Thuở xưa vào đời vua Hùng thứ 17 có một chàng trai khôi ngô tháo vát nhanh nhẹn nên được nhà vua nhận làm con nuôi đặt tên là Mai Yển ( hiệu An Tiêm) và thường được vua ban cho nhiều của ngon vật lạ.
Sự tích quả dưa hấu Mai An Tiêm
Trong một buổi thiết yến An Tiêm đã thẳng thắn nói:”Của được biếu là của phải lo, của được cho là của phải nợ.”Chàng cho rằng những thứ chàng có được đều do bàn tay chàng làm ra chứ không phụ thuộc vào ai cả
Lời này truyền đến tai vua khiến vua cha rất tức giận, cho rằng An Tiêm là kẻ kiêu bạc vô ơn và ra lệnh đày vợ chồng Mai An Tiêm ra đảo hoang để xem, trông vào hai bàn tay của chàng thì chàng có sống nổi không.
Cả gia đình của Mai An Tiêm bị đày ra hòn đảo ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hoá). Tuy bị đày ra hoang đảo nhưng An Tiêm vẫn rất mạnh mẽ an ủi vợ con của mình:”Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo”
Đây là hòn đảo hoang vu và không có người nên cả gia đình An Tiêm phải tự dùng sức lao động của mình để kiếm miếng ăn. Hằng ngày chàng đi khắp hòn đảo để kiếm rau rừng, quả dại về ăn và trồng trọt xung quanh nơi ở của mình. Vợ chàng, nàng Ba ra biển mò ngao bắt ốc, đứa con lớn cùng chàng thường đặt bẫy săn bắn chim thú trên đảo, nhờ vào đức tính siêng năng cần cù mà cả gia đình tuy khốn khó nhưng vẫn có miếng ăn sống qua ngày.
Mai An Tiêm tìm ra hạt dưa hấu
Một hôm đang đi xung quanh tìm rau rừng chàng liền bắt gặp một con chim đang ăn một loại quả lạ có màu đỏ, thấy chàng lại gần chim bị hoảng sợ liền bay đi. Chàng nghĩ:”Chim ăn được thì chắc người cũng sẽ ăn được” . Sau đó chàng nếm thử thì thấy mùi vị thơm và ngon ngọt, tươi mát.An Tiềm liền cầm hạt về nhà bảo vợ và hai vợ chồng cùng nhau gieo hạt khắp nơi. Giống cây này rất dễ trồng chỉ ít lâu sau đã nảy mầm, mọc dây lá lan rộng xung quanh.
Chẳng bao lâu sau vườn dưa ngày càng sai trái, vỏ ngoài mỏng dần và thịt dưa ngày càng đỏ và ngọt hơn. An Tiêm thường khắc chữ lên dưa và thả trôi trên biển với hy vọng có thuyền buôn nào vớt được sẽ đổi được thức ăn và gạo cho gia đình.
An Tiêm thường khắc chữ lên dưa
Nhờ loại quả mới ngọt mát mà tiếng lành đồn xa, nên rất nhiều thuyền buôn ghé tới muốn mua dưa mang vào đất liền, từ đó cả gia đình An Tiêm đã có thêm thức ăn và đồ dùng, cuộc sống khấm khá hơn.
Vì chim đã mang hạt từ phương Tây đến nơi này nên chàng đặt tên loại quả này là Tây Qua, về sau người tàu ăn thấy ngon nên khen “hảo” từ đó có tên là dưa hấu.
Rất nhiều thuyền buôn ghé tới muốn mua dưa mang vào đất liền
Vào lúc này, trong đất liền vua Hùng được một thị thần dâng cho quả lạ, khi ăn rất ngọt mát nên bèn hỏi xuất xứ. Khi biết được loại quả này là của An Tiêm trồng ngoài đảo thì lúc này vua biết mình đã sai nên cho người đón vợ chồng An Tiêm trở lại đất liền. Khi trở lại vợ chồng An Tiêm mang theo rất nhiều hạt giống về phân phát cho bà con và truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón. Từ đó trên khắp nước ta đều có dưa hấu và trở thành một loại quả quen thuộc đối với người dân. Ngày nay người ta vẫn thường bảo nhau rằng chỉ có huyện Nga Sơn là trồng dưa hấu ngon hơn cả là vì sau nghìn năm bồi cát, hòn đảo Mai An Tiêm năm ấy đã liền vào với đất.