Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
“Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…”
Cuộc sống với những nỗi lo toan, chật vật, lắm lúc buồn chán hay mệt mỏi, sẽ có lúc cần người thông cảm và sẻ chia biết nhường nào. "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", thời gian có thể vô tình trôi lãng nhưng tình người thì vẫn luôn còn mãi trong trái tim mỗi người. Chính tình thương, sự đồng cảm, đùm bọc, sẻ chia cho nhau những lúc khó khăn hoạn nạn sẽ giúp con người vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống, vươn lên trước chông gai, góp phần làm vơi đi những mất mát hay tổn thương nơi họ. Đặc biệt, giữa cuộc sống xô bồ và hối hả như hiện nay, việc dành cho nhau những tình thương chân thành, trao cho nhau những ánh mắt yêu thương, những hành động vỗ về ấm áp lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Đồng cảm là việc đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận và thấu hiểu những niềm vui, nỗi buồn và tâm tư của họ. Chia sẻ chính là sự cho đi, khi người cho đồng cảm với những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của người gặp hoạn nạn, họ san sẻ mong góp phần giúp đỡ nạn nhân vượt qua những thách thức, vơi bớt phần nào bế tắc nơi họ. Những người biết đồng cảm và chia sẻ là những người có tấm lòng nhân hậu và chân thành nhất, biết yêu thương và nghĩ suy cho người khác.
Mỗi người ai cũng có một trái tim yêu thương và muốn được yêu thương, bởi vậy mà sự đồng cảm sẻ chia cũng được thể hiện muôn hình vạn trạng. Bước vào văn học, ta không khỏi xúc động với bát cháo hành chứa chan tình người của Thị Nở đã cứu rỗi, đánh thức bản tính lương thiện trong con người Chí Phèo. Đó còn là hình ảnh anh cu Tràng giữa cái đói, trước cảnh khốn cùng của sự sống vẫn sẵn sàng dang rộng vòng tay cưu mang thị, niềm hạnh phúc dường như nhỏ bé mong manh đến tội nghiệp. Đó là tình yêu thương vô bờ bến giữa hai người không chung máu mủ dành cho nhau khi cụ Bơmen sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình để vẽ chiếc lá cuối cùng, cứu cô bé Giônxi tội nghiệp khi đang chìm đắm trong những suy nghĩ tuyệt vọng của cuộc đời. Đó còn là tiếng nói thương cảm, đồng cảm, xót xa cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh, thân phận chìm nổi, bấp bênh trong cuộc đời của người phụ nữ xưa qua tác phẩm “Truyện” Kiều của Nguyễn Du. Mỗi trang văn đều thắm đượm tình người, rất đỗi đẹp đẽ bởi màu sắc của tình yêu thương. Trong cuộc sống, ta cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh sẻ chia, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, hiển hiện đâu đó mỗi ngày. Đó là khi người dân miền Trung đang phải gồng mình chống chọi hậu quả của lũ lụt gây ra thì người dân cả nước vẫn một lòng hướng về miền Trung thân yêu.
Nhiều quỹ từ thiện được lập ra, cộng đồng trong và ngoài nước cùng nhau ủng hộ, quyên góp chung tay giúp đỡ. Là những học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được các tổ chức, các mạnh thường quân, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh miền xuôi quyên góp giúp đỡ. Dù chỉ là gói mì tôm, cái chăn ấm hay vài bộ áo quần được gói gém gọn gàng cẩn thận nhưng sao ấm áp đến vậy. Đó còn là những quỹ hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, cho trẻ em sinh ra không may mắn khi mang hình hài không trọn vẹn đã giúp các em nguôi ngoai phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn để vươn tới tương lai, xây đắp những ước mơ tốt đẹp. Đó còn là hình ảnh những người nghệ sĩ với tấm lòng cao đẹp, biểu diễn để ủng hộ những đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, ủng hộ những nghệ sĩ gặp bệnh hiểm nghèo.
