Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tình bạn là tình cảm luôn được trân trọng và tôn vinh trong tình cảm con người. Thế nhưng thực tế có rất nhiều người đi ngược lại với tình cảm ấy. Nhiều học sinh khi còn ngồi trong ghế nhà trường đã xảy ra những xích mích, những sự xung đột với bạn bè của mình, làm mất đi tình bạn. Nhiều trường hợp những xung đột ấy không được chính những học sinh kiểm soát tốt và gây ra một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội: bạo lực học đường.
Đã có cuộc điều tra khảo sát về mức độ bạo lực học đường trong các trường học trên phạm vi cả nước. Kết quả là, hiện tượng nam nữ sinh đánh nhau chiếm tới 96,7% trong đó có 44,7% xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là số lượng nữ sinh có hành vi bạo lực học đường hơn nhiều số lượng nam sinh. Điều đó làm dấy lên quan ngại về tình trạng rối loạn môi trường giáo dục khi mà bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến và lan rộng.
Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo, chúng ta quá tôn trọng học sinh, thậm chí nhiều trường, nhiều nơi không cho đuổi học học sinh, dù học sinh đó có vi phạm kỉ luật đến mức độ nào đi nữa. Điều đó khiến cho học sinh chẳng còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị đuổi học.
Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình. Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết con cái mình học hành như thế nào? Quan hệ với bạn bè tốt xấu ra sao, quan hệ với thầy cô ở trường như thế nào? Chúng có những suy nghĩ lệch lạc như thế nào về cuộc sống, về xã hội. Cha mẹ không quan tâm, chăm sóc, theo dõi con cái thì làm sao hiểu được tâm tư tình cảm của con cái, làm sao kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những suy nghĩ, những hành động lệch lạc sai trái của con cái để hướng chúng đi trên con đường tốt đẹp được.
Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn đến lối sống của tuổi trẻ hiện nay đó là sự ăn chơi đua đòi theo lối sống phương Tây không phù hợp. Bên cạnh đó còn có nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc ngoài xã hội cũng đã phá hủy tâm hồn tuổi trẻ, làm băng hoại tâm hồn tuổi trẻ, khiến nhiều thanh thiếu niên phạm tội và dẫn đến nạn bạo lực học đường.
Những cảnh bạo lực học đường, trong đó có những cảnh nữ sinh áo dài trắng, quần trắng lao vào nhau, cấu xé nhau, xé rách quần áo của nhau; những cảnh học sinh lớp này và học sinh lớp kia trong một trường đâm chém nhau như những cảnh trong phim xã hội đen… được tung lên mạng đã làm đau nhói trái tim của những con người đang trăn trở về tương lai của xã hội, của đất nước.
Bạo lực học đường gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Những nam nữ sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ có nguy cơ cao dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để những hành vi bạo lực học đường thì hậu quả sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật ở ngoài phạm vi trường học mà ra toàn xã hội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Những hậu quả ấy có thể là những căn bệnh nguy hiểm về tâm lí, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người gây ra bạo lực, nạn nhân và những người có liên quan. Sự nghiệp học tập, cuộc sống của họ cũng bị đảo lộn, đi theo chiều hướng tiêu cực. Có thể nói bạo lực học đường phá hủy cuộc đời của bao thanh thiếu niên khi mà đáng nhẽ tương lai tươi sáng đang chờ đón ở phía trước. Đối với xã hội, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tệ nạn xã hội nghiêm trọng, gây hỗn loạn xã hội và mất đoàn kết trong tập thể.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường hiện nay đầu tiên là công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh nhằm tác động đến ý thức của học sinh về lối sống lành mạnh, truyền thống dân tộc, nhân cách và đạo đức tốt đẹp, ý thức chấp hành luật pháp. Sau đó, ta cần phải áp dụng các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đặc biệt là những người có liên quan trực tiếp đến vấn nạn bạo lực học đường.
Ví dụ như xử lý học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi bạo lực học đường nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh nhận ra và sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật cần được xử lý công khai nhưng ở mức độ vừa phải để phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường.
Ngoài ra ta còn có thể đưa các học sinh ấy đi trải nghiệm những khóa tu ở chùa để học được cách sống tốt, hoặc các khóa học tâm lý và kĩ năng. Mỗi bạn học sinh cần nhận thức đúng đắn về hậu quả cũng như tác hại của bạo lực học đường bởi bạo lực học đường xảy ra hay không là ở chính bản thân các em.
Nói không với bạo lực học đường là mục tiêu hàng đầu của cả nước ta. Giới trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy tránh sự sa sút và tệ nạn trong giới trẻ là điều rất quan trọng. Tránh bạo lực học đường trong môi trường giáo dục là một biện pháp hiệu quả cần ưu tiên hàng đầu. Mỗi bạn học sinh cần ý thức được trách nhiệm và thái độ của mình trong học tập, cần rèn luyện về cả mặt thể chất lẫn đạo đức để tránh những sự cố đáng tiếc và để tương lai của các em tươi sáng hơn.
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con trẻ cũng được nhiều phụ huynh quan tâm hơn trước. Tất cả trẻ em đến độ tuổi đi học đều được đến trường. Vì vậy mà trường học được coi là môi trường giáo dục tốt nhất, là nơi các em có thể tiếp thu tri thức và có những mối quan hệ bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, hiện nay trong môi trường đó lại tồn tại một vấn nạn vô cùng nhức nhối – đó là tình trạng “bạo lực học đường” chủ yếu diễn ra ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Vậy thực trạng và nguyên nhân của bạo lực học đường là do đâu?
