Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Viễn Phương tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được nhà thơ sáng tác năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra thắng lợi, đất nước thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành. Bài thơ thể hiện lòng kính yêu và cả sự xót đau vô hạn của Viễn Phương và cả của nhân dân miền Nam đối với Bác kính yêu.
Khổ một là cảm xúc của nhà thơ khi nhìn thấy hình ảnh hàng tre:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Câu thơ là một lời thông báo nhưng lại gợi ra nỗi xúc động của người con phương xa. Cách xưng hô “con-Bác” vừa thiêng liêng, thành kính vừa gần gũi, thân mật. Nỗi đau chia cắt nén lại trong chữ “thăm”, con từ miền Nam ra thăm nơi cha ở, thăm chỗ cha nằm. Lời thơ là tiếng nói trái tim chân thành, tha thiết như nén hương thơm, được Viễn Phương thành kính dâng lên người cha kính yêu.
Từ miền Nam, sau bao năm mong mỏi, bây giờ mới được ra viếng Bác, hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và ấn tượng đậm nét là hàng tre bát ngát, xanh xanh đứng thẳng hàng trong sương sớm:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”
Cây tre là biểu tượng của dân tộc với sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, kiên cường. Thán từ “Ôi” không chỉ thể hiện niềm xúc động, nghẹn ngào mà còn thể hiện sự ngạc nhiên đến bất ngờ của tác giả khi được gặp lại ở lăng Bác một hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê, của đất nước Việt Nam. Quanh lăng Bác, hàng tre vẫn đứng thẳng hàng canh giấc ngủ cho Người, cả dân tộc vẫn đoàn kết và quần tụ quanh người cha già kính yêu ngay cả khi Người đã nằm xuống.
Sang đến khổ thơ thứ 2, Viễn Phương đã bày tỏ cảm xúc về Bác, về những dòng người vào viếng Bác. Hai câu thơ đầu rực sáng với hai hình ảnh “Mặt trời”:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Vầng “mặt trời trong lăng rất đỏ” chính là Bác. Bác là vầng mặt trời của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người mang đến độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp ấy đã thể hiện công lao vĩ đại, không gì có thể sánh được của Bác với đất nước, con người Việt Nam. Sự xúc động và lòng biết ơn vô hạn đã giúp nhà thơ có sự sáng tạo độc đáo khi nhận ra dù đã nằm trong lăng, Bác vẫn là vầng mặt trời rất đỏ, một màu đỏ nồng nàn, rực rỡ tỏa ra từ trái tim, từ nhiệt huyết của Bác khiến mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ phải khâm phục, ngưỡng mộ.
Song hành với hình ảnh mặt đi qua trên lăng là hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ. Dòng người vào trong lăng được đặt trong một không gian đặc biệt, không gian thương nhớ. Cấu trúc “Ngày ngày đi…” lặp lại nhấn mạnh sự song hành của mặt trời và dòng người như khẳng định một quy luật: mặt trời đi qua trên lăng còn dòng người đi trong thương nhớ. Nỗi nhớ thương người cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam là vô tận. Dòng người được miêu tả bằng hình ảnh ẩn dụ rất đẹp, độc đáo “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Từ một hình ảnh thực, dòng người với vòng hoa đủ loại màu sắc, quần áo trông xa như một tràng hoa, tác giả đã đưa ra một hình ảnh tượng trưng đặc sắc. Mỗi con người là một bông hoa, cả dòng người kết thành một tràng hoa dâng lên Bác những gì đẹp nhất của mình. Hình ảnh ẩn dụ “Bảy mươi chín mùa xuân”, Viễn Phương khẳng định cuộc đời Bác như một mùa xuân vĩnh hằng.
Khổ thơ thứ ba là cảm xúc của nhà thơ khi vào trong lăng:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Hai câu thơ cân đối, trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng và yên tĩnh trong lăng. Không gian và thời gian ngưng đọng trước một hình ảnh có tính vĩnh hằng. Bác đang ngủ trong một giấc ngủ bình yên và thanh thản. Gam màu của mạch thơ như chói lọi và rực rỡ của khổ thơ trên đã chuyển thành một gam màu trong sáng, tuyệt đẹp, dịu nhẹ: vầng trăng sáng dịu hiền nâng niu giấc ngủ bình yên ấy. Hình ảnh “vầng trăng” là một liên tưởng độc đáo, bất ngờ của nhà thơ gợi về tâm hồn thi sĩ cao đẹp và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Niềm xúc động thành kính và nỗi đau xót khôn nguôi của tác giả được thể hiện sâu sắc ở hai câu thơ:
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Dù vẫn tin trời xanh là bất diệt nhưng vẫn đau đớn về sự ra đi của Bác. Lí trí vẫn khẳng định: “Bác sống như trời đất của ta” (Tố Hữu) mà vẫn nghe thấy đau nhói ở trong tim. Câu thơ cuối cùng trực tiếp thể hiện nỗi đau xót khôn nguôi của người trước một mất mát không gì có thể bù đắp được.
Khổ thơ cuối cùng là nguyện ước của tác giả, nguyện ước được ở mãi mãi bên Bác. “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”, câu thơ có cách diễn đạt chân thành, mộc mạc của người Nam Bộ. “Mai về” có nghĩa là chưa về vậy mà đã thấy thương, thấy nhớ, thấy lưu luyến chẳng muốn xa rời. Càng không muốn chia xa thì nguyện ước được ở bên Bác càng mãnh liệt:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...”
Tác giả gửi gắm lòng mình nhập vào cảnh vật ở lăng Bác. Ước mong giản dị, nhỏ bé nhưng đó là nguyện ước được sống, được cống hiến mình cho Bác, cho dân tộc. Điệp ngữ “muốn làm” cùng với nhịp điệu dồn dập ở câu thơ cuối đã khẳng định nỗi niềm tha thiết và nguyện ước chân thành, mãnh liệt, cháy bỏng của nhà thơ. Hình ảnh cây tre ở cuối bài tạo nên kết cấu đầu cuối tương xứng. Ước muốn được làm cây tre trung hiếu bên lăng Bác là ước muốn cao đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong những ước nguyện được hóa thân của nhà thơ. Cây tre trung hiếu là cây tre trung với Đảng, hiếu với dân. Tình cảm thủy chung, ân nghĩa làm âm hưởng câu thơ thêm tha thiết, lắng đọng mãi mãi trong dư âm của bài thơ.
“Viếng lăng Bác” là bài thơ đẹp và hay của nhà thơ. Bài thơ thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ trong một lần được vào thăm lăng Bác. Đó cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam, của dân tộc Việt Nam dành cho người cha già kính yêu. Với những nét đặc sắc riêng về nghệ thuật và nội dung, bài thơ đã để lại một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |