Đảng Cộng sản ra đời - bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chúng lập ra chế độ thống trị tàn bạo, thi hành các chính sách cai trị chuyên chế, biến giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực. Chúng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố hết sức dã man, tàn bạo, chia rẽ dân tộc, tôn giáo... mọi phong trào yêu nước bị đàn áp dã man.
Chúng vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động nhân dân Việt Nam “tới tận xương tủy”, thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta, thực hiện chính sách ngu dân… khiến đời sống của dân ta bị bần cùng hóa, nền kinh tế bị què quặt, gây nên những hậu quả nghiêm trọng kéo dài nhiều năm.
Trong tình hình ấy đã xuất hiện nhiều ngọn cờ khởi nghĩa chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và nhà nước phong kiến vốn cũng làm tay sai cho thực dân Pháp. Liên tiếp từ năm 1858 đến trước năm 1930, hàng trăm phong trào yêu nước nổi lên, trong đó phải kể đến phong trào Cần Vương, phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân… nhiều nhân sĩ yêu nước đã xuất hiện, trong đó phải kể tới Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... Thế nhưng tất cả các phong trào đấu tranh ấy đều bị thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo.
Trong tình hình ấy, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trong nhiều năm trời bôn ba, Người phải lao động cực khổ, nhưng luôn giữ vững ý chí tìm đường giải phóng dân tộc, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân Việt Nam.
Người tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, sau này trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 đảng Xã hội Pháp (12/1920). Ảnh tư liệu.
Người tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tích cực vận động phong trào cách mạng thuộc địa, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam qua các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân. Người viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) làm chấn động dư luận quốc tế, đồng thời tác phẩm cũng là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ, khích lệ tinh thần đấu tranh giải phóng áp bức của các dân tộc thuộc địa.
Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường kách mệnh (1927)... một mặt tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, mặt khác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Chủ nghĩa Mác-Lênin và các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận như “người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Nó lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, làm dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi khắp cả nước, trong đó giai cấp công nhân trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhiều tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có tổ chức đảng chính trị lãnh đạo. Trong giai đoạn này đã có 3 tổ chức thành lập gồm: Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập tại Bắc Kỳ ngày 17/6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (thành lập ở Nam Kỳ, Mùa thu năm 1929); Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (thành lập ở Trung Kỳ, ngày 1/1/1930).
Tuy vậy, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Từ ngày 6/1 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng... đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo được hội nghị thông qua đã xác định: Cách mạng việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.