Trước hết, ta cần hiểu “Bạo lực học đường” là những hành vi thô bạo, xúc phạm đến danh dự của người khác gây tổn hại cả về tình thần và xác. Những hành vi đó thường diễn ra ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi.
Theo thống kê thì mỗi năm nước ta có đến hàng trăm vụ bạo lực học đường và mức độ nghiêm trọng thì ngày càng đáng báo động. Các em học sinh không chỉ dừng lại ở hành vi đánh đập, xúc phạm nhân phẩm của người bị hại mà các em còn quay lại clip up lên các trang mạng xã hội gây nên nhiều nhức nhối. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến sự việc đau lòng khi một nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp bạo hành dã man ngay tại lớp học. Rồi còn biết bao vụ bạo hành học đường khác mà chúng ta không biết đến khiến các em học sinh ngày càng sợ hãi mỗi khi đến trường. Hành vi bạo lực học đường có những dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng đáng lo ngại nhất là thái độ thờ ơ, vô cảm từ phía nhà trường, ngành giáo dục trong cách xử lý vấn đề về bạo lực học đường.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Như chúng ta đã biết, lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi – lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý và hình thành tính cách. Đây là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, bởi chúng sẽ trở nên rất nhạy cảm và bắt đầu xuất hiện cảm giác “trở thành người lớn”. Cũng chính vì điều đó mà việc thích thể hiện cái tôi đã dần hình thành trong lứa tuổi này. Khi xã hội ngày càng phát triển, bố mẹ càng trở nên bận rộn hơn với công việc, Một nguyên nhân có tác động lớn nhất đến hành vi bạo lực học đường ở các em đến từ phía gia đình. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống mưu sinh khiến các bậc phụ huynh không còn thời gian dành cho con trẻ của mình nữa. Họ đi làm từ sáng sớm đến tận tối khuya và mặc cho con cái với những chiếc Smartphone, iPad… Điều này khiến những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm và sự giáo dục từ chính bố mẹ chúng. Và một điều hết sức quan trọng là sự ảnh hưởng của các trang mạng xã hội, vì các em trong độ tuổi mới lớn sẽ rất tò mò với những điều thú vị mà mạng xã hội lại đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên có những em hiếu động và do không được giáo dục, uốn nắn từ nhỏ nên các em có những hành vi ngang bướng và sẵn sàng xúc phạm người khác khi các em thích. Một góc khuất nữa đến từ sự quản lý của nhà trường, có những thầy cô thờ ơ, thậm chí vô cảm trước những hành vi ngang ngược của học sinh. Rồi đến khi sự việc đi quá xa và để lại những tổn hại nghiêm trọng đến những học sinh bị bạo lực học đường thì lúc đó họ mới nhận trách nhiệm về mình. Nhưng khi đó là quá muộn cho những vết thương không thể lành trên những cơ thể yếu ớt của các nạn nhân…
Hậu quả của bạo lực học đường đã quá rõ ràng. Các nạn nhân là các em học sinh sẽ phải mang trên mình những vết thương về thể xác nhưng vết thương ấy sẽ lành. Còn những khủng hoảng trầm trọng về tinh thần và nỗi ám ảnh sẽ theo các em cả cuộc đời và ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em. Như chúng ta cũng đã thấy hậu quả để lại sau vụ bạo hành của nhóm học sinh lớp 9 ở Hưng Yên. Các em chỉ mới là học sinh trung học, rồi tương lai của những em bị bạo hành và cả những em có hành vi đó sẽ đi về đâu.
Cuối cùng, ai mới phải là người chịu trách nhiệm và phải ngăn chặn chuyện này? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự quan tâm mỗi khi vấn đề này được nhắc tới, được đem ra bàn luận, và có lẽ nó sẽ không bao giờ hết“nóng hổi” trong cuộc sống ngày nay. Vậy liệu rằng có biện pháp nào có thể ngăn chặn được việc này? Trước hết là từ phía gia đình, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho can cái hơn để tâm sự cùng con và chia sẻ cho các con những tình cảm yêu thương nhất. Hạn chế cho các con tiếp xúc với các trang mạng xã hội quá sớm và có thái độ thật nghiêm khắc để các con không được có hành vi xúc phạm người khác. Tiếp đó là trách nhiệm từ phía nhà trường, có thể nói thời gian các con ở trường nhiều hơn là ở nhà với bố mẹ, vì vậy các thầy cô ngoài việc giảng dạy thì cần thiết phải chú ý đến các hành vi của các em học sinh hơn nữa. Nếu không phát hiện sớm hoặc thờ ơ thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn. Thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa tuyên truyền cho các bạn học sinh về bạo lực học đường và những nguy hại của nó đến cuộc sống của những nạn nhân bị bạo lực học đường.
Chúng ta đều biết rõ những nguy hại của bạo lực học đường. Vậy thì ngay từ giây phút này hãy chung tay để bảo vệ chính cuộc sống của con em mình. Có như vậy mới có thể giảm lùi những tác hại do bạo lực học đường gây ra.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |