Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nhà thơ viết nằm” Đỗ Trọng Khơi là một thi sĩ độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tai ương vì bệnh tật đổ xuống cuộc đời khi anh đang bước vào cấp tiểu học. Từ đó, chiếc giường con là nơi anh trải lòng mình qua những trang thơ, trang văn dạt dào cảm xúc về tình người, tình đời. Nhiều tác phẩm, giải thưởng được báo chí và bạn đọc yêu mến khen tặng đã động viên Đỗ Trọng Khơi rất nhiều trong cuộc sống. “Thu sang” - một thi phẩm lục bát càng khẳng định thêm điều đó. Bài thơ phác họa một bức tranh thiên nhiên buổi giao mùa khi trời đất sang thu, đồng thời là tiếng lòng thiết tha của nhà thơ đối với quê hương, đất nước.
Hai câu thơ mở đầu được nhà thơ miêu tả khoảnh khắc giao mùa bằng sự mẫn cảm và tinh tế. Mùa hè đã bước đến biên độ cuối cùng của nó, chỉ còn lại sự mong manh của thanh âm và màu sắc. Cái gì đã đạt đến giới hạn của sự đầy đặn và viên mãn nhất tất nó phải chuyển sang một hình thái khác.
Mùa hè cũng vậy, khi “đã tràn ngàn nỗi mong manh”, một tiếng chim vút lên sẽ “đẩy khoảng trời xanh sang mùa”, báo hiệu bóng dáng mùa thu đang về chiếm ngự: “Đã tràn ngàn nỗi mong manh/ Tiếng chim đẩy khoảng trời xanh sang mùa”.
Đâu chỉ có âm thanh của tiếng chim vang vọng, chính sắc vàng mới làm nên đặc trưng của vẻ đẹp mùa thu. Mùa thu tự thân đã vàng, vậy nên nhìn đâu màu vàng cũng mênh mang trời đất. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi không miêu tả từng nét vàng cụ thể, ông chỉ cảm nhận qua hai chiều không gian, thời gian một cách khái quát, rộng lớn.
Màu vàng từ nắng mưa, từ sâu trong lòng đất (có lẽ biểu hiện qua hình hài cây lá) và màu vàng từ bầu trời của những mùa thu xưa cũng đang tụ về nhuộm sắc. Tất cả hóa thành vẻ đẹp nên thơ, không chỉ qua cảnh sắc mà sâu lắng hơn, mùa thu đã chiếm trọn lòng người: “Vàng như tự nắng tự mưa/ Tự lòng đất, tự trời xưa nhuộm về”.
Vàng thu đã chiếm ngự, sắc xanh của mùa hè không sao chống đỡ nổi, đã hom hem và “kiệt sức” mất rồi. Ánh nắng nồng rực rỡ mùa hè giờ cũng tan theo âm thanh của “hồn ve” lìa xa trần thế. Những câu thơ tràn đầy cảm xúc, sâu lắng như nỗi lòng vương vấn của thi nhân: “Xanh lên đã kiệt sức hè/ Nắng nồng theo lối hồn ve lìa ngàn”.
Hai câu thơ cuối bài miêu tả âm thanh tiếng lá mùa thu vườn chiều xao động. Một âm thanh rất vui tươi, sống động, khác với sự mơ hồ, lặng lẽ, buồn thương của âm thanh mùa thu trong thơ Lưu Trọng Lư trước Cách mạng tháng Tám 1945: “Vườn chiều rộn lá thu sang/ Heo may ngậm mảnh trăng vàng rong chơi”.
Quả vậy, mùa hè đã thực sự nhường bước để hồn thu ngân lên tiếng nói của mình qua lớp lớp lá thu đang xạc xào, rộn rã. Thú vị nhất là hình ảnh câu thơ cuối bài hiện lên thật đẹp và lãng mạn qua cái nhìn tinh tế và mơ mộng của nhà thơ. Gió heo may vốn không có dáng hình, diện mạo, chỉ se se lạnh khi đất trời đón bóng thu sang.
Thế nhưng, qua cảm nhận của Đỗ Trọng Khơi, heo may đang “ngậm” mảnh trăng vàng “rong chơi” giữa bầu trời mênh mang sắc vàng thấm đẫm: Trăng vàng, lá vàng, mưa vàng, nắng vàng và dường như cả trời đất cổ kim cũng ùa về trong sắc vàng rạo rực. Một bức tranh thu vàng rộng lớn, mênh mông choáng ngợp hồn người.
“Thu sang” của Đỗ Trọng Khơi là bức tranh thiên nhiên sống động, đẹp đẽ trong buổi giao mùa - từ hạ sang thu qua cảm xúc và cái nhìn tinh tế của tác giả. Với ngôn ngữ thơ biểu cảm, hình tượng thơ giàu âm thanh và màu sắc, bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước tươi đẹp, rộn ràng. Một nhà thơ “suốt đời nằm để viết” có được tình cảm trong sáng ấy quả là một nghị lực, một niềm lạc quan thật đáng ngưỡng mộ lắm thay!
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |