Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Viễn Phương là một trong những cây bút sớm nhất của lực lượng giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Viễn Phương bình dị, nồng nàn đậm chất Nam Bộ. Đến sau trong mảng đề tài thơ về Bác do điều kiện, hoàn cảnh: là người con miền Nam, cầm súng ra tiền tuyến… nhà thơ Viễn Phương đã để lại bài thơ “Viếng lăng Bác” độc đáo với những xúc cảm sâu sắc tô màu bởi tình đẹp, bởi lời hay. Đặc biệt, hai câu thơ cuối thể hiện sâu sắc và cảm động tinh thần kính trọng lãnh tụ và ý chí hiến dâng cuộc đời mình cho cảnh đẹp của đất nước:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.
Từ lâu, cũng như những người lính và đồng bào ở miền Nam xa xôi, Viễn Phương luôn mong mỏi được về thăm lăng Bác, về với vị cha già vĩ đại của mình. Nhưng chiến tranh còn dài, địch còn ngoan cố nên mãi sau ngày đất nước giải phóng, ông mới có cơ hội thực hiện ước nguyện đó.
Viếng lăng Bác được Viễn Phương sáng tác năm 1976, sau khi đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối. Bài thơ ra đời đúng dịp khánh thành lăng Bác, khi tác giả ra thăm viếng lăng Người, tác phẩm đã bộc lộ nỗi niềm nhớ thương khôn nguôi của một người con miền Nam dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hai khổ thơ 3 và 4 đã thể hiện được nỗi thương nhớ khôn nguôi và ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Viễn Phương. Bước vào lăng Người là một khung thật êm dịu, thanh bình biết bao:
"Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
Tác giả sử dụng tính từ "bình yên", "dịu hiền" kết hợp khéo léo với hình ảnh giấc ngủ, vầng trăng gợi ra một không gian thật êm dịu, trữ tình. Hình ảnh Bác hiện lên thật đẹp đẽ, bình yên trong giấc ngủ vĩnh hằng "Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên". Suốt bảy mươi chín năm cuộc đời, Người đã dành trọn cho non sông, đất nước. Cả cuộc đời Người chịu bao vất vả, gian lao, bây giờ đất nước đã thống nhất, thanh bình, Người đã có thể yên bình trong giấc ngủ sâu. Ánh sáng dịu êm trong lăng gợi cho tác giả liên tưởng đến "vầng trăng dịu hiền"- thứ ánh sáng nhẹ nhàng mà thanh khiết. Hình ảnh "Vầng trăng" còn ẩn dụ cho trái tim ấm áp, bao la, đẹp đẽ của Người- vị cha già dân tộc. Vầng trăng dịu hiền còn mở ra những ấn tượng đẹp đẽ của độc giả về những trang thơ đầy ánh trăng của Người.
"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!"
Dẫu năm dài, tháng rộng thì trời xanh kia vẫn là mãi mãi, trường tồn theo thời gian. Bác cũng như trời xanh vậy, luôn sống mãi trong trái tim của hàng triệu con người Việt Nam. Thời gian không thể làm phai nhòa màu xanh của mây trời cũng như vị tháng năm không thể nào làm lãng quên hình bóng Người trong tim mỗi người con Việt Nam. Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh" được Viễn Phương sử dụng thật tinh tế, vừa có sức gợi lại giàu tính biểu tượng, tạo nên sức hấp dẫn cho tứ thơ.
"Mà sao nghe nhói ở trong tim!"
Câu thơ tựa như tiếng thổn thức của một người con khi đón nhận tin dữ: Người đã mãi mãi ra đi. Động từ "nhói" cất lên giữa những tiếng vần bằng tạo sức nặng cho câu thơ. Còn gì đau xót hơn khi phải chấp nhận sự thật rằng Bác đã ra đi mãi mãi. Dù dùng lý trí để trấn an lòng rằng Bác vẫn còn nhưng trái tim vẫn không ngăn được dòng lệ nhớ thương vô hạn. Khổ thơ thoạt tiên mang đến cảm giác nhẹ nhàng với những hình ảnh bình yên của trăng, của bầu trời nhưng sâu thẳm là những cảm xúc thương nhớ, xót xa của nhân vật trữ tình. Từng lời, từng chữ thốt ra đều chan chứa những tình cảm dạt dào khôn tả.
Hành trình nào cũng có lúc kết thúc. Đến giây phút phải rời lăng, tạm biệt Bác để về miền Nam, tác giả không giấu được nỗi luyến tiếc. Những dòng thơ cuối cất lên đầy xúc động như một lời từ biệt:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"
Ngày mai đây phải trở về với miền Nam thương yêu, rời xa Bác "Chân bước đi mà lòng còn bịn rịn nhớ thương". Nỗi đau đớn khi mất Bác, nỗi tiếc thương phải rời xa người cứ thế mà dâng trào, không ngăn được dòng lệ "thương trào nước mắt". Trong tiếng "thương" ấy là niềm tin yêu, sự biết ơn, kính trọng và nỗi đau tận cùng khi mất Bác. Trái tim tác giả nói riêng, trái tim người Việt Nam nói chung lúc này đây đều chung niềm tiếc thương người, tình thương của triệu triệu con dân Việt Nam dành cho Bác là vô cùng lớn lao, không thể nào đong đếm.
"Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Điệp ngữ "muốn làm" được đặt ở đầu câu nhấn mạnh nỗi khát khao của tác giả muốn được ở bên Bác. Qua đó, gửi gắm niềm mong ước của những người dân miền Nam được gần bên Người để trò chuyện, bày tỏ tấm lòng mình với Người. Những mong ước chân thành xuất phát từ sự tự nguyện, dẫu chỉ là một con chim nhỏ cả hát quanh lăng, dẫu chỉ là một bông hoa tỏa hương thoảng quanh lăng, hay chỉ làm cây tre tỏa bóng cũng nguyện lòng. Chỉ mong được bên Bác sớm hôm, canh giấc ngủ cho Người. Lời thơ chân thành, tha thiết, tình cảm mộc mạc mà ấm áp vô bờ, những gì chất chứa bấy lâu như được tác gửi trọn vào từng ước nguyện. Thật đáng trân quý biết bao!
Phép liệt kê, ẩn dụ “con chim, đóa hoa, cây tre” cùng với điệp ngữ “muốn làm” thể hiện niềm khát khao, mong mỏi được hóa thân thành một phần thiêng liêng, mãi ở lại bên Bác của nhà thơ. Hình ảnh cây tre được lặp lại tạo kết cấu đầu cuối tương ứng. “Cây tre trung hiếu” hay cũng chính là tấm lòng chung thủy, sắt son của nhà thơ đối với dân tộc, là lời hứa với Bác, nguyện đem sức lực và tính mệnh để gìn giữ nền hòa bình của dân tộc như lúc sinh thời Bác đã dặn dò. Chủ thể “con” ở đầu bài thơ đến đây không xuất hiện thể hiện nữa. Điều đó khẳng định ước nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác. Liên hệ: Trước sự ra đi của Bác, nhà thơ Tố Hữu cũng đã nghẹn ngào viết nên những dòng thơ thấm đẫm nước mắt:
“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!”
(Bác ơi!)
Lý tưởng của Người như mặt trời tỏa sáng trên bầu trời cao, tấm lòng của người dành cho nhân dân như vầng trăng hiền dịu lung linh trong đêm tối của dân tộc, trái tim ấm áp tình yêu thương của Người dành trọn cho dân tộc, cả cuộc đời chưa từng mong cầu cho bản thân. Sự ra đi của bác bởi thế, là sự mất mát lớn lao, không gì bù đắp nổi của cả dân tộc. Lời thơ của Tố Hữu vang vọng như là tiếng khóc tiễn biệt, mang ý nghĩa như một bài điếu văn rất cảm động, vừa ca ngợi lòng yêu nước thương dân bao la của Bác Hồ, vừa biểu lộ lòng tiếc thương, ghi nhớ công ơn to lớn của lãnh tụ.
Hai khổ thơ cuối bài khép lại tác phẩm bằng những âm điệu của lòng biết ơn và sự ấm áp, thiêng liêng của tâm nguyện cao đẹp. Những hình ảnh giản dị mà giàu tính biểu tượng cùng cách thể hiện cảm xúc chân thực đã làm nên dấu ấn cho hai khổ thơ nói riêng và toàn bài thơ nói chung. Gấp trang sách lại mà những tình cảm dạt dào của Viễn Phương vẫn còn vang vọng đâu đây, ngước lên nhìn ảnh Bác cùng lời dạy của Người, em càng tự hào biết bao vì đất nước có Bác, Tổ quốc mình có Bác.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |