Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những ngày tháng tuổi thơ bên bà. Người bà hiện lên trong bài thơ là người bà giàu yêu thương, đôi tay bà "ấp iu" kiên nhẫn, khéo léo và chi chút để thắp lên bếp lửa nồng đượm. Bà cùng cháu trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn "Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa". Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gia đình chỉ còn lại bà và cháu nương tựa nhau do cha mẹ đi công tác. Sự hiện diện của bếp lửa chính là nhân chứng cho sự cưu mang, dạy dỗ, chăm sóc của bà dành cho cháu suốt tám năm cháu sống cùng bà. Tình bà ấm áp như bếp lửa, cuộc đời bà khó nhọc là vậy nhưng bà vẫn luôn dành cho cháu những điều tốt đẹp nhất: "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Bà là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất của cháu, bà cưu mang đùm bọc đầy chi chút, để đến khi người cháu ở nơi xa nghe thấy tiếng chim tu hú quen thuộc của những cánh đồng quê mỗi mùa hè gợi nên tình cảnh vắng vẻ của bà nơi quê nhà. Cuộc đời bà gắn liền với bếp lửa, ngọn lửa, bà là người nhóm lửa, giữ, lửa và truyền lửa, ngọn lửa bà nhóm là ngọn lửa của tình yêu thương, của niềm tin, hy vọng. Suốt mấy chục năm, bà vẫn luôn tần tảo, hy sinh và chăm lo cho mọi người trong gia đình, bếp lửa bà nhóm lên mỗi sớm mai còn nhóm cả những tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa bà nhen không chỉ là từ hòn than, que củi mà còn nhen bởi ngọn lửa trong trái tim bà, đó là ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương và niềm tin. Người bà trong bếp lửa của Bằng Việt không chỉ là đại diện cho người bà, người mẹ Việt Nam với những đức tính cao đẹp, sự hy sinh cao cả mà còn là người truyền lửa, nhen nhóm trong thế hệ sau tình yêu con người, tình yêu đất nước.