Tôi luôn nói vui với bạn bè, đồng nghiệp và cả những khách hàng dân thành phố “xịn” của tôi rằng, điều từ hào của dân tỉnh chính là mỗi dịp tết đến có một nơi để về, để cảm nhận sự ấm áp và biến nó thành động lực cho chuỗi ngày dài phía sau. Đơn giản nhưng hạnh phúc.
Có lần, năm 2 đại học, thấy bạn bè đã về quê đông đảo, bố mẹ tôi mỗi ngày cận Tết gọi hẳn gần chục cuộc, chẳng nói gì chỉ nói linh tinh: đứa này về, đứa kia nhìn khác lắm, con ăn gì chưa? thi bao giờ xong?… Không câu nào trong hàng giờ nói chuyện đó có một câu “về nhà đi con”, thế mà buông điện thoại xuống mắt tôi rơi lệ, cái cảm giác cứ như bầu trời sụp đổ vì nhớ nhà, mấy phút sau tôi gọi lại bố “con bỏ thi về nha luôn đây, con muốn về lắm…”
…
Thế nhưng, thời gian nghiệt ngã và sức mạnh của công nghệ, mạng xã hội là quá lớn, tôi nhìn từ mình đã thấy được những buổi tụ họp với gia đình dịp Tết đã không còn trọn vẹn như vài năm trước, tôi, anh và cả bạn bè của bố mẹ đôi khi cũng “cắm đầu” vào chiếc smartphone trong các buổi tiệc tùng. Cái cảm xúc phát ra từ những câu chuyện, ánh mắt đã không còn, hay đúng hơn là nó cứ hờ hững và chai sạm dần đi một cách khó hiểu.
Những ngày Tết, ở một cách nhìn nhận nào đấy nó thật sự vui và trọn vẹn hơn bởi những giây phút được quầy quần bên gia đình, cùng chung tay chuẩn bị nhà cửa, là những khoảnh khắc được ngồi cạnh nồi bánh chưng, được cuốn chả giò, được cắm cành đào, cành mai. Chỉ vậy thôi, đấy mới là Tết, chứ những cái Mùng 1, Mùng 2, Mùng 3… hãy cứ xem nó như là lý do để có những ngày chuẩn bị thật vui, ấm áp và cũng đọng lại nhiều kỷ niệm nhất.
Chúng ta, cả những người lớn và người trẻ, đều có thể dễ dàng bộc bạch tình cảm với người ngoài, với những hờn ghen, yêu ghét xã hội nhưng chẳng mấy ai đủ bản lĩnh để trao cho nhau những quan tâm, những câu nói ngọt lịm của tình mẫu tử. Tôi cảm nhận được điều đó, và chắc người xưa đã cảm nhận được lâu lắm rồi nên mới có cái ngày Tết đầy ý nghĩa cho đến bây giờ. Tết là cái lý do, cái cớ để chúng ta dám trao đi những yêu thương thật sự.
Nhẹ nhàng thôi, nhưng phim ngắn “Giao thừa của mẹ” đã cho ta thấy được sự vất vả của mẹ mỗi dịp Tết đến xuân về và cả sự vô tâm của tôi, của bạn, của rất nhiều bạn trẻ khác. Và chúng ta cũng hiểu được rằng những giây phút bên cạnh gia đình, bố mình cùng mẹ chuẩn bị Tết mới chính là những điều thiêng liêng, đáng trân quý hơn cả. Tết này, hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cùng giúp mẹ đón Tết và cảm nhận hạnh phúc lan toả của sự sum vầy.
Đừng cho rằng, những gì mẹ đang cố gắng vun đắp cho bạn là sự mặc nhiên của số phận và nó chỉ là quy luật xã hội, ngoài kia vẫn còn nhiều lắm những số phận bất hạnh và thiếu thốn tình thân. Nếu còn có thể, và còn cảm nhận được những gì ấm áp từ ngôi nhà của bạn, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh mẹ, chia sẻ những vất vả lo toan với mẹ. Nhanh thôi, rồi bạn sẽ nhận được điều ngược lại. Có lẽ phải đến lúc đó chúng ta mới có thể mỉm cười và nhận ra mình đã từng làm đúng.