Ở cặp lục bát cuối cùng, những dự cảm không lành về tương lai dần dần hiện ra rõ ràng:
"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Sắc thái biểu cảm của câu thơ này đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ từ láy "ầm ầm". Đây là âm thanh của những cơn sóng dữ dội, những trận mưa lớn trong thiên nhiên. Khi nhìn về phía cửa biển, nàng đã thấy có gió bắt đầu nổi lên. Đáng lẽ, tiếng "ầm ầm" phải xuất phát từ phía đằng xa đó nhưng nàng Kiều lại tưởng tượng như âm thanh ấy "quanh ghế ngồi". Đây chính là sự ẩn dụ cho những sóng gió tiếp theo trong cuộc đời Thúy Kiều. Nàng đã dự cảm được trước những điều không may sẽ đến với mình trong tương lai nhưng lại chẳng làm được gì. Đây là một cảm giác rất khó chịu, đáng sợ, biết những tai ương sẽ đến nhưng lại chẳng thể tránh, chỉ có thể ngồi chờ cho qua cơn sóng dữ qua đi mà thôi.
Qua tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", Nguyễn Du đã cho ta thấy tâm trạng cô đơn, lạc lõng của Kiều cùng những nỗi lo sợ không tên về tương lai mù mịt. Thi nhân đã sử dụng phép điệp ngữ "Buồn trông" được lặp lại ở đầu từng cặp câu thơ để thể hiện nỗi lòng nhân vật. Ngoài ra, tác giả còn lồng ghép rất nhiều từ láy gợi hình, gợi cảm, khiến cho câu thơ trở nên độc đáo, đặc biệt khó quên.
Có thể nói, tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là những câu thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất, đặc trưng nhất trong văn chương Việt Nam. Qua đó, ta cảm thấy thấu hiểu hơn cho nỗi lòng cô đơn, đau khổ của Kiều khi không thể chọn lựa những bước đi của mình dù biết phía trước là cơn sóng dữ.