Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

II. LÀM VĂN “Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …..” mẹ thường hay kể. Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn ...

II. LÀM VĂN

“Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …..”

mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng.

Đất Nước có từ ngày đó ..”.

(Trích Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, trang 118, NXB Giáo dục, 2010 )

Cảm nhận của Anh(chị) về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ.

1 trả lời
Hỏi chi tiết
1
0
0
Nguyễn Thị Nhài
11/09 08:52:12

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

      Cảm nhận về 9 câu thơ đầu tiên trong đoạn trích “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm . Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn  hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: * Giới thiệu tác giả (0,25 điểm), tác phẩm và  đoạn trích (0,25 điểm)

*Về nội dung: Toàn bộ đoạn thơ nhằm trả lời cho câu hỏi  Đất Nước có từ bao giờ?

– Câu đầu tiên:

+ Hai chữ Đất Nước được viết hoa, thể hiện sự trân trọng, yêu kính đối với đất nước.

+ Đại từ nhân xưng ta xác định sự hiện diện của nhân vật trữ tình, khiến lời thơ như lời thủ thỉ, chiêm nghiệm, suy tư.

+ Trạng ngữ phiếm định khi ta lớn lên, chỉ thời điểm bắt đầu và lớn lên của đất nước, trả lời cho câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ?.

+ Câu trả lời không xác định bằng một mốc thời gian cụ thể nào nhưng lại khẳng định chắc chắn một điều: Đất Nước đã có từ trước khi có sự hiện diện của ta, từ rất lâu, từ xa xưa…Như vậy, tác giả khẳng định đất nước tồn tại vĩnh hằng như một chân lí hiển nhiên.

-Sau lời khẳng định sự tồn tại của Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lý giải nguồn gốc của Đất Nước một cách mới mẻ nhưng cũng đầy thuyết phục:

+ Đất nước hiện lên qua câu chuyện kể của bà, của mẹ

++ Cụm từ “ Ngày xửa ngày xưa” Thường được dùng mở đầu cho các câu chuyện cổ tích, gợi ý niệm: Đất Nước đã có từ rất lâu, trước cả sự ra đời của truyện cổ tích nên Đất Nước mới xuất hiện trong “cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”.

++Đưa ta về với những câu chuyện cổ dân gian như Thạch Sanh, Thánh Gióng, Con Rồng cháu Tiên, Tấm Cám… Đó là những câu chuyện đã chăm bẵm, nuôi dưỡng tâm hồn ta từ thuở còn nằm nôi, để ta biết yêu quê hương, yêu đất nước.

+Đất Nước còn được hiện lên ở nét sống giản dị nhưng đậm đà của người mẹ, người bà Việt Nam. Đó là tục ăn trầu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”

++ Hình ảnh “miếng trầu” gợi cho ta nhớ “Sự tích trầu cau ”, một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn nhân bản sâu sắc.

++ Hình ảnh “miếng trầu” còn gợi mối quan hệ tình nghĩa, truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Trong tục cúng lễ, miếng trầu quả cau là biểu tượng cho tấm lòng thành của con cháu gửi đến những bậc tiền bối đã khuất. Nó còn là biểu tượng cho tình yêu, hôn nhân và gia đình, là mối quan hệ vợ chồng thủy chung son sắt.

+ Đất nước hiện lên qua truyền thống đánh giặc giữ nước: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng, nhổ tre làng đánh giặc-một vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Hình ảnh cây tre hiện lên trên mỗi làng quê. Nó như sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, đôn hậu thủy chung, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất trong đấu tranh.

-Từ truyền thống đánh giặc chống ngoại xâm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục khai thác thêm nhiều yếu tố mang vẻ đẹp thuần phong mĩ tục của người dân nước Việt.

+ Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam với phong tục “búi tóc sau đầu ” (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu);

+ Đó là đạo lý ân tình ân nghĩa ngàn đời: “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối, mặn”. Thành ngữ “gừng cay muối mặn ” được nhà thơ vận dụng một cách tài tình: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau càng lâu thì càng tình nghĩa. Tình cảm chân thành ấy là nguồn gốc của mọi tình yêu thương như suối nguồn chảy qua muôn thế hệ.

+ Câu thơ: “Cái kèo cái cột thành tên ” gợi nhắc một nét văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống làm nhà “kèo-cột”, cột đẩy nhà lên cao, kèo giữ cột lại với nhau tạo nên sự bền vững. Cũng từ gian nhà ấy, thói quen đặt tên con bằng những vật dụng quen thuộc cũng ra đời. Vì vậy mà “cái kèo cái cột” cũng thành tên.

+ Dân tộc ta với nền văn minh “lúa nước” cùng truyền thống cần cù lao động, chịu thương chịu khó “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Ở đây, nhà thơ sử dụng thành ngữ “một nắng hai sương” gợi lên truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân ta. Để có được hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua quá trình gieo, cấy, xay, giã, giần, sàng rất vất vả.

+ Thấm vào trong hạt gạo nhỏ bé ấy là vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của người dân “chân lấm tay bùn”. Câu thơ đã khéo léo nhắc nhở chúng ta đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn ”, ăn hạt cơm dẻo thơm hôm nay phải biết nhớ đến công lao người làm ra nó.

-Câu thơ cuối, khẳng định sự ra đời của Đất Nước một cách đầy tự hào:Đất Nước có từ ngày đó…

+ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định với một niềm tự hào “Đất Nước có từ ngày đó… ”. “Ngày đó ” là ngày nào ta cũng không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có nền văn hóa, mà có văn hóa tức là có Đất Nước.

+ Dấu ba chấm (…) nối dài những truyền thống văn hóa văn hiến, phong tục tập quán, thể hiện sự bất tận, sự trường tồn vĩnh hằng từ xa xưa của Đất Nước.

 => Đất Nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm không phải là một Đất Nước trìu tượng, kì vĩ lớn lao mà rất đỗi bình dị, thân thuộc, gần gũi trong đời sống của mỗi con người. Đất Nước được hiện lên trong chiều rộng của không gian, của chiều dài thời gian lịch sử và chiều sâu trầm tích của văn hóa, phong tục. Qua đó ta thấy được sự cảm nhận của tác giả về Đất Nước vừa thiêng liêng vừa sâu sắc, vừa lớn lao gần gũi thân thiết với mọi người.. từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của cá nhân đối với tổ quốc.

*Về nghệ thuật:

- Sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo chất liệu của văn hóa và văn học dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục tập quán, sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như ca dao, truyện cổ tích…

- Với ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân dã, giàu sức gợi. Cùng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ…

- Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt.

- Sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện giữa chất chính luận và trữ tình, giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của một người trí thức yêu nước.

* Bình luận về việc sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ.

 - Chất liệu dân gian được sử dụng rất đậm đặc, đa dạng các thể loại ( từ phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, đến các thể loại của văn học dân gian như: ca dao, dân ca, tục ngữ, các truyện cổ tích…). Hơn thế, chất liệu dân gian được sử dụng rất sáng tạo (chỉ gợi ra bằng một vài chỗ hay một hình ảnh, một chi tiết…. nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa, thậm chí rất sâu sắc, mới mẻ)

- Điều này đã tạo nên một không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Chất liệu văn hóa, văn học dân gian góp phần tạo nên phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm, khẳng định tài năng và những đóng góp quan trọng của ông đối với nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 12 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo