Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Em hãy nêu suy nghĩ của mình về cái khóc của bé Hồng

2 trả lời
Hỏi chi tiết
866
2
1
Đặng Quỳnh Trang
31/07/2017 08:30:52
“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng là tập hồi ký gây xúc động và ám ảnh cho nhiều thế hệ bạn đọc ngay từ khi ra đời (1940) đến nay. Trong tác phẩm nổi tiếng này, mỗi chương tác giả kể về một kỷ niệm sâu sắc hằn in trong ký ức mình, những kỷ niệm ít niềm vui mà nhiều cay đắng. Cùng với những cảnh ngộ, nỗi lòng, những trang văn viết về tuổi thơ của Nguyên Hồng còn ám ảnh chúng ta bởi những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ. Ám ảnh nhất với người viết từ chương đoạn “Trong lòng mẹ” chính là những chi tiết nhà văn miêu tả nụ cười và nước mắt.

“Trong lòng mẹ” trích trọn vẹn chương IV của hồi ký “Những ngày thơ ấu” (nhan đề do chính nhà văn Nguyên Hồng đặt, sách giáo khoa chỉ lược bỏ một tiểu tiết), kể lại hai sự việc chính: cuộc nói chuyện giữa bé Hồng với bà cô và cuộc gặp giữa bé Hồng với người mẹ bất hạnh. Hai sự việc diễn ra trong hai thời điểm cách xa nhau nhưng liên quan đến nhau, liên quan đến mẹ: “Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về”, “cô tôi gọi