Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quá nhiều điều để tự hào khi Hiệp hội chính thức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Nhóm các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa lớn nhất của thế giới và duy trì được sự ổn định chính trị tương đối, theo Bloomberg đưa tin.
Hiện nay, khá nhiều nền kinh tế thành viên của Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể kể đến Philippines hay Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường niên ước khoảng 6%.
Với tổng dân số 620 triệu người và tổng quy mô nền kinh tế khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, tiềm năng phát triển của Đông Nam Á còn rất lớn. Đến năm 2020, tổng quy mô kinh tế của Đông Nam Á sẽ đứng thứ 5 trên thế giới, theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Tuy nhiên, nền kinh tế các nước thành viên Đông Nam Á vẫn chưa thực sự hội nhập. Doanh nghiệp trong khu vực đối diện với nhiều rào cản trong kinh doanh dù vào năm 2015 các nước thành viên từng ký kết thống nhất về lộ trình gỡ bỏ rào cản thương mại, tạo ra thị trường chung thống nhất để giúp thương mại, dịch vụ và lao động phát triển tự do.
Thế chế chính trị khác nhau khiến sự hội nhập càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, hiện vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề tranh cãi về địa chính trị.
“Chính phủ các nước luôn quan tâm đến quyền lợi của nước họ trước sau đó mới đến quyền lợi của nhóm”, chuyên gia kinh tế tại CIMB, ông Song Seng Wun, nhận xét.
ASEAN được thành lập năm 1967 bởi 5 thành viên sáng lập bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan với mục tiêu tăng cường phát triển kinh tế và đảm bảo hòa bình cho khu vực.
Từ đó đến nay, Đông Nam Á đã chuyển mình từ một nhóm các nước có nền nông nghiệp nghèo sang trung tâm sản xuất rất nhiều các sản phẩm từ điện thoại di động cho đến ô tô.
Tổng GDP của các nước Đông Nam Á tính đến cuối năm 2016 đã lên 2,6 nghìn tỷ USD, tương đương với kinh tế của Anh từ mức 37,6 tỷ USD vào năm 1970.
Kinh tế Đông Nam Á mỗi năm tăng trưởng đều đặn 4,9%, kinh tế Myanmar, Việt Nam và Philippines tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, theo số liệu do BMI cung cấp.
Kinh tế của nhiều nước thành viên Đông Nam Á như Singapore phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, chính vì vậy tăng trưởng kinh tế của nhóm nước này phụ thuộc nhiều vào biến động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chính phủ các nước Đông Nam Á đã thành công trong việc xây dựng ASEAN thành một trung tâm sản xuất bên cạnh Trung Quốc nhờ lợi thế chi phí lao động thấp, nhu cầu nội địa tăng trưởng cao và đầu tư vào hạ tầng tăng trưởng mạnh.
Dù hoạt động thương mại với các nước ngoại khối phát triển mạnh nhưng thương mại nội khối ASEAN còn kém sôi động hơn rất nhiều so với các nhóm nước khác trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU).
Thương mại nội vùng Đông Nam Á chỉ bằng 1/5 so với tổng kim ngạch thương mại của khu vực, trong khi đó tỷ lệ này tại EU lên đến hơn 60%. Rào rản phi thuế quan trong khu vực vẫn rất cao, đặc biệt tại một số nền kinh tế như Indonesia.
Yếu tố nhân khẩu vẫn đang hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của nhóm nước Đông Nam Á. Trong khi lực lượng lao động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông đồng loạt giảm liên tục từ năm 2015 thì lực lượng lao động tại Đông Nam Á được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng đều đặn cho đến năm 2020, Nomura Holdings dự báo.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế cao của khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư. Coca Cola nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Myanmar còn Apple đang xây thêm trung tâm nghiên cứu tại Indonesia.