Mở bài: Trong những bài văn, bài thơ hay những tác phẩm mà ta đọc được thì mỗi tác phẩm lại mang một màu sắc riêng, lúc thì đọc xong lại thấy vui tươi hẳn lên hay có những tác phẩm giúp ta sảng khoái sau những giờ làm việc căng thẳng. Quả nhiên, nghệ thuật chứa đựng trong những câu chữ tuy nhìn bình thường nhưng mang một sức mạnh khó tả có thể tác động đến cảm xúc chúng ta mà chúng ta thậm chí ta còn không hề hay biết. Như giáo sư Lê Ngọc Trà từng cho rằng: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”. Bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương là một minh chứng tiêu biểu cho chức năng ấy của nghệ thuật.
Thân bài: Nghệ thuật là sự sáng tạo các sản phẩm chứa đựng giá trị tư tưởng và thẩm mỹ mang tính chất văn hóa có tác động đến cảm xúc, tư tưởng, tình cảm. Nó hiện diện xung quanh chúng ta,gần như mọi lời nói,hành dộng hay cử chỉ của con người đều mang tính nghệ thuật. Nghệ thuật được chiêm nghiệm qua các giác quan,từ đó sinh ra cảm xúc, một thứ tuyệt vời nhất mà mỗi ai cảm nhận nó cũng thấy vui buồn thậm chí đau khổ. Nghệ thuật là sự sáng tạo mang tính chất tư tưởng,thẩm mĩ, đôi khi nó mang những giá trị sâu sắc làm đẹp cho tâm hồn con người. Nghệ thuật quả là kì diệu, nó chứa đựng vô vàng cảm xúc, nếu cuộc sống của chúng ta là một câu chuyện nhạt nhẽo thì những tư tưởng và tình cảm mà chúng ta có được sẽ giúp câu chuyện đó trở nên tràn đầy màu sắc và tươi thắm hơn,ngọt ngào hơn. Nhờ những tình cảm và thông điệp mà nhà thơ truyền tải đã giúp cho ta có thêm cái nhìn khách quan về cuộc sống, về mọi người mà chúng ta yêu thương hay gặp mặt hàng ngày. Tiếng nói của tình cảm là tình cảm của người nghệ sĩ thể hiện qua các câu chữ, đoạn văn, bài thơ trong những tác phẩm của mình.Từ đó sẽ nói lên những suy tư của người viết đến người đọc,nó có thể là tiếng khóc lầm than, là khúc khải hoàn hay những tình cảm dung dị đời thường, tiếng lòng của nỗi yêu ghét hờn giận… Có thể nói, tình cảm có vai trò cực kì quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật luôn luôn là tiếng nói của tình cảm. Đúng vậy. Nó được cảm nhận một cách sâu sắc qua những bài văn, bài thơ. Nó bày tỏ những khát vọng, cảm xúc sâu lắng của nhà thơ. Đó là nơi mà những câu chữ sẽ nói lên những điều mà người viết muốn giãi bày, những tình cảm chân thành mà nhà thơ cảm nhận được sẽ gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống chúng ta vốn dĩ rất phong phú,phức tạp và những thứ trong đó tuy bừa bộn nhưng nó chứa đựng những bản sắc riêng và độc nhất mà ít ai biết được. Nhờ vậy, việc lấy những chất liệu mang tính chất đời thực,nghệ thuật mang thiên chức truyền đạt những cảm xúc, những tâm tư tình cảm giúp con người trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Tiếng nói của nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn, nó không chỉ mang chức năng thẩm mỹ mà còn đảm nhận trong trọng trách giáo dục-nhận thức của con người.Nhờ nó,con người ta trở nên tình cảm, yêu bản thân,cuộc đời và trên hết là cách đối xử giữa con người với nhau. Nó phản ánh tâm tư,tình cảm ước mơ,khát vọng và những suy nghĩ, nhận thức, tư tưởng của nhà văn về con người và cuộc sống. Hồ Xuân Hương có chùm thơ “Tự tình” bao gồm ba bài, là tiếng nói của thân phận, là những khát khao, đau buồn của kiếp người. Trong đó, bài thơ “Tự tình II” đã thể hiện rõ tâm trạng, thái độ của nữ sĩ: vừa buồn đau, vừa phẫn uất trước nghịch cảnh éo le cùng khát vọng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương thường có giọng thơ khinh bạc, mỉa mai. Bên cạnh giọng thơ khinh bạc ấy, ta lại bắt gặp một trong những bài thơ tả cảnh ngụ tình khác sâu sắc và ý tứ chân thành nhằm giãi bày tâm sự của mình. Hai câu đề diễn tả tình cảnh cô đơn của người phụ nữ trong đêm khuya thanh vắng: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non. Đó là nỗi dằn vặt và sắp bộc lộ, giãi bày một tâm sự. Bài thơ mở ra không gian đêm về khuya, tiếng trống canh từ xa văng vẳng và dồn dập đổ về. Trong thời điểm ấy, nhân vật trữ tình lại trơ trọi đáng thương và “cái hồng nhan” đã cụ thể hoá một cá thể đang cô đơn, thao thức và dằn vặt. Hồng nhan nhằm để nói “phái đẹp” nhưng lại được trước nó là trạng từ “trơ”, khiến cho câu thơ đậm đặc cái ý chán chường. Rồi lại “cái hồng nhan” thì quả là khinh bạc. Lấy “hồng nhan” mà đem đối với “nước non” thì quả thật là thách thức nhưng cũng thật sự là mỉa mai, chua chát. Phép tiểu đối thật đắt và thật táo bạo nhưng phù hợp với tâm trạng đang chán chường, trong hoàn cảnh đang cô đơn, trơ trọi. Nỗi cô đơn ngập đầy tâm hồn đến mức phải so sánh nó ngang bằng với các hình tượng của thiên nhiên tạo vật. Đến hai câu thực ta nghe thoảng men rượu từ cơn say trước đó nhưng đã thoảng bay đi: Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn, Hương rượu chỉ sự thề hẹn (gương thề, chén thề) nhưng hương đã bay đi dù tình còn vương vấn. Cá thể đã tỉnh rượu nên càng nhận ra nỗi trống vắng, bạc bẽo của tình đời. Trăng gợi lên mối nhân duyên, nhưng trăng thì “khuyết chưa tròn”, ngụ ý tình duyên chưa trọn, không như mong ước, khi mà tuổi xanh đã lần lượt trôi đi. Hai câu luận là nỗi bực dọc, phản kháng, ấm ức duyên tình: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám. Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn. Hình ảnh hết đám rêu này đến đám rêu khác “xiên ngang mặt đất” như trêu ngươi nhà thơ. Rêu phong là bằng chứng về sự vô tình của thời gian, nó là hiện thân của sự tàn phá chứ không phải chở che cho tuổi đời. Thế rồi nhà thơ bực dọc vì tuổi xuân qua mau, đời người ngắn ngủi, nhỏ bé, nên: “Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”. “Mấy hòn đá” không những đứng sừng sững ở chân mây mà còn “đâm toạc” thể hiện thái độ ngang ngạnh, phản kháng, ấm ức của nhà thơ về duyên tình lận đận… Lời than thở cùng chính là chủ đề của bài thơ. Năm tháng cứ trôi qua, xuân đi rồi xuân lại mà duyên tình vần chưa được vuông tròn. Xuân thì đi rồi trở lại với thiên nhiên đất trời, nhưng lại vô tình, phũ phàng với con người. Kẻ chung tình không đến, người chung tình thì cứ chờ đợi mỏi mòn mà thời gian thì cứ trôi đi, tuổi xuân tàn phai. Mảnh tình quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là “san sẻ tí con con”. Câu thơ cực tả tâm trạng chua chát, buồn tủi của chủ thê trữ tình. Có đa tình mới tiếc xuân, trách phận và mới có giọng tự tình. Giọng thơ đầy đù cả sắc thái tình cảm: tủi hổ, phiền muộn, bực dọc, phản kháng rồi kết bằng chua chát, chán chường vì tình duyên chưa trọn. Hồ Xuân Hương đã góp vào kho tàng thơ Nôm Việt Nam một tiếng thơ táo bạo mà chân thành, mới lạ mà vẫn gần gũi với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công ngày ấy. Đó là một xã hội đã làm cho biết bao nhiêu thân phận “hồng nhan” bị lỡ làng và khổ đau. Kết bài: Tiếng nói của cảm xúc có mối quan hệ chặt chẽ với tư tưởng, tình cảm của tác phẩm. Tiếng nói đó phải được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo, đặc sắc. “Tự tình”của Hồ Xuân Hương là sự giãi bày, gửi gắm tâm tư của một tâm hồn bi kịch, éo le: khát khao sống nhưng không được sống, khát khao yêu thương nhưng lại bị yêu thương ngoảnh mặt quay lưng. Nỗi niềm bi kịch đó được thể hiện mãnh liệt thành các hình ảnh, ngôn ngữ thơ đậm chất Xuân Hương. Tuy vậy, đó vẫn là tiếng nói “bi thương nhưng không bi kịch”, thể một bản lĩnh, một khí phách, một nhận thức sâu sắc về giá trị bản thân. Do vậy những cảm xúc trong bài thơ “Tự tình” mang giá trị tư tưởng sâu sắc: nó là tiếng nói đòi quyền sống, đòi quyền được hưởng hạnh phúc chính đáng của người phụ nữ, nó công nhiên bày ra những quyền lợi nhân bản bị xã hội cấm đoán. Do đó, tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn vừa sâu sắc vừa mới mẻ. Hồ Xuân Hương đã dùng giọt nước mắt của đời riêng để khóc cho thân phận chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Do đó bài thơ có sức đồng cảm và lan tỏa sâu sắc