Nhiều mạnh thường quân sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ gia đình nghèo, những nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn từ bão lũ xây dựng lại căn nhà, có chỗ trú mưa mùa bão lũ. Hay đơn giản hơn, là những giọt nước mắt hạnh phúc, là niềm hân hoan, vỡ òa của người hâm mộ khi đội tuyển nước nhà dành chiến thắng, là khi cả nước cùng chung một nhịp đập hướng về các cầu thủ thân yêu. Là giọt lệ xót xa khi bất chợt gặp cô gái tật nguyền ngồi xe lăn bán vé số, chị lao công móc vội tờ hai mươi nghìn đồng trong túi mua giùm em. Là khi cậu bé lên tám sẵn sàng đập con lợn đất dành dụm cả năm trời để giúp đỡ bạn ở miền Nam không có tiền mua sách vở đến trường khi nghe ba mẹ kể lại.
Là cái nắm tay thật chặt, là lời an ủi kịp thời, là cái ôm thắm thiết động viên, là bờ vai tin cậy dành cho nhau khi bạn bè gặp những bế tắc trong cuộc sống. Là khi ta lặng người khi gặp hình ảnh người ngoại quốc sẵn sàng cởi chiếc áo khoác của mình dành tặng cụ già ăn xin đang co ro trong cơn rét của một chiều mưa lạnh ở Hội An. Và còn nhiều, nhiều những hành động cao đẹp khác nữa, có những người cho đi thầm lặng, không cần báo đáp cũng chẳng cần vinh danh. Đơn giản với họ chỉ là sự cho đi, san sẻ những may mắn mình có được cho những người khốn khó hơn mình. Ấy là thiên lương trong sáng, là những giá trị cao đẹp sẽ còn tồn tại mãi với thời gian, như là một nếp sống đẹp mãi cần được nâng niu, trân quý và giữ gìn.
Em còn nhớ đọc được ở đâu đó rằng: "Nơi lạnh lẽo nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình thương". Thật vậy, xã hội sẽ đi về đâu nếu không có sự sẻ chia, khi mà trái tim con người không rung động trước cái đẹp, không thổn thức trước những trớ trêu của cuộc đời, khi xã hội thiếu vắng sự yêu thương dành cho nhau. Chính tình thương mới cứu rỗi thế giới. Vậy mà, đâu đây vẫn còn những kẻ vô cảm, hời hợt thậm chí cười cợt, mỉa mai trước những niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, mất mát của người khác. Chính điều này sẽ bào mòn xã hội, bào mòn giá trị sống và nhân cách con người. Vì đồng tiền mà nhiều người vụ lợi, thu lợi nhuận trên mồ hôi và công sức lao động của người khác, thậm chí buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn mà không quan tâm đến cảm xúc, nỗi lo lắng, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng.
Gặp người bị nạn thì thờ ơ, lạnh lùng đứng xem, hôi của, chăm chăm chụp hình đăng Facebook sống ảo. Ngàn việc tốt làm không một lời khen ngợi, phạm một lỗi lầm thì chì chiết, trách móc, thậm chí đăng bài lên mạng xã hội gây áp lực tinh thần cho người bị hại. Thấy cụ già mang vác nặng, thấy ba mẹ vất vả cũng thờ ơ, chăm chăm vào màn hình iPad, Smartphone. Nhà văn Nam Cao đã từng viết: "Chao ôi! Đối với những người sống xung quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi..., toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất". Vì vậy, mỗi người nên biết đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu nhau và thông cảm cho nhau.
Tình yêu thương, đồng cảm, sẻ chia luôn là bài ca ngọt ngào của cuộc sống, là những mầm non cho cây đời mãi xanh tươi. Cho đi và nhận lại luôn là hai kết quả trên một hành trình, mà ở đó kẻ cho và người nhận đều cảm thấy được sẽ chia, an lòng và hạnh phúc. Giữa con người với con người, hãy trân trọng và dành cho nhau cái tâm của tình người. Cần trân quý những ai đã giúp đỡ ta trong cuộc đời. Trong suốt hành trình của cuộc đời học sinh, em đã học được nhiều điều và cho đi cũng không ít. Song, sau tất thảy, tình thương rất đỗi ngọt ngào của thầy cô, gia đình và cả những người xa lạ đã giúp em trưởng thành hơn. Luôn tự hứa và mang theo suốt hành trình của cuộc đời mình chữ "tâm" cao quý, đặc biệt là khi còn sức trẻ, dành hết thanh xuân để tham gia hoạt động cộng đồng, đem yêu thương nhờ hương gió gửi đến những vùng cao nghèo đói, những nơi cần giúp đỡ.
"Thiện căn tại bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới ba ba chữ tài"
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |