Khi còn bé ai cũng đều mong ước phải lớn thật nhanh để tự do làm những điều mình thích. Nhưng khi lớn lên, những đứa bé lúc ấy lại thấy hụt hẫng vì ngày ngày phải hối hả vật lộn với cuộc đời, khiến họ không thể sống như những gì mình từng mơ ước. Khi ấy, họ muốn được trở về ngày xưa, trở về những ngày tháng
“Bút mực truyện tranh những gói bỏng ngô trong ngăn bàn. Hay những chiều rong chơi say mê những món đồ hàng”. Quyển sách
“Hoàng tử bé” của nhà văn, phi công người Pháp Antoine De Saint - Exupéry sẽ giúp bạn một lần nữa, sống lại với những giấc mơ hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ mà bạn tưởng như đã mất đi mãi mãi.
“Trẻ em thích Hoàng Tử Bé vì cuốn sách ngắn, câu chữ đơn giản, lại có nhiều hình vẽ minh họa đẹp mê ly. Người lớn thích Hoàng Tử Bé vì cuốn sách khiến họ nhận ra nhiều bài học vốn đơn giản nhưng hay bị lãng quên”. Thật vậy, đây là quyển sách phù hợp với mọi lứa tuổi. Quyển sách được xuất bản lần đầu vào năm 1943, đến nay đã xuất bản hơn 200 triệu bản với 250 ngôn ngữ khác nhau (bao gồm cả tiếng địa phương). Không những thế quyển sách còn được dùng như tài liệu học ngoại ngữ cho người mới bắt đầu.
Khi cầm quyển sách trên tay, bạn đọc sẽ ấn tượng với hình ảnh cậu bé tóc vàng - nhân vật chính của quyển sách, cậu đứng trên một hành tinh tí hon và đưa mắt ngắm nhìn những ngôi sao, mặt trăng, mặt trời và trái đất. Bìa sách được lấy cảm hứng từ những bức tranh do chính tác giả vẽ cho quyển sách của mình.
Với 27 câu chuyện ngắn, gói gọn trong 101 trang sách, quyển sách sẽ đưa bạn đọc bước vào chuyến phiêu lưu kỳ thú cùng với chàng hoàng tử bé đến từ hành tinh B612 xa xôi, một nơi nhỏ đến mức chỉ cần dịch ghế là đã có thể ngắm được cảnh mặt trời lặn. Trong hành trình đến trái đất, hoàng tử bé đã gặp được người phi công - máy bay của ông bất ngờ gặp sự cố và lao đầu xuống sa mạc Sahara hoang vu. Cuộc hội ngộ giữa hoàng tử bé với người phi công thật tình cờ, đầy bất ngờ và chứa đựng vô vàn bài học đầy ý nghĩa và nhân văn.
“Tôi biết một hành tinh có một ông nọ mặt đỏ nhừ. Ông ta không bao giờ ngửi một bông hoa. Ông ta không bao giờ ngắm nhìn một ngôi sao. [...] Ông ta không bao giờ làm tính cộng. Và suốt ngày ông ta cứ nói mãi giống như ông: “Tôi bận lắm, toàn những chuyện nghiêm túc!”. Nhưng đấy đâu phải là một con người” (tr.32)
Chỉ với một cuộc đối thoại của hoàng tử bé với người phi công bạn đọc có thể thấy được cách người lớn nhìn nhận cuộc sống và mọi thứ khác hoàn toàn với trẻ con. Trẻ con nhìn cuộc sống với đôi mắt ngây thơ, trong sáng, còn người lớn nhìn mọi thứ một cách đầy tính toán và thực dụng hơn.
Hoàng tử bé đã đi qua 6 tiểu hành tinh, và hành tinh thứ 7 là Trái đất, những người lớn mà Hoàng tử gặp ở mỗi nơi có vô vàn thứ để quan tâm, những thứ mà đối với cậu có vẻ thật kì lạ, khó hiểu, họ đắm chìm trong danh lợi, quyền lực và quên đi ý nghĩa của cuộc sống. Hành tinh thứ nhất, cậu gặp một vị vua oai phong mặc bộ đồ lông chồn màu đỏ tía, ông trị vì đất nước với nguyên tắc “Thế giới rất đỗi đơn giản. Mọi người ai cũng là thần dân”. Ở hành tinh thứ hai, hoàng tử bé gặp ông hợm hĩnh, ông thích mọi người thần tượng và tôn sùng mình. Ông rất phấn khích khi thấy hoàng tử bé và nghĩ cậu đến đây để gặp ông. Đến hành tinh thứ ba, cậu gặp ông nát rượu, ông ta uống rượu suốt ngày đêm để quên đi nỗi xấu hổ vì uống rượu của mình. Còn hành tinh thứ tư, cậu gặp một nhà buôn, ông nhà buôn chỉ chăm chú vào việc điếm các ngôi sao, những viên kim cương và đi tìm những hòn đảo rộng lớn. Ông ta bận đến nỗi khi hoàng tử bé đến ông thậm chí còn chẳng buồn ngẩng đầu lên. Hành tinh thứ năm là hành tinh bé nhất trong số các hành tinh còn lại. Ở đây, có người thắp đèn, ông chăm chỉ làm theo mệnh lệnh là “Thắp đèn lên, chào buổi sáng. Tắt đèn đi, chào buổi tối”. Hoàng tử bé vô cùng tiếc nuối khi phải tạm biệt người thắp đèn để đi đến hành tinh thứ sáu. Đến hành tinh thứ sáu, hoàng tử bé gặp nhà địa lý người đã dùng toàn bộ thời gian của mình để vẽ bản đồ, tuy nhiên ông không biết hành tinh của ông có bao nhiêu ngọn núi, sông ngòi, biển cả, sa mạc và đại dương. Ông chỉ việc đón tiếp các nhà thám hiểm, hỏi han bọn họ rồi ghi chép lại theo lời họ kể. Hành tinh cuối cùng Hoàng tử bé đến là trái đất. Ở đây, không những cậu gặp được người phi công mà cậu còn được làm quen với một chú cáo, nhờ chú cáo cậu hiểu thêm về triết lý tình yêu và tình bạn.
“Nếu cậu muốn có một người bạn, thì hãy thuần hóa tớ, phải hết sức nhẫn nại. Đầu tiên cậu phải ngồi cách xa tớ một chút, như thế, trên bãi cỏ ấy. Nhưng mỗi ngày cậu có thể ngồi xích lại một chút” (tr.75)
Mỗi nơi Hoàng tử bé đặt chân đến, cậu đều gặp gỡ một người lớn khác nhau và ở mỗi hành tinh đều có những câu chuyện và bài học thú vị. Ẩn sâu trong từng con chữ là sự hoài niệm, tiếc nuối của chính tác giả Saint Exupéry cho tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên đã mất không bao giờ quay trở lại. Chuyến du hành của hoàng tử bé phải chăng chính là cuộc hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ. Trên con đường trưởng thành, chúng phải khám phá, tìm tòi để hiểu được thế giới kỳ lạ xung quanh mình, và sẽ có lúc trải qua những cảm giác lạc lõng, bơ vơ, thất vọng trước những rắc rối của cuộc đời.
“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi”(Victor Huygo) - Với “Hoàng Tử bé” của Saint Exupéry, ông là nhà văn thành công vì quyển sách “Hoàng tử bé” đã trải qua mọi thời đại nhưng vẫn giữ nguyên giá trị. Đây là một quyển sách mà chúng ta phải đọc ít nhất một lần trong đời.