Hữu Thỉnh sinh năm 1942, ông là người con của huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một trong những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ nên những vần thơ của ông mang dòng cảm xúc bâng khuâng, vương vấn trước đất trời và ấm áp tình người. Bài thơ "Sang thu" được Hữu Thỉnh viết năm 1977, hai năm sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu được tác giả cảm nhận bằng những hình ảnh thiên nhiên rất đỗi gần gũi, bình dị trong khổ thơ đầu tiên.Đang nồng nhiệt với mùa hạ thì Hữu Thỉnh bất chợt nhận ra tín hiệu của mùa thu bởi hương ổi chín thoảng bay trong gió. Đây là mùi hương quen thuộc của bất kì làng quê nào vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hương ổi tỏa ra thành từng luồng rồi "phả" vào trong không gian thoáng đãng, yên bình để gợi thương, gợi nhớ cho những ai có cơ hội ghé thăm chốn vườn tược. Hương ổi còn gợi nhắc những kí ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng bên những đứa bạn tinh nghịch, đáng yêu. Có ai từng gắn bó với làng quê mà lại không nhớ mùi hương đặc trưng ấy? Cùng với hương ổi, làn gió heo may se lạnh cũng là một tín hiệu giúp nhà thơ cảm nhận được khoảnh khắc giao mùa. Không chỉ có vậy, nhà thơ còn thấy được màn sương "chùng chình" bay qua ngõ xóm. Biện pháp tu từ nhân hóa đã khiến đám mây trở nên có hồn. Liệu có phải màn sương còn luyến lưu bịn rịn điều gì nên còn muốn dùng dằng, kéo dài thời gian vì chưa muốn chia tay mùa hạ? Có chút gì đó đột ngột nhưng cũng đầy bâng khuâng, hồ nghi. Nhà thơ cất lên lời phỏng đoán rất ý nhị "Hình như thu đã về". Câu thơ giống như lời tâm sự thủ thỉ về phút chuyển giao tinh tế của thiên nhiên. Khổ thơ khép lại nhưng hương ổi chín, gió se và cả màn sương chùng chình vẫn vẹn nguyên trong cảm nhận của độc giả. Hữu Thỉnh quả là biết cách gợi thương gợi nhớ cho những tâm hồn yêu thơ khi miêu tả lát cắt giao mùa từ hạ sang thu nhịp nhàng, êm ái, đầy tình tứ.