"Vợ nhặt" là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, được in vào năm 1962. Tác phẩm có tiền thân là "Xóm ngụ cư" nhưng ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, tác phẩm bị mất bản thảo, đến khi hòa bình lập lại năm 1954, Kim Lân dựa trên cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Vào năm 1945, cái đói đã bắt đầu tràn xuống xóm ngụ cư, trẻ con ủ rũ, người lớn dật dờ, lặng lẽ y như những bóng ma. Giữa lúc ấy nghèo đói, ảm đạm ấy, Tràng lại dắt một người đàn bà xa lạ về nhà. Trên đường về, đám trẻ con trong xóm gào lên "chông vợ hài" để trêu chọc họ. Người lớn ngạc nhiên bàn tán, những khuôn mặt u tối của họ bỗng rạng rỡ lên. Về đến gian nhà vắng teo, rúm ró, xiêu vẹo, Tràng trong tâm trạng nóng ruột chờ bà cụ Tứ, còn người đàn bà xa lạ kia ngồi mớn ở mép giường cũng trong tâm trạng buồn, lo lắng. Thị buồn có lẽ bởi chị tưởng như mình đã tìm được chốn nương tựa, nhưng hoá ra hoàn cảnh của Tràng cũng không hề khá khẩm như thị đã mong đợi. Trời chạng vạng tối, cụ Tứ về đến nhà thì rất ngạc nhiên khi có người đàn bà lạ trong nhà, rồi lại chào mình bằng u. Được Tràng giải thích, bà nín lặng, bao nỗi niềm xáo trộn trong lòng, xót xa, ai oán, buồn tủi xen lẫn cả niềm vui. Bà nín lặng vì hiểu rằng thị theo con bà về làm vợ không phải vì tình yêu, mà là do thị đã quá đói khổ. Bà xót xa bởi tủi cho phận mình, thương cho con trai. Con người ta dựng vợ gả chồng phải làm đám cưới, vậy mà bà còn chẳng lo nổi cho con mình một đám cưới đàng hoàng. Nhưng rồi bà cũng vui mừng bởi trong cái hoàn cảnh khốn cùng ấy, chuyện Tràng lấy được vợ chỉ có trong cổ tích, thế mà nay đã xảy ra. Nghĩ đến đấy, bà mở rộng trái tim đón lấy thị, nhận là con dâu. Đêm hạnh phúc của vợ chồng Tràng diễn ra trong cảnh chết chóc, tan tác và thê lương. Sáng hôm sau, Tràng dậy muộn và nhận ra quang cảnh nhà cửa có sự thay đổi thay, đống quần áo rách được đưa ra phơi, đống rác ở đầu ngõ đã được hót sạch, ang nước khô đã được kín đầy. Cảnh vật ấy làm cho Tràng thấm thía, có cảm giác phấn chấn và có trách nhiệm bổn phận với gia đình. Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới là một lùm rau chuối thái rối, muối trắng, bát cháo lõng bõng và một nồi chè khoán. Nồi chè khoán nghe thì tưởng chừng ngon lắm, nhưng thực chất cũng chỉ là nồi cháo cám. Trong bữa cơm, cụ Tứ nói toàn chuyện vui, cụ động viên con trai, con dâu cố gắng làm ăn, và khi nghe tiếng thúc thuế nổi lên, bà cụ lại khóc, còn trong Tràng bỗng hiện lên lá cờ đỏ và đoàn người trên đê đi phá kho thóc của Nhật.