Để có thể vững bước trên con đường đời, hành trang thiết yếu nhất mà mỗi người chúng ta đều phải có đó là tri thức. Bởi cuộc sống là những điều kỳ diệu mà con người không bao giờ có thể biết hết được. Chỉ có những tri thức mới giúp chúng ta vượt qua được tất cả những điều trong cuộc sống mà bước tới thành công của chính mình. Chẳng thế mà một nhà khoa học người Anh đã phát biểu rằng: “Tri thức là sức mạnh”.
Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tri thức. Tri thức, theo nghĩa hẹp, là kiến thức tích lũy được về các lĩnh vực khác nhau của mỗi người nhờ học tập, rèn luyện và suy nghĩ. Theo nghĩa rộng, tri thức có thể hiểu là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người,… của nhân loại nói chung. Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới của tri thức thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Sức mạnh của tri thức còn có thể được hiểu là khả năng sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nhờ biết tích lũy tri thức mà con người có thể hiểu được bản chất của thế giới khách quan, vận dụng tri thức từng bước làm chủ tự nhiên và cuộc sống của mình.
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức. Nhờ có tri thức mà con người có thể tách mình ra khỏi thế giới loài vật hoang dã trở thành loài người văn minh thông qua hệ thống chữ viết, văn hóa trong xã hội loài người. Nhờ có tri thức mà cuộc sống của con người không ngừng phát triển theo từng thời kỳ. Năm 1860 ý tưởng đầu tiên về chiếc điện thoại được Johann Philipp Reis nghĩ ra Vài năm sau đó, cuộc gọi đầu tiên được thực hiện giữa nhà phát minh Alexander Graham Bell và người trợ lý của ông ngồi cách đó 4,5 m vào ngày 10/3/1876 với mẩu hội thoại ngắn ngủi: "Watson, anh đến đây nhé, tôi có việc cần!" là sự kiện lịch sử đánh dấu chính thức sự ra đời của chiếc điện thoại liên lạc .Năm 1879 lần đầu tiên Thomas Edison phát minh ra chiếc bóng đèn sợi đốt làm thay đổi diện mạo nhân loại, khi mà con người không phải sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn ánh sáng tự nhiên của mặt trời nữa. Nhờ có đèn điện, năng suất lao động của thời bấy giờ cũng tăng lên đáng kể nhờ làm thêm ca đêm. Năm 1897 J.J. Thompson chính là người đã phát hiện và chứng minh được sự tồn tại của electron mặc dù ông chưa thể nhìn thấy hay tách được chúng ra. Electron là hạt hạ nguyên tử đầu tiên được phát hiện và được xác nhận là loại hạt đầu tiên cấu tạo nên vật chất nhỏ hơn cả nguyên tử. Khám phá này đã cung cấp cho chúng ta bằng chứng về một đơn vị mang điện cơ bản và miêu tả về nó. Những thí nghiệm và phát hiện của J.J. Thompson đã mở ra một lĩnh vực khoa học mới – Vật lý hạt.
Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo lộn các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Trải qua thời gian, bằng tri thức con người đã xây dựng một xã hội loài người văn minh, tiến bộ tột bậc. Dường như, tham vọng khuất phục hoàn toàn hoàn cảnh sống là tham vọng bất tận của con người.
Chính vì thế mà con người không bao giờ ngừng học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo ra những tri thức mới. Mỗi người trong xã hội luôn phải tự trau dồi kiến thức của bản thân thông qua hoạt động học tập. Học tập phải diễn ra đều đặn, lâu dài và xuyên suốt cuộc đời người. Học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thứ cần thiết. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn. Học tập kỹ lưỡng và thực hành tỉ mỉ là bí quyết thành công của các nhà khoa học. Mỗi lượng tri thức đều phải được kiểm chứng qua trải nghiệm thực tế mới có thể được khẳng định.
Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Không có tri thức thì không có thành công. Chính vì thế chính là sức mạnh giúp con người hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện xã hội. Đây là một khẳng định đúng đắn và cũng là chân lý vĩnh hằng được con người khẳng định qua thời gian.