Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Chọn và hoàn thành một trong hai nhiệm vụ sau: - Sưu tầm tư liệu và viết một đoạn văn giới thiệu với thầy cô và bạn học về một tấm gương tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa phương em. - Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về một di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chọn và hoàn thành một trong hai nhiệm vụ sau:

- Sưu tầm tư liệu và viết một đoạn văn giới thiệu với thầy cô và bạn học về một tấm gương tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa phương em.

- Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về một di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
56
0
0

(*) Lựa chọn nhiệm vụ 2

(*) Tham khảo: Giới thiệu di tích Địa đạo Củ Chi

ĐỊA ĐẠO CỦ CHI - MỘT KỲ TÍCH ANH HÙNG

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm …

Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.

Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…

LÀNG NGẦM TRONG LÒNG ĐẤT CỦ CHI

Xuất xứ của địa đạo

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Các chiến sĩ cách mạng ẩn náo dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được nhân dân che chở, bảo vệ. Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách, nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ thù đi trên mặt đất khó phát hiện được căn hầm.

Người cán bộ sống trong vùng địch, ban ngày náu mình dưới hầm bí mật, ban đêm mới lên khỏi mặt đất, đi hoạt động.

Nhưng hầm bí mật có nhược điểm là khi bị phát hiện, dễ bị địch khống chế vây bắt hoặc tiêu diệt, bởi địch đông và lợi thế hơn nhiều. Từ đó người ta nghĩ rằng cần phải kéo dài căn hầm bí mật thành những đường hầm và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật để vừa trú ẩn vừa đánh lại quân địch, và khi cần, sẽ thoát khỏi chỗ nguy hiểm đến một nơi khác.

Từ đó, địa đạo ra đời mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong hoạt động chiến đấu, công tác đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 ở hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Về sau lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961 đến năm 1965 cuộc chiến tranh du kích của dân nhân ở Củ Chi đã phát triển mạnh, gây cho địch những tổn thất lớn, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Sáu xã phía bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo “xương sống”. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, thành hệ thống địa đạo liên hoàn.

Bước sang thời kì chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, địa đạo Củ Chi phát triển mạnh, nhất là đầu năm 1966, khi Mỹ dùng Sư đoàn đoàn bộ binh Số 1 “Anh cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân lớn mang tên Crimp, càn quét, đánh phá vùng căn cứ, và tiếp theo, đưa Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù, liên tiếp mở các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt lực lượng cách mạng nơi đây.

Trước sức tấn công ác liệt của Mỹ - ngụy bằng cuộc chiến tranh hủy diệt dã man, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng võ trang quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng mang tính chiến lược quan trọng, là hướng tiếp cận và tiến công hiểm yếu đối với thủ đô ngụy Sài Gòn. Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân du kích, cơ quan dân chính đảng cùng với nhân dân ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp đạn bom, mưa nắng, tích cực xây dựng “xã ấp chiến đấu” thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù.

Phong trào đào địa đạo ngày càng phát triển rầm rộ, mạnh mẽ khắp nơi, trẻ già, trai gái nô nức tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Sức mạnh ý chí của con người đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng phương tiện dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở một nơi khác để giữ bí mật địa đạo, đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu. Có người hỏi khối lượng đất lớn đó giấu vào đâu cho hết? Xin thưa, có nhiều cách: đổ xuống vô số những hố bom ngập nước, đắp thành ụ mối, đổ ra đồng ruộng cày bừa, trồng hoa màu lên trên…chỉ một thời gian là mất dấu vết. Các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.

Đúng một năm sau cuộc càn Crimp, ngày 08/01/1967, quân Mỹ mở cuộc hành quân Cedar Falls vào vùng “Tam giác sắt”, nhằm triệt phá căn cứ và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Thời gian này hệ thống địa đạo đã đạt đến độ dài với tổng số khoảng 250 km. Địa đạo Củ Chi không mang tính thụ động mà mang tính chủ động chiến đấu kết hợp với trận địa mìn trái dày đặt trên mặt đất, đã trở thành mối nguy hiểm thường nhật đối với địch trong suốt cuộc chiến tranh.

Cấu trúc địa đạo

Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ hai đến ba tầng (tầng trên gọi là “thượng”, tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng, có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy…

Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng bom bi chống máy bay trực thăng đổ chụp, nhằm tiêu diệt ngăn chặn quân địch tới gần.

Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, mắc võng được. Có các nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm (bếp giấu khói trong đất), hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ…

Vào thời kỳ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều “âm” xuống lòng đất. Trong điều kiện gian khổ vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù…nhưng thực tế ở trong địa đạo hết sức gian khổ, là chuyện vạn bất đắc dĩ.

Do cần bảo tồn lực lượng để chiến đấu lâu dài nên phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt vượt quá sự chịu đựng của con người. Bởi trong lòng đất đen tối, chật hẹp đi lại rất khó khăn, phần lớn đi khom hoặc bò. Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng (ánh sáng chủ yếu là đèn cầy hoặc đèn pin). Mỗi khi có người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại. Vào mùa mưa, lòng đất phát sinh nhiều thứ côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn rết…Đối với phụ nữ, sinh hoạt càng khó khăn hơn. Có chị sinh con và nuôi con trong hầm địa đạo phải chịu biết bao cực khổ.

Đã thế, hàng trăm người lên xuống hằng ngày qua miệng hầm mà vẫn giữ bí mật cho địa đạo là chuyện hết sức phức tạp. Một cọng cỏ bị gãy, bị dính đất, một chiếc lá bị rách khác thường cũng phải sửa sang lại nếu không muốn bị địch phát hiện, tấn công.

CUỘC CHIẾN TỪ TRONG LÒNG ĐẤT

Ngay từ những ngày đầu, khi quân xâm lược Mỹ đổ vào đất Củ Chi, đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của chiến sĩ và đồng bào nơi đây. Địch bị thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh trong các cuộc càn quét vùng giải phóng. Sau những bất ngờ, chúng nhận ra được các lực lượng chiến đấu đều xuất phát từ dưới đường hầm, các công sự và quyết tâm phá hủy hệ thống địa đạo lợi hại này. Kết hợp với hủy diệt đường hầm, triệt hạ căn cứ nhằm tiêu diệt và đánh bật lực lượng cách mạng ra xa, tạo vành đai an toàn để bảo vệ Sài Gòn, trung tâm đầu não guồng máy chiến tranh Mỹ - ngụy, đồng thời là thủ đô của chính phủ tay sai “Việt Nam Cộng hòa”. Suốt trong một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc kiệt. Chủ yếu là năm thủ đoạn sau đây:

 1. Dùng nước phá địa đạo: Trong một cuộc hành quân mang tên Crimp (Cái bẫy), từ ngày 08 tháng 01 đến ngày 19 tháng 01 năm 1966, Mỹ huy động tới 12.000 quân bộ kết hợp với không quân, xe tăng, báo binh tấn công vùng giải phóng phía bắc Củ Chi. Địch dùng máy bơm nước vào lòng địa đạo, tưởng rằng đối phương sẽ bị ngợp nước phải trồi lên mặt đất. Khi phát hiện được miệng hầm ở những nơi xa sông Sài Gòn, chúng dùng trực thăng cẩu từng sitẹt nước đến dội vào địa đạo. Với thủ đoạn ấu trĩ này, địch không đạt được ý đồ do không đủ khả năng làm ngập địa đạo với lượng nước quá ít chỉ đủ thấm vào lòng đất. Theo tài liệu của địch, chúng chỉ phá hủy được 70m địa đạo, một số quá ít ỏi so với hệ thống đường hầm hàng trăm km. Ngược lại, trong suốt cuộc càn, quân Mỹ bị bộ đội, du kích đánh từ mọi phía cả ngày lẫn đêm, khiến cho 1.600 tên bị thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi. Đây là tổn thất lớn đối với quân Mỹ trong cuộc hành quân “Cái bẫy”. Nó chứng tỏ chiến tranh du kích nhân dân có khả năng đánh bại chiến tranh hiện đại của Mỹ.

Mặc dù bị thất bại, địch vẫn tiếp tục ý đồ phá hủy địa đạo. Chúng cho một số chuyên gia quân sự trực tiếp điều tra nghiên cứu hệ thống địa đạo Củ Chi, nhưng không đảm bảo điều kiện để điều tra kĩ lưỡng, cộng với đầu óc chủ quan, ỷ vào vũ khí hiện đại, nên không đem lại kết quả; các thủ đoạn tiếp theo, lần lược bị phá sản và chúng càng chuốc lấy thất bại nặng nề hơn.

