Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao nhiêu nhà văn viết về cuộc sống chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, Lê Minh Khuê cũng là một cây viết tiêu biểu về chủ đề này. Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" đã khắc họa đời sống chiến đấu đầy khắc nghiệt và gian khổ của những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, nhân vật Phương Định nói riêng và những cô gái thanh niên xung phong trong truyện chính là hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ là con đường huyết mạch, nối giữa hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, tác giả đã lấy bối cảnh ở đây để nói về cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến. Nhân vật Phương Định cùng Nho và Thao là những cô gái thanh niên xung phong, sống trong năm tháng chiến tranh đã khổ nay nơi ở để chiến đấu cũng thiếu thốn và khó khăn. Sống trong hang chân cao điểm, con đường bị bom đánh lở loét, cây bên đường không còn lá chỉ còn thân cây bị tước khô cháy, nơi ở chẳng có gì hiện diện là cuộc sống. Hơn thế, nơi đây còn là trọng điểm ném bom của địch, từng trận bom rơi liên tiếp trút xuống ác liệt và dữ dội. Sống và làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy nhưng các cô gái vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không những hoàn thành tốt công việc mà chính trong hoàn cảnh gian khổ ấy đã làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của những người thanh niên xung phong trên chiến trường.
Các cô gái đại diện cho thế hệ trẻ, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, khi ấy họ mang trong mình biết bao ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ. Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, ước mơ và hoài bão lớn nhất của họ chính là được sống và tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập và thống nhất đất nước, mang về bình yên và hòa bình cho nhân dân. Sống và chiến đấu với mục đích cao cả như vậy nên dù còn trẻ, các cô gái thanh niên rất kiên cường và dũng cảm xông pha chiến trường, chạy trên cao điểm lúc bom nổ như đang đùa giỡn với tử thần. Công việc phá bom của họ nguy hiểm tới mức có thể mất mạng bất cứ lúc nào nhưng họ đã không còn quan trọng, họ kể về công việc của mình hết sức nhẹ nhàng và thản nhiên. Không hề tồn tại sự sợ hãi trước tiếng bom nổ, chỉ cần bom rơi xuống là lao ra phá bom, đảm bảo tuyến đường sạch bom mìn để xe đi qua.
Các cô gái dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ nguyên vẻ đáng yêu, lạc quan của tuổi trẻ, sống cận kề cái chết nhưng họ vẫn luôn vui vẻ, mơ mộng. Thế hệ trẻ trong tác phẩm còn là những con người có tình đồng chí đồng đội máu thịt, tinh thần đoàn kết cao. Các cô gái coi nhau như chị em trong nhà, thương yêu và chăm sóc cho nhau, cùng nhau sống và chiến đấu hết mình. Chiến trường có thể lấy mạng của bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào nên họ luôn tự nhắc nhở nhau phải dũng cảm, mạnh mẽ đương đầu, không được hao mòn ý chí đấu tranh.
Ba cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung là một bức tượng đài ngời sáng về tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay đã được sống trong hòa bình, độc lập phải biết ơn những người đã bỏ cả thanh xuân, cuộc đời của mình bảo vệ đất nước, phải học tập và noi gương những phẩm chất cao đẹp của họ
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |