Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học. (10 mẫu)

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học. (10 mẫu)
1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
25
0
0
CenaZero♡
12/09/2024 13:37:01

Dàn ý Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học

a. Mở bài

- Truyện ngụ ngôn luôn là một thể loại mà em yêu thích, em đã đọc rất nhiều và em ấn tượng nhất là truyện “Ếch ngồi đáy giếng”.

b. Thân bài

* Giới thiệu qua về truyện ngụ ngôn và truyện “Ếch ngồi đáy giếng”.

- Truyện ngụ ngôn là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, có tính chất đối nhân, xử thế, dùng loài vật, sự việc để nói về một quan điểm nhân sinh trong xã hội.

- Nội dung của truyện thường là phê phán thói hư tật xấu của con người, nêu lên những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cuộc sống.

- “Ếch ngồi đáy giếng” kể về một con ếch sống trong một cái giếng lâu ngày, nghĩ rằng trời chỉ nhỏ bằng cái vung và nó là chúa tể. Khi mưa đổ xuống, ếch ra khỏi giếng đi lại huênh hoang như một vị chúa tể và bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.

* Cảm xúc của em đối với truyện “Ếch ngồi đáy giếng”

- Phê phán thói huênh hoang, chủ quan, không coi ai ra gì của con ếch: Do nó quá xem thường mọi thứ xung quang, luôn coi mình là nhất nên phải gánh chịu hậu quả là bị giẫm bẹp.

- Phê phán tầm hiểu biết hạn hẹp của con ếch: do sống trong môi trường trật hẹp, mỗi khi kêu thấy mấy con vật xung quang sợ hãi nên nó nghĩ mình là chúa tể, không coi ai ra gì.

- Bài học: Không để bị khuất phục bởi hoàn cảnh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải học hỏi để mở mang kiến thức, tầm hiểu biết của bản thân. Tôn trọng mọi người và mọi thứ xung quang chúng ta.

c. Kết bài:

- Truyện đã dạy cho em một bài học triết lí nhân sinh sâu sắc về tầm quan trong của việc mở rộng tầm hiểu biết

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 1

Câu truyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng không chỉ đem đến sự giải trí cho người đọc mà truyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng còn mang đến một bài học ý nghĩa cho những con người có tầm nhìn hạn hẹp, quen thói hống hách không coi ai ra gì.

Câu truyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng là một câu truyện dân gian xưa kia, mượn hình ảnh các con vật, sự vật nhằm nói bóng gió ám chỉ về chuyện con người với ý nghĩa răn dạy vô cùng sâu sắc, chính vì thế nó không chỉ là câu truyện ngụ ngôn được truyền từ đời này sang đời khác mà nó còn trở thành một câu thành ngữ của dân ta.

Từ câu chuyện của chú ếch nhỏ sống dưới cái đáy giếng nhỏ hẹp quá lâu đến mức chú ta nghĩ rằng những con vật tồn tại xung quanh mình chỉ có cua, ốc, nhái, bầu trời chỉ nhỏ như cái miệng giếng mà không nghĩ rằng tất cả đó chỉ là một phần rất rất nhỏ của cuộc sống, của môi trường ben trên kia.

Chính vì được làm chúa tể tại nơi mình sống, với các thần dân là những con vật nhỏ bé mà chỉ cần nghe thấy tiếng ộp ộp của chú ếch đã khiếp sợ mà chú đã trở nên kiêu căng, hợm hĩnh từ lúc nào không hay. Tính cách ấy ăn sâu vào ếch, ếch coi trời bằng vung, chủ quan, khinh đời vì nghĩ rừng mình là to lớn nhất. Đến một ngày khi trời mưa lớn, dòng nước dềnh lên đưa ếch ra khỏi cái đáy giếng nhỏ bé đó thì mọi chuyện đảo lộn hết. Môi trường sống thay đổi không còn là phạm vi nhỏ hẹp nữa đòi hỏi ếch phải thay đổi, tuy nhiên ếch vẫn nghĩ rằng mặt đất kia cũng giống như đáy giếng mà ếch vẫn sống trước kia và nó vẫn nghĩ mình là chúa tể của nơi này.

Chính từ câu truyện nhỏ đó với nghệ thuật ẩn dụ khéo léo của tác giả dân gian mà mang đến bài học về cách nhìn nhận thế giới xung quanh cho con người, ngoài ra câu truyện cũng nhằm phê phán những người có thói huênh hoang, khoác lác, từ đó khuyên răn những con người đó bỏ tính cách ấy đi, mở rộng hơn tầm nhìn hạn hẹp của mình. Chính vì sự kiêu ngạo, không cẩn thận và không coi ai ra gì như vậy đã khiến nó bị một con trâu giẫm bẹp.

Tuy câu truyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng mang đầy đủ ý nghĩa, được chia làm 2 phần rõ rệt với một phần nói về trình độ và cách sống của ếch phần 2 chính là hậu quả mà cách sống đó mang lại từ đó đem đến bài học ý nghĩa cho mọi người.

Tác giả dân gian khéo léo đặt bối cảnh vào nhân vật để nêu lên ý nghĩa tượng trưng qua những hình ảnh hiện thực. Tiếng kêu của ếch thì âm vang mà giếng lại quá nhỏ không đủ để cho ếch nhận ra sự hống hách và kém hiểu biết thái quá của chính mình. Chính vì vậy cơn mưa không phải là nguyên nhân gây nên cái chết của ếch mà chính và thói chủ quan không coi ai ra gì của nó gây nên.

Qua câu truyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng chúng ta có được một bài học đó là không nên có thói kiêu ngạo không coi ai ra gì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Con người phải không ngừng học hỏi vì ở đời còn rất nhiều những thứ chúng ta không ngờ tới nếu không ngừng mở mang tầm hiểu biết của mình thì sẽ chuốc lấy những thất bại và hậu quả nghiêm trọng.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 2

Chúng ta vẫn truyền tai nhau câu nói: “Đoàn kết là sức mạnh” và từ xa xưa ông cha ta đã nhận thức đúng về vai trò của đoàn kết và mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Dưới hình thức một truyện ngụ ngôn dí dỏm, “Chân tay tai mắt miệng” đã để lại cho em những bài học sâu sắc.

Truyện kể về những bộ phận trên cơ thể con người đó là chân, tay, tai, mắt, miệng. Chân, tay, tai, mắt vì cho rằng miệng lúc nào cũng ngồi không hưởng quả ngon, vật lạ mà không chịu làm việc nên đã nảy sinh ganh tị và đồng loạt bảo nhau không làm việc, để cho lão miệng tự kiếm cái ăn. Sự đố kỵ của các bộ phận khiến chúng ngày càng yếu ớt, mệt mỏi. Nhưng cuối cùng họ cũng hiểu ra vấn đề và lại cùng nhau chung sống hòa thuận.

Trình bày suy nghĩ của em về truyện ngụ ngôn Chân tay tai mắt miệngĐiều chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất ở câu chuyện là nếu không có thức ăn cơ thể sẽ trở nên yếu ớt, mệt mỏi. Chân, tay bủn rủn, chẳng thể cất nổi mình. Mắt thì “suốt ngày lờ đờ, hai mí nặng trĩu”. Tai thì lúc nào cũng cảm thấy ù ù bên trong… Nhưng đằng sau đó, câu chuyện chứa đựng bài học thật sâu sắc. Giống như chân, tay, tai, mắt, miệng, mỗi một cá thể trong xã hội đều có mối liên hệ với nhau và chúng ta sẽ tạo thành một cộng đồng không thể tách rời. Truyện đã khẳng định: trong xã hội, mỗi người là một cá tính riêng, có những khả năng, do đó sự phân công công việc và cách thức đóng góp cũng khác nhau. Tuy vậy, cá nhân nào cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng và nếu cá nhân đó chỉ biết sống cho mình thì sẽ không thể có một chỉnh thể thống nhất. Bên cạnh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, câu chuyện còn là lời răn dạy mỗi người không nên sống so bì, đố kị bởi điều đó sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến chính ta và đến những người quanh ta. Vậy nên ta cần sống, làm việc và cống hiến hết mình cho xã hội, có như vậy cuộc sống của ta mới có ích.

Lối kể chuyện dí dỏm đặc trưng của ngụ ngôn đã khiến câu chuyện dễ đi vào lòng người và khiến nó trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người. Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng những giá trị mà nó để lại sẽ còn ý nghĩa cho đến mãi về sau.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 3

Từ thuở xa xưa, tổ tiên chúng ta đã nhận thức rất đúng về vai trò của đoàn kết và mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân với cộng đồng. Nhận thức đó đã được đúc kết thành bài học bổ ích gửi gắm trong tục ngữ, ca dao và truyện cổ dân gian. Một trong những truyện mang ý nghĩa giáo dục thấm thìa, sâu sắc dưới một hình thức ngụ ngôn dí dỏm, thú vị là truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.

Truyện kể về hành động dại dột của Chân, Tay, Tai, Mắt vì suy bì, ganh tị với Miệng mà bảo nhau đồng loạt không làm việc, để cho lão Miệng tự kiếm lấy miếng ăn. Hành động nông nổi thiếu suy nghĩ ấy khiến cho cả bọn mệt mỏi, rã rời. Hiểu ra sai lầm, tất cả kéo nhau đến giảng hoà với lão Miệng. Rồi ai làm việc nấy, mọi người lại sống hoà thuận như xưa.

Trong truyện ngụ ngôn này, nhân vật là những bộ phận của cơ thể con người đã được nhân hoá. Thông qua truyện, người xưa muốn khẳng định: Trong xã hội, trong một tập thể, tất cả mọi người đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Không ai có thể tách rời khỏi cộng đồng và chỉ có đoàn kết, gắn bó, nương tựa lẫn nhau mới có thể tạo ra sức mạnh. Nếu chia rẽ sẽ dẫn tới suy thoái, diệt vong. Do đó mọi người phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.

Kết cấu truyện ngắn gọn. bố cục rõ ràng và có đầy đủ nhân vật, tình tiết, mâu thuẫn như một màn kịch nhỏ và hoàn cảnh nảy sinh mâu thuẫn chính là cuộc trao đổi giữa Chân, Tay, Tai, Mắt về sự cống hiến và hưởng thụ.

Truyện kể rằng: Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm, cô Mắt cho rằng lão Miệng quanh năm không phải làm việc mà lại được hưởng tất cả những miếng ngon miếng lành ; còn mọi người suốt ngày quần quật mà chẳng được gì. Ý kiến của cô Mắt nêu ra nhanh chóng được cậu Chân, cậu Tay và bác Tai ủng hộ. Cả bọn hăm hở đến gặp lão Miệng để nói thẳng với lão rằng: … Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay, chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi. Câu nói ấy chứa đựng sự bất bình mà mọi người cố chịu đựng bấy lâu. Chẳng thèm nghe lão Miệng phân trần phải trái. Bác Tai, cô Mái, cậu Chân, cậu Tay đều lắc đầu mà rằng : Không, không phải bàn bạc gì nữa, từ nay trở đi, ông phải lo lấy mà sống. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm gì cả. Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!

Nếu mới nghe qua thì lí sự của chúng có vẻ đúng, bởi thực tế là Mắt nhìn, Tai nghe, Tay làm, Chân đi… để kiếm sống, chứ còn Miệng thi chỉ có ăn uống, hưởng thụ, nào có phải vất vả, mệt nhọc gì đâu? Kẻ làm nhiều mà không được hưởng thụ gì, còn kẻ không làm lại được hưởng tất. Chúng bất bình, giận dữ, tẩy chay lão Miệng để cho lão biết thân. Chúng không hiểu rằng việc nhai nuốt của lảo Miệng cũng là làm. việc, biến thức ăn thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, trong đó có Chân, Tay, Tai, Mắt… Người có khỏe thì Mắt mới tinh, Tai mới thính, Chân, Tay mới nhanh nhẹn được. Trong cơ thể con người, mỗi bộ phận có một chức náng riêng nhưng tất cả phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì sự sống. Nếu một bộ phận suy yếu hoặc ngừng hoạt động, con người sẽ bị bệnh hoặc có thể chết.

Suy nghĩ nông nổi của Chân, Tay, Tai, Mắt đã phải trả giá. Chúng bảo nhau đồng loạt nghỉ việc. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rả rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa. Cô Mắt thì ngày cũng như đêm, lúc nào cũng lờ đờ, hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai trước kia hay đi nghe hò nghe hát, nghe tiếng gì cũng rõ, nay bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong, cả bọn lừ đừ, mệt mỏi như thế cho đến ngày thứ bảy thì không thể chịu được nữa, đành họp nhau lại để bàn…

May mắn là trong bọn họ, bác Tai đã hiểu ra nguyên nhân của tình cảnh đáng sợ ấy nên giải thích cho cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải là ăn không ngồi rồi. Trước kia sống với nhau thân thiết như thế, nay tự dưng chúng ta gây nên chuyện. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khoẻ khoắn được. Chúng ta nên đến nói lại với lão, các cháu có đi không?

Trước lời nói có tình có lí của bác Tai, cả bọn đã nghe ra và cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Suốt bảy ngày không có cái ăn, lão Miệng cũng rơi vào cảnh sống dở chết dở: nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, khônq buồn nhếch mép.

Tất cả mọi người vội vàng ai vào việc nấy: Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn cho lão Miệng ăn. Lão Miệng ăn xong, dần dần tỉnh lại. Và như có phép lạ, lập tức bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái như trước. Từ một sự hiểu lầm dẫn đến hành động không đúng, nay hiểu ra, may mà còn cứu kịp.

Như vậy rõ ràng là Chân, Tay, Tai, Mắt và Miệng có liên quan mật thiết với nhau. Mỗi bộ phận tuy có chức năng riêng nhưng có cùng một nhiệm vụ chung là duy trì và phát triển sự sống của cơ thể. Không thể nói bộ phận nào quan trọng hơn cả. Sự khiếm khuyết bất cứ bộ phận nào cũng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hoạt động của con người.

Tử quan hệ không thể tách rời giữa các nhân vật, truyện ngụ ngôn này đã Khéo léo đặt ra bài học cho con người. Trong cuộc sống, một cá nhân không thể tồn tại nếu tách khỏi cộng đồng. Mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng là hết sức quan trọng. Truyện tuy ngắn gọn nhưng là lời khuyên khéo léo và thiết thực: Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Bởi vì suy nghĩ, hành động, cách ứng xử của cá nhân không chỉ tác động đến bản thân mà còn ảnh hưởng chung đến cả cộng đổng, tập thể.

Điều thú vị là qua truyện ngụ ngôn này, ông cha ta đã khẳng định: Trong xã hội, mỗi người có một năng lực, một trình độ khác nhau, do đó sự phân công công việc và cách thức đóng góp cũng khác nhau. Không nên suy bì, tị nạnh một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả xấu, ảnh hưởng đến lợi ích chung. Bên cạnh việc đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, mỗi thành viên phải tự giác làm việc theo sự phân công của xã hội. Khi làm việc phải cống hiến hết sức mình cho cả cộng đồng. Có như vậy xã hội mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 4

Tôi đi học là truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh, in trong tập Quê mẹ và được xuất bản năm 1941. Đây là một truyện ngắn thể hiện rất đầy đủ phong cách sáng tác của tác giả: đậm đà chất trữ tình, đằm thắm, êm dịu, trong trẻo và tràn đầy chất thơ. Truyện đã thể hiện một cách xúc động tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật tôi, chú bé được mẹ đưa đến trường lần đầu tiên trong ngày tựu trường.

Cảm xúc bắt đầu được khơi nguồn từ hiện tại với cảnh lá rụng vào cuối thu. Đó là một buổi ban mai đầy sương thu và gió lạnh: Buổi tựu trường xa xưa ấy thật đáng nhớ, cậu con trai bé bỏng được mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi. Con đường đi đến trường là con đường làng dài và hẹp vốn đã quen đi lại lắm lần nhưng tự nhiên chú bé thấy lạ. Cảnh vật quê nhà hình như đều thay đổi bởi lẽ vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Chú bé bảy tám tuổi cảm thấy mình đã khôn, không còn chơi bời lêu lổng lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa.

Làm sao quên được buổi tựu trường xa xưa đó. Chú bé cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn khi được mặc chiếc áo vải dù đen dài, cầm trong tay hai quyển vở mới. Chú thêm cảnh mấy cậu học trò bằng tuổi mình áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem. Chỉ cần hai quyển vở mới, dù tay ghì thật chặt mà chú vẫn cảm thấy nặng, rồi một quyển vở Xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Nhìn thấy mấy cậu ôm sách vở nhiều lại còn kèm cả bút thước nữa, chú ngây thơ nghĩ chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước. Ý nghĩ, tâm lý ấy của nhân vật tôi đã thoáng qua trí nhớ của mình một cách nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi. Hình ảnh so sánh duyên dáng quá, không hề sáo mòn, công thức: so sánh cái ý nghĩ chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước được so sánh với làn mây lướt ngang trên ngọn núi đã làm nổi bật ý nghĩ non nớt và ngây thơ trong sáng của nhân vật tôi.

Khi đứng trước ngôi trường, chú bé càng hồi hộp, bỡ ngỡ. Chú ngạc nhiên trước cảnh đông vui dày đặc cả người trước sân trường; ai cũng áo quần sạch sẽ, gương mặt vui tươi sáng sủa. Chú đã từng đi bẫy chim quyên với thằng Minh, và ghé lại trường một lần, đi quanh các lớp, cảm thấy trường xa lạ, cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng. Thế mà buổi tựu trường hôm nay, chú cảm thấy trường Mĩ Lí của mình vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa ấp. Đứng giữa sân trường rộng, chú bé đâm ra lo sợ vẩn Vơ. Phải chăng tâm trạng bồi hồi, bỡ ngỡ là rất thực, rất điển hình đối với tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời mình.

Chú bé cũng như những học trò khác bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng, e sợ. Hình ảnh so sánh đặc sắc quá! Tâm trạng vừa khao khát học hành, ước mơ bay tới những chân trời xa. Chân trời ước mơ và hy vọng đã hiện về trong tâm tưởng của tuổi thơ trong buổi tựu trường.

Tiếng trống trường, tiếng trống trường ngày khai giảng tiếng trống dù ở đâu và bất cứ thời nào cũng gây chấn động, hồi hộp kỳ lạ. Hồi trống trường của trường Mỹ Lí đã thúc vang dội cả lòng chú bé. Khi học sinh xếp hàng vào lớp, chú cảm thấy mình chơ vơ. Và tất cả học trò đều bắt đầu vụng về lúng túng. Tưởng như không đi mà bị kéo dìu tới trước. Co chân rồi duỗi chân, cứ dềnh dàng mãi. Toàn thân thì run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp. Và khi ông đốc gọi tên, khi ông đốc nói, các em học trò vào lớp Năm đã lúng túng... càng lúng túng hơn. Nhiều em ôm mặt khóc, nhiều em thút thít. Riêng chú bé thì cố bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước nhưng vẫn dúi đầu vào lòng mẹ tôi khóc nức nở. Có bao giờ, chú quên được cái bàn tay yêu thương của mẹ vuốt nhẹ lên tóc mình. Tuy vậy, chú bé khi xếp hàng vào lớp Năm, được thầy giáo trẻ tuổi tươi cười đứng đón ở cửa lớp, nhưng chú vẫn cảm thấy lẻ loi: trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này.

