Văn bản “Tuổi thơ tôi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Tác giả đã khắc họa các nhân vật trong truyện hiện lên đầy chân thực, sinh động. Qua dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”, chúng ta thấy được kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò thật ngây thơ, trong sáng. Những cậu học trò thật nghịch ngợm với những trò chơi đã rất quen thuộc như bắn bi, chọi dế… Đặc biệt là tình huống xảy ra với nhân vật Lợi. Vì ghen tị với Lợi có một chú dế lửa “bất khả chiến bại” - ai đổi gì cậu cũng không đồng ý nên tụi bạn đã bày trò trêu cậu. Nhưng sau trò nghịch ngợm đó, hậu quả dẫn đến hộp dế của Lợi bị thầy Phu tịch thu, rồi chiếc cặp của thầy giáo đã vô tình đè lên chiếc hộp. Các cậu bé lại cảm thấy vô cùng có lỗi khi nhìn thấy hình ảnh Lợi mắt đỏ hoe, nước mặt nước mũi chảy thành dòng. Một đám tang được diễn ra ngay sau đó, với sự có mặt đầy đủ của tụi bạn, đặc biệt nhất là sự xuất hiện của thầy Phu. Có thể thấy rằng, những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ trẻ con của các nhân vật trong truyện đã gợi nhắc người đọc nhớ về một tuổi thơ của bản thân. Chắc hẳn, ai cũng đều có một thời hồn nhiên, ngây thơ như cậu bé Lợi, Bảo hay nhân vật tôi. Đồng thời, nhân vật thầy Phu cùng với hành động đẹp khiến chúng ta nhận ra được bài học mà nhà văn muốn gửi gắm. Trước món đồ chơi của học trò thầy Phu vẫn tỏ ra trân trọng, và có lỗi. Lời xin lỗi của thầy Phu cho thấy tấm lòng đẹp đẽ. Nhân vật người thầy chính là tấm gương sáng ngời về nhân cách cao đẹp để học trò noi theo. Với giọng điệu dí dỏm và cách xây dựng nhân vật độc đáo, tác phẩm đã giúp người đọc dễ dàng thấy được vẻ đẹp ẩn sâu trong mỗi nhân vật và từ đó tự rút ra những bài học quý giá cho chính mình.