏng giờ học Ngữ Văn, cô giáo đưa ra câu hỏi nào tôi đều biết đáp án, nhưng tôi không dám giơ tay phát biểu. Trong những giờ sinh hoạt tổ học tập, sinh hoạt lớp, tôi ngồi im như thóc trong bồ. Các bài kiểm tra Toán, tôi chỉ được 7 hoặc 8 điểm; cô giáo dạy Văn vẫn phê là “trình bày rối” hay “chưa khoa học”. Thậm chí, có lần tôi còn làm trò cười cho cả lớp. Tôi gọi cây đàn ghi ta (lục huyền cầm) là cây đàn “chi-nha” khi làm bài văn thuyết minh.
Tôi trở nên vụng về khi bước vào phòng chức năng học vẽ, học đàn, học hát. Buổi học hôm ấy, khi các bạn kéo ra sân chơi, tôi ở lại một mình trong phòng chức năng. Không biết tôi hí hoáy thế nào mà lại làm đứt dây đàn vĩ cầm. Sự cố xảy ra, tôi vô cùng lo sợ. Tôi dặn mình: “Chẳng ai biết mình gây ra. Cứ im lặng và tỉnh bơ…”. Buổi tập hát tiếp tục. Cái Diệu kêu lên: “Đàn đứt dây rồi!”. Cô giáo dạy âm nhạc hỏi: “Ai làm đứt dây đàn?”. Nhưng tất cả đều nhìn nhau im lặng. Cô giáo tỏ ý không vui khi không ai dám nhận lỗi lầm của mình. Sau sự cố ấy, thầy chủ nhiệm lớp 8A hạ một bậc hạnh kiểm của Diệu (nhóm trưởng) và Hoàn (nhóm phó) trong đội ca vũ, từ loại tốt xuống loại khá.
Lòng tự trọng đã nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi viết một bức thư dài gửi thầy chủ nhiệm nói rõ sự việc, xin nhận kỷ luật. Tôi hy vọng thầy không hạ mức hạnh kiểm của hai bạn Diệu, Hoàn...
Nhớ lại kỉ niệm thời non dại ấy, bài học ngụ ngôn về chuyện “đóng đinh lên cột’ mỗi lần mắc một khuyết điểm và “nhổ đinh” mỗi lần sửa chữa được một lỗi lầm ... làm tôi cứ nao lòng.