Cảm xúc hồi hộp bâng khuâng dâng lên man mác trong lòng khi ngồi trong lớp, cảm thấy một mùi hương lạ xông lên. Chú thấy lạ và hay hay những hình treo trên tường. Chú nhìn ra ghế và lạm nhận đó là vật của riêng mình, nhìn người bạn tí hon ngồi cạnh không cảm thấy xa lạ mà quyến luyến tự nhiên... Có lúc chú đưa mắt thèm thuồng một cánh chim. Chú vòng tay lên bàn lẩm nhẩm đánh vần bài viết tập Tôi đi học. Tiếng phấn của thầy giáo đã đưa chú trở về thực tế.

Bằng trang hồi ức của mình, Thanh Tịnh đã diễn tả những kỷ niệm, những diễn biến tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" trong buổi tựu trường theo trình tự thời gian, không gian: lúc đầu là buổi sớm mai mẹ dẫn đi trên con đường làng, sau đó là lúc đứng giữa sân trường, một hồi trống vang lên, nghe ông đốc đọc tên và dặn dò, cuối cùng là khi thầy giáo trẻ đưa vào lớp.

Tôi đi học là trang văn đầy chất thơ, chất thơ của kỷ niệm thời thơ ấu ngày tựu trường. Chất thơ ở giọng văn nhẹ nhàng, truyền cảm. Chất thơ ở sự lắng đọng và khơi gợi tâm hồn kí ức thời cắp sách trong mỗi chúng ta. Tôi đi học là một tiếng lòng man mác, bâng khuâng của một thời để nhớ, một thời để yêu. Kỷ niệm ấy rất đẹp và sâu sắc, vì thế sau này Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 5

Nguyễn Thành Long là một cây bút truyện ngắn nhưng vẻ đẹp nghệ thuật không nằm ở những phát hiện sắc sảo – táo bạo xung đột mạnh mẽ mà nghiêng về tạo dựng chất thơ nhẹ nhàng trong trẻo lặng thầm, kín đáo nhưng vẫn có sức ngân vang sâu rộng lâu bền. Lặng lẽ Sa Pa tiêu biểu cho phong cách dó của Nguyễn Thành Long. Truyện ra đời sau một chuyến đi thực tế kiểm nghiệm. Nguyễn Thành Long đã giới thiệu với chúng ta một vùng đất lặng thầm nhưng ở đó vẫn có những con người đang ngày đêm làm việc cống hiến quên mình cho quê hương đất nước.

“Lặng lẽ Sa Pa” khi mới đọc cái tên ta có cảm giác Nguyễn Thành Long đang viết về một nơi yên ắng, lạnh giá, hiu hắt hoặc nghĩ về một vùng đất nghỉ ngơi tham quan du lịch Sapa nhiều hơn. Nhưng điều kì diệu và bất ngờ là trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn vang lên những nhịp sống sôi động trong sáng, tuổi trẻ, vẫn lung linh những sắc màu và lan tỏa ấm áp lòng người. Nơi ấy đang bừng dậy sức sống của những con người, những tấm lòng đang sống, cống hiến làm việc âm thầm lặng lẽ cho quê hương đất nước. Đó là những con người sống đẹp, có ích cho đời, có lý tưởng ước mơ, niềm tin yêu vững bền vào nghề nghiệp, kiến thức, trình độ, khoa học mà nhân vật anh thanh niên là hiện thân vẻ đẹp đó.

Nhân vật anh thanh niên, ở tuổi đời hai mươi bảy vừa rời phồn hoa, đô thị đông đúc, anh lên công tác ở đỉnh núi Yên Sơn (Sapa) ở độ cao hai nghìn sáu trăm mét, quanh năm mây mù tuyết phủ, suốt ngày làm bạn với núi đá rừng cây. Cái yên ắng, yên lặng tĩnh mịch đến ghê sợ để khiến cho người ta thoái thác nhiệm vụ rời bỏ vị trí nhưng theo tiếng gọi nghề nghiệp và tình yêu cuộc sống, công việc, anh đã tự nguyện gắn bó mình với nghề nghiệp khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Công việc là như vậy nhưng điều kiện làm việc là ngoài trời, kỹ thuật máy móc lại thiếu thốn đơn giản, thô sơ. Cả ngày nắng cũng như ngày mưa hay lúc giá rét lạnh buốt xương, anh vẫn phải lên “ốp” đúng giờ, ghi chép đầy đủ chính xác để bảo vệ cơ quan cấp bộ.

Thế nhưng tất cả những sự vất vả, khó nhọc, thiếu thốn với anh nào có kể gì, thấm tháp gì đâu so với sự lạnh lẽo buồn cô đơn đến “thèm người”. Ở chốn rừng sâu hoang vu vắng lặng, anh chỉ biết làm bạn với chim kêu vượn hót. Xuất phát từ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm tự giác, ý thức được nhiệm vụ của tuổi trẻ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ở anh còn có một tấm lòng nhiệt tình say mê nghề nghiệp, nghiên cứu, sáng tạo và luôn tìm thấy niềm vui từ công việc. Anh từng tâm sự: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”.

Ngoài là người có học thức, có trình độ, anh thanh niên lại còn có một tâm hồn trong sáng, cao đẹp, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu nơi mình gắn bó, làm việc bằng cách tự tạo ra niềm vui từ công việc hiện thực – đẩy lùi buồn tẻ cô đơn như đọc sáng – nghiên cứu – trồng rau – trồng hoa, nuôi gà, cải thiện cuộc sống. “Thèm người” anh thanh niên tìm cách gặp người, gặp bạn để trao đổi, trò chuyện thân mật và cởi mở, luôn quan tâm chu đáo đến người khác. Anh tự tạo ra một cuộc sống ngăn nắp, khoa học, một thói quen chủ động trong mọi tình huống và công việc. Trong giao tiếp ở anh thanh niên toát lên một phong cách, một vẻ đẹp trong phong cách lời ăn tiếng nói khiêm tốn, vui vẻ, chân tình, lịch sự luôn biết sống vì mọi người.

Có thể nói ở anh thanh niên mang một vẻ đẹp trong sáng của người thanh niên thời đại mang trong mình những hiểu biết về tri thức, sống tận tụy, yêu nghề, yêu đời, hiểu được việc làm và chỗ đứng của mình từ đó mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ở anh còn toả sáng và sưởi ấm cho bao tâm hồn khác dẫu chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi cho những người đến Sa Pa.

Qua lời kể của anh thanh niên, ông kỹ sư nông nghiệp ở vườn ươm su hào và ông kĩ sư nghiên cứu bản đồ chống sét đều là những người sống lặng thầm trên mảnh đất Sa Pa mà lao động cần mẫn, say mê, quên mình vì mục đích chung của mọi người. Họ đang làm nên cái “lặng lẽ” mà ngân vang sôi động ở Sa Pa.

Bác lái xe trong vai người dẫn truyện là điểm dừng cho mọi cuộc gặp gỡ, tình cảm nảy sinh tốt đẹp trong cuộc gặp gỡ đặc biệt là trong 30 phút ngắn ngủi giữa ông họa sĩ và cô kỹ sư đã để lại trong tình cảm những con người đối với Sa Pa là một kỉ niệm tốt đẹp. Bác là người am hiểu anh thanh niên hơn ai về cuộc sống, sinh hoạt của anh và chính bác đã tạo ra cho anh thanh niên những niềm vui về tinh thần, đẩy lùi sự cô đơn, buồn vắng. Ông họa sĩ là nhân vật hóa thân của nhà văn, người xem đây là một chuyến đi may mắn trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Còn đối với cô kĩ sư trẻ, cô đã phát hiện ra nhiều điều mới mẻ trong chuyến đi đầu đời giúp cô nhận thức về tình yêu nghề nghiệp cuộc sống vững tin hơn trong sự lựa chọn của mình. Người ta gọi đây là những tâm hồn đồng điệu đến với Sa Pa.

Truyện có một tuyến nhân vật, không có biến cố xung đột kịch tính. Các nhân vật đều dưới những cái tên chung, có cuộc sống và công việc khác nhau khiến mọi người sa vào đó đều có bóng dáng công việc của mình. Ngôn ngữ giàu nhạc điệu, giàu chất thơ mượt mà như ý nghĩa nhan đề của chính câu chuyện. Truyện ngắn như một bức tranh lung linh kì ảo đằm thắm, ấm áp tình người sâu lắng trong từng bức tranh thiên nhiên.

“Lặng lẽ Sa Pa” viết về con người bình thường, nhịp sống bình thường. Nhưng phía sau nhịp sống bình thường ấy là những âm vang âm sắc cuộc đời. Nguyễn Thành Long đã góp một tiếng nói nhỏ nhẹ để ngợi ca cuộc sống và tái hiện một cách đầy đủ những vẻ đẹp của con người, có năng lực trình độ, nhiệt thành và hăng say cách mạng trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 6

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải đứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Những cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về văn bản truyện đã học - mẫu 7

Trong những tác phẩm văn học đã được học ở cấp hai, truyện ngắn “Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (chương trình lớp 9) để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ. Tôi chưa đến tuổi của anh Nhĩ để thấm thía đủ cái triết lí sâu sắc mà nhà văn gửi gắm ở niềm khao khát hướng ra bên quê phía bên kia sông, nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được nỗi niềm nuối tiếc của anh khi anh nằm trên giường bệnh đếm những ngày còn lại của cuộc đời mình.

Thói thường người đời vẫn coi thường hiện tại, mải mê đuổi theo những hư danh phía trước mà không nhận ra những giá trị đích thực của những gì mình đang có. Nhà văn Nguyễn Minh Châu qua Bến quê đã muốn nói với mọi người triết lí sâu xa ấy. Là nhà văn luôn có những phát hiện mới mẻ về những điều quen thuộc và giản dị của cuộc sống, ông đã phát hiện ra những nỗi băn khoăn, day dứt, nuối tiếc của con người khi đứng trước những gì đã qua. Anh Nhĩ đã từng đi rất nhiều nơi, cả cuộc đời anh chạy theo danh vọng mà anh quên mất cái bến quê trước cửa nhà. Anh không có thời gian để ý đến nó. Khi nằm trên giường bệnh, không còn khả năng đi lại, anh mới nhận ra rằng cái bến quê ấy hấp dẫn biết bao nhiêu. Anh bừng ngộ ra rằng anh đã chạy theo hư danh mà bỏ qua mất một điều quan trọng và vô cùng quý giá với mình. Anh ân hận vì cả cuộc đời anh mới chỉ sang cái bến sông ấy có hai lần, và một lần là ngày cưới của anh.

Mỗi con người đều có một bến quê trong lòng mình, nhưng không phải ai cũng nhận ra nó quý trọng và thiêng liêng để mà giữ gìn trân trọng khi còn đủ sức. Nhĩ nuối tiếc khi anh nhận ra cái bến quê ấy hấp dẫn với anh biết nhường nào và anh đã gửi gắm cả niềm khao khát ấy vào đứa con trai. Anh nhờ nó đi đò sang sông để mua cho anh bất cứ thứ gì phía bên sông ấy. Nhưng thằng bé, cũng như anh khi còn trẻ, không thể nhận ra những tâm sự của cha. Nó lại mải chơi nên bị lỡ chuyến đò ngang cuối cùng trong ngày. Thằng bé không vội vã bởi nó còn quá nhiều thời gian để sống, bởi với nó cái bến sông ấy cũng rất bình thường. Thằng bé sẽ lại giống như cha và như tất cả mọi người, không thể nhận ra sự đáng quý và đáng trân trọng của những gì đang trong tầm tay.

Một người bệnh ...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×