2. Dùng đội quân “chuột cống” đánh địa đạo: Trong cuộc hành quân Cedar Falls mệnh danh là “Bóc vỏ trái đất” mở màn từ 08/01/1967, địch huy động 30.000 quân được yểm trợ tối đa xe tăng, thiếp giáp, pháo binh, không quân, đánh phá khốc liệt vào vùng “Tam giác sắt”, trong đó chúng đã san bằng thị tứ Bến Súc (Bến Cát) và triệt hạ nặng nề 6 xã phía bắc huyện Củ Chi nằm trên hệ thống địa đạo dày đặc.

Thực hiện cuộc hành quân lớn này, địch có tham vọng tiêu diệt Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy, tiêu diệt các đơn vị chủ lực của Quân khu, phá hủy vùng căn cứ và hệ thống địa đạo, xúc dân đi nơi khác, biến vùng này thành “Khu tự do hủy diệt”. Trên thực tế, Mỹ - ngụy đã làm thương vong 1000 người dân, gom 15.000 người dân khác vào các “ấp chiến lược”, đốt cháy, ủi phá 6000 căn nhà, cướp đi 5700 tấn lúa gạo…Trong cuộc càn, địch sử dụng đội quân “chuột cống” gồm 600 tên lính công binh được tuyển chọn những tên “nhỏ người” đặc trách phá hủy địa đạo.

Trước lúc mở cuộc càn quét, địch dùng “pháo đài bay” B.52 và máy bay phản lực dội bom kết hợp với pháo binh đánh phá liên tục cả tháng, nhằm “dọn bãi” cho trực thăng đổ quân và xe tăng, bộ binh tiến công vào vùng căn cứ. Chúng dùng cả bom Napalm đốt cháy hàng trăm ha rừng, vườn tược. Xe ủi sạch các khu rừng rồi dồn cây lại, tưới xăng đặc đốt cháy.Bọn “chuột cống” mỗi tốp 4 tên, 2 tên ở trên, 2 tên chui xuống địa đạo (nơi chúng phát hiện được do đối phương đã chuyển sang vị trí khác) trang bị mặt nạ phòng độc, súng tiểu liên cực nhanh, dao găm, cây thuốn sắt, máy thổi lùa chất độc, đèn pin....Gặp các ngã ba đường hầm, chúng đặt mìn vào đấy, đưa dây điện lên trên mặt đất rồi “điểm hỏa” cho mìn nổ phá tung địa đạo.Bằng phương pháp này, địch phá sập một số đoạn ngắn địa đạo, nhưng không thấm vào đâu so với hàng trăm km đường hầm chằng chịt nhiều tầng, nhiều ngõ ngách liên hoàn với nhau. Thủ đoạn dùng công binh đánh phá địa đạo bị thất bại.

Trong cuộc phá càn này, các lực lượng chiến đấu và nhân dân đã bám trụ kiên cường, đánh trả quyết liệt, bảo vệ được Bộ Chỉ huy, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và phần lớn vùng căn cứ. Địch đi tới đâu cũng bị các chiến sĩ từ các ụ chiến đấu và giao thông hào đánh tới tấp bằng mọi hình thức, mọi thứ vũ khí. Tại khu ngã ba Bến Dược (khu di tích hiện nay), chỉ một đội du kích với 9 chiến sĩ, trong đó có 1 nữ y tá, đã bám địa đạo liên tục nhiều ngày, diệt 107 tên địch, bắn cháy xe tăng của chúng.

Cuộc hành quân Cedar Falls bị tổn thất nặng hơn gấp đôi cuộc càn Crimp và phải chấm dứt sớm hơn dự tính (chỉ diễn ra có 19 ngày). Những quả “mìn gạt” do anh hùng Tô Văn Đực sáng chế được sử dụng khắp các trận địa, đã góp phần tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới và nhiều trực thăng, bộ binh Mỹ, đẩy lùi bước chân tội ác của quân thù.

Tính chung toàn bộ cuộc càng Cedar Falls, địch tổn thất 3500 tên, 130 xe tăng, xe bọc thép, 28 máy bay. Mục tiêu của Mỹ không đạt được, như Tướng A. Nasen thú nhận một phần: “Cuộc điều tra cho biết ngay sau khi quân của chúng ta chưa rút khỏi vùng “Tam giác sắt” thì Việt Cộng đã đột nhập vào từ trước rồi”. Rốt cuộc Mỹ phải chua chát thú nhận: “…không thể phá hủy được địa đạo vì nó không những quá sâu mà còn vô cùng ngoắt ngoéo, ít chỗ nào thẳng…Đánh bằng công binh không hiệu quả…và rất khó tìm cửa hầm để xuống địa đạo…”.

