Tình yêu quê hương là một thứ tình cảm luôn thường trực trong tâm hồn mỗi con người. Sự gắn bó với quê hương xứ sở là một giá trị văn hóa rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người trên khắp thế giới.
Quê hương không chỉ là nơi ta sinh sống, mà còn là nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm, truyền thống và giá trị văn hóa. Mỗi người đều đã phải trải qua nhiều kỷ niệm đẹp và khó quên, từ những ngày thơ ấu đến những khoảnh khắc trưởng thành và trải nghiệm cuộc sống. Ngoài ra, sự gắn bó với quê hương còn được thể hiện qua niềm tự hào và lòng yêu nước. Những người gắn bó với quê hương thường có tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt đến đất nước của mình. Họ luôn tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử và địa lý của quê hương, cùng với những thành tựu và sự phát triển của đất nước trong quá khứ và hiện tại. Không chỉ vậy, sự gắn bó với quê hương còn có tác động tích cực đến sự phát triển của các địa phương và quốc gia. Những người yêu quê hương thường có tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ biết giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước.
Ta có thể kể đến M. Gandhi – vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ. Thời của Gandhi, Ấn Độ là thuộc địa của thực dân Anh. Với tư tưởng tiến bộ, mong muốn học tập để giúp đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ thì Gandhi đã bất chấp sự phản đối của gia đình, làng xóm để du học Anh. Sự hiện đại, giàu có của phương Tây không làm mai một đi lòng yêu nước của Gandhi. Ông không ăn thịt và uống rượu để giữ trọn lời thề với tôn giáo của mình. Khi ra đường, ông vẫn mặc trang phục truyền thống của Ấn Độ. Ông cho rằng không cần bắt chước để trở nên giống người châu Âu mà nên tự hào về gốc gác của mình.
Xã hội vẫn còn một số lớp người có không biết trân trọng quê hương và có ý định phản quốc, đạp đổ công sức của ông cha ta từ xưa đến nay. Đây là một hành vi đáng bị lên án và cần có biện pháp xử lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, việc quá tôn thờ một số giá trị đã cũ, không còn phù hợp với thời đại có thể khiến một số người khó chấp nhận những giá trị văn hóa và tư tưởng mới, gây ra sự chậm trễ trong sự phát triển và tiến bộ của đất nước. Do đó, sự gắn bó với quê hương cần được kết hợp với tinh thần cởi mở, sẵn sàng học hỏi và chấp nhận những thay đổi để phát triển đất nước.
Là một công dân Việt Nam, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Dải đất hình chữ S thân yêu này đã được gây dựng bằng biết bao xương máu của thế hệ cha ông ta. Vì vậy, chúng ta cần trân trọng những hy sinh lớn lao đó và bảo vệ tổ quốc, xây dựng một Việt Nam giàu đẹp.