Khi nhắc đến đề tài nông thôn Việt Nam thì không thể không nhắc đến nhà văn Kim Lân. Hồn vía làng quê quan họ thấm đẫm trong tâm hồn Kim Lân và đi vào tác phẩm của ông theo một sắc thái riêng biệt. Và trong 27 tác phẩm ít ỏi nhưng rất chất của ông thì truyện ngắn “Làng” là một trong những truyện đặc sắc nhất, cùng với “Vợ nhặt” và “Nên vợ nên chồng” đã tạo dựng một bức tranh nông thôn Việt Nam độc đáo.
Là một cây bút xuất sắc viết về đề tài người nông dân chất phác, thật thà, có một tình yêu làng, yêu nước sâu nặng, Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng bối cảnh và diễn tả sự chuyển biến tâm lý của nhân vật ông Hai nói riêng và người nông dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung.
Truyện ngắn Làng được chấp bút trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Truyện mượn hình ảnh ông Hai – người nông dân chân chất, thật thà, có một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, sâu nặng để bày tỏ cái bản chất truyền thống yêu nước đã ăn sâu vào trong cốt cách của dân tộc Việt Nam. Những chuyển biến tâm trạng của ông lộ rõ khi ông nghe tin làng theo giặc, khi ông nghe tin được cải chính, khi ông hớn hở khoe về làng ông với mọi người ở nơi tản cư. Chuyển biến nội tâm nhân vật được lộ ra trong từng cử chỉ, từng hành động dưới ngòi bút của Kim Lân đã làm nên những giá trị nội dung, ý nghĩa nhân văn cho tác phẩm.
Được giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, ông Hai cũng như bao người nông dân Việt Nam khác trung thành với cách, tự hào về phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng nhân dân. Bởi vậy nên ông luôn để ý đến thông tin về cách mạng, về việc đánh giặc bằng cách hàng ngày đến phòng thông tin của làng để nghe đọc báo, xuýt xoa khen ngợi thông tin chiến thắng của quân ta,… dẫu rằng ông không biết chữ. Những thông tin chiến thắng dồn dập ấy khiến ông “múa cả lên”, phấn khởi và vui mừng biết bao.
Nhưng rồi đến một ngày ông nghe tin làng mình theo giặc. Sững sừng, hoài nghi, chua xót và đau đớn, ông bàng hoàng không tin vào những gì mình vừa nghe, dồn dập hỏi lại tin tức ấy có thật hay không, tin tức ấy có phải là do bọn giặc ấy tung tin vịt hay không,… Nhưng rồi lòng ông như quặn thắt lại khi nghe người ta quát tháo: “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!” Ông cúi gằm mặt xuống mà đi, xấu hổ và nhục nhã như gió đông rét buốt len lỏi trong trái tim của ông bởi những lời mắng chửi của người đàn bà kia, cả những lời bàn tán xôn xao, phẫn nộ của người trong làng này. Thậm chí, khi về nhà, ông càng tủi hổ hơn khi nhận ra con của mình cũng sinh ra ở làng ấy, cái làng Việt gian ấy, cái làng mà con cháu sau này sẽ bị phỉ nhổ, hắt hủi, nhục nhã vì mang cái nhãn Việt gian ấy. Nhưng một phần nào đó trong thâm tâm ông không tin vào những điều đó, ông sinh ra và lớn lên ở ngôi làng đó, ông tin làng mình không phải theo Việt gian rồi lại thương mình, thương những người như mình đang tản cư mà vẫn chưa rõ ràng tin tức về làng mình. Chỉ là những ngày sau đó, ông cứ ru rú ở trong nhà. Bởi cái tin nhục nhã, khốn nạn là cái tâm ma của ông, là nỗi ám ảnh day dắt trong lòng ông. Tình yêu nước, lòng trung thành với cách mạng rực cháy trong lòng ông khiến ông quyết định “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”.
Những ngày tháng dằn vặt ấy bất ngờ chấm dứt khi ông nghe được tin cải chính. Tâm lý tủi nhục, xấu hổ ấy bị trút bỏ hoàn toàn. Ông vui sướng và kiêu hãnh khi khoe với người trong xóm tản cư ấy “Tây nó đốt nhà tôi rồi các ông ạ”. Đúng vậy, tin làng theo giặc là tin lá cải, sai lầm, làng của ông chống đối bọn giặc nên làng bị giặc phá, nhà ông bị giặc đốt. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước” là ý chí, là quan niệm, là lý tưởng chung của ông Hai và của người dân làng chợ Dầu. Những người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hiền lành chất phác đó là biểu tượng của một tình yêu nước nồng nàn, biểu tượng cho lòng trung thành với cách mạng, với Đảng của tầng lớp nông dân trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Qua bút pháp thiên hướng chiều sâu tâm trạng, Kim Lân đã thành công trong việc đặt nhân vật vào trong những tình huống độc lập, miêu tả sự chuyển biến của họ qua từng hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ. Truyện ngắn Làng là một trong những truyện bộc lộ được tài năng văn học của Kim Lân và đồng thời mang theo niềm tin vào cách mạng, vào sự thắng lợi của công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.