3. Dùng chó Bẹcgiê đánh phá địa đạo: Trong các cuộc càn quét, lính Mỹ sử dụng chó Bẹcgiê dẫn đường săn lùng phát hiện địa đạo. Khoảng 3000 con được huy động vào chiến trường Củ Chi, Bến Cát. Giống chó này của Tây Đức, đánh hơi người rất giỏi và được huấn luyện “nghiệp vụ” trước khi sang Việt Nam.

Thủ đoạn dùng quân khuyển gây khó khăn nguy hiểm cho bộ đội và du kích, vì hơi người bốc lên các lỗ thông hơi và miệng hầm khiến chó rất dễ tìm ra. Thời gian đầu, du kích bắn chết chó, làm địch phát hiện, tập trung đánh phá. Về sau, các chiến sĩ tán nhuyễn ớt khô trộn với bột tiêu rắc vào các lỗ thông hơi, nhưng không ổn vì chó hít phải tiêu ớt ho sặc sụa khiến địch phát hiện được địa đạo. Công việc chóng chó trở nên phức tạp. Các đơn vị phát động nhân dân hiến kế trừ chó, cuối cùng đã tìm ra cách vô hiệu hóa đội quân khuyển đông đảo, lợi hại này. Theo tài liệu công bố, trong các chiến dịch dùng chó đánh địa đạo Củ Chi, 300 con chó bị chết bệnh và bị du kích bắn chết. Như vậy thủ đoạn dùng chó Bẹcgiê để phát hiện đánh địa đạo của quân Mỹ bị thất bại.

4. Dùng xe cơ giới ủi phá địa đạo: Đây là thủ đoạn hết sức ác liệt, chúng huy động hàng trăm xe tăng và xe cơ giới có mã lực lớn xúc đứt từng khúc địa đạo. Xe ủi tới đâu quân Mỹ thổi chất độc hóa học vào lòng hầm, đồng thời dùng loa phóng thanh kêu gọi đối phương ra hàng. Có trường hợp hi hữu, chúng xúc nguyên cả căn hầm bí mật hất lên mặt đất mà không biết bên trong có người trú ẩn. Đến tối, người chiến sĩ trong hầm bí mật thoát ra…

Trong những ngày này, mặc cho quân Mỹ phối hợp với các binh chủng tấn công dữ dội, các lực lượng cách mạng vẫn trụ trong đường hầm, sinh hoạt chiến đấu, tiêu hao nhiều binh hỏa lực của chúng.

Không đạt được kết quả như mong muốn, địch phải bỏ chiến thuật này, bởi vì không thể nào đủ khả năng ủi phá hết địa đạo trong điều kiện bị bộ đội và du kích đánh trả cả ngày lẫn đêm.

5. Gieo cỏ phá địa hình: Địch còn dùng nhiều thủ đoạn phá đường hầm và căn cứ, nhưng đáng kể nhất là thủ đoạn gieo cỏ phá địa hình. Chúng dùng máy bay rải xuống một giống cỏ kỳ lạ, nhân dân Củ Chi quen gọi là “cỏ Mỹ”. Loại cỏ này gieo xuống, gặp mưa phát triển nhanh không tưởng, chỉ một tháng sau đã cao tới 2 - 3 mét, thân to bằng chiếc đũa và sắc. Các cây cỏ khác bị chúng lấn át không lên nổi. Cỏ Mỹ mọc thành rừng gây khó khăn cho việc đi lại, cơ động chiến đấu, nhưng lại rất dễ cho địch phát hiện mục tiêu từ trên máy bay, để bắn phá.

Đến mùa khô, cỏ Mỹ úa vàng rồi khô hết như rơm. Máy bay phóng hỏa tiễn hoặc ném bom, bắn pháo khiến rừng cỏ khô rừng rực bốc cháy, đất trơ ra, các bãi mìn của du kích bị phát nổ, hầm chông bị cháy…Các đơn vị, cơ quan không còn địa hình để ẩn náu, lúc đi để lại dấu chân trên lớp tro than. Địch theo dấu vết vào tận cửa hầm để đánh phá. Tuy nhiên, thủ đoạn gieo cỏ phá địa hình cùng chịu chung số phận với các thủ đoạn nêu trên. Bởi vì màu xanh bất tử của ruộng vườn Việt Nam vẫn vượt lên bao trùm các vùng căn cứ. Các lực lượng cách mạng vẫn bám vào lòng đất Củ Chi. Và từ hệ thống địa đạo, lại xông lên hợp lực với nhân dân đồng loạt tấn công vào hang ổ kẻ thù tại Sài Gòn trong mùa Xuân năm 1968, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu trọng yếu của Mỹ - ngụy như Dinh Độc Lập, Đại Sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất…

Từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, hình thái chiến trường có nhiều thay đổi. Địch thực hiện chiến thuật “quét và giữ”, liên tục mở các cuộc hành quân phản kích ác liệt càn quét đánh phá vùng giải phóng Củ Chi, hòng đánh bật lực lượng cách mạng ra xa, tạo vành đai an toàn bảo vệ Sài Gòn. Địa đạo được cũng cố và phát triển tạo thế bám trụ vững vàng cho các lực lượng áp sát vùng ven đô, giữ vững địa bàn, lập thế trận mới chuẩn bị cho thời cơ giải phóng Sài Gòn sau này.

Cho tới mùa Xuân 1975, nhiều cánh quân lớn của Quân đoàn 3 và nhiều đơn vị chủ lực, địa phương tập kết từ đây tiến vào giải phóng thị trấn Củ Chi và dinh lũy cuối cùng của địch tại Sài Gòn, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào lúc 11 giờ ngày 30/4/1975.

CUỘC CHIẾN VÀ TỔN THẤT

Bằng cuộc chiến tranh dân nhân vô cùng phong phú và sáng tạo, qua hai mươi mốt năm chiến đấu kiên cường, quân và dân Củ Chi đánh 4.269 trận lớn nhỏ, thu 8.581 súng các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 22.582 tên địch (có hơn 10.000 tên Mỹ, 710 tên bị bắt), phá hủy trên 5.168 xe quân sự (phần lớn là xe tăng và xe bọc thép); bắn rơi và đánh hỏng 256 máy bay (chủ yếu là trực thăng), bắn chìm và cháy 22 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy và bức rút 270 lượt đồn bót.

Được Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu: CỦ CHI ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG. Được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hai lần tuyên dương danh hiệu: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN.

Tính đến nay, toàn huyện Củ Chi được tuyên dương: 19 xã Anh hùng, 39 Anh hùng LLVT nhân dân, 1277 bà mẹ Việt nam Anh hùng, 1800 người được phong dũng sĩ. Được tặng thưởng hai Huân chương Thành đồng Tổ quốc và trên 500 Huân chương Quân công, Chiến công các hạng cho các tập thể và cá nhân.

Lập nên những chiến tích vinh quang, Củ Chi đã chịu nhiều hy sinh to lớn: Sơ bộ thống kê trong toàn huyện đã phải chịu: 50.454 trận càn quét; có 10.101 dân thường bị chết; trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương; có 28.421 nóc nhà bị cháy; 20.000 ha ruộng rẫy và rừng bị phá…

Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề đối với Củ Chi, nhất là những mất mát đau thương về người và tình trạng đói nghèo trong nhiều năm sau ngày giải phóng.

Ngày nay, những “Vùng Trắng” đã hồi sinh mãnh liệt. Trên sống lưng Địa đạo năm xưa là ruộng đồng xanh tươi và những xóm làng sầm uất đông vui. Những công trình phục vụ đời sống dân sinh đang mọc lên khỏa lấp những thương tích chiến tranh. Củ Chi đang đổi mới, đi lên Chủ nghĩa xã hội, với cơ cấu nông nghiệp vững chắc, là một trong những vùng lúa, thực phẩm trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là pháo đài quân sự bảo vệ vững chắc Thành phố ở vùng cửa ngõ phía Tây bắc.

ĐỊA ĐẠO CỦ CHI: ĐIỂM HẸN TRUYỀN THỐNG CỦA MỌI THẾ HỆ VÀ NIỀM KÍNH PHỤC CỦA BẠN BÈ THẾ GIỚI

Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Địa đạo Củ Chi nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Khách trong nước, ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu ngày càng đông. Địa đạo Củ Chi trở thành điểm hẹn truyền thống của các thế hệ Việt Nam và niềm kính phục của bạn bè thế giới.

Từ ngày hòa bình trở lại, đã có hàng chục ngàn đoàn du khách với hàng triệu người đủ màu da, sắc tộc trên thế giới đến viếng thăm địa đạo Củ Chi. Từ các vị Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản, Nguyên thủ Quốc gia, đến các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, triết học, nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Mỹ...đã đặt chân xuống địa đạo với tất cả niềm xúc động và kính phục đối với vùng đất anh hùng. Một chính khách ở Cộng hòa Liên Bang Đức đã phát biểu: “Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như nước Mỹ. Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”.

 Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:

- Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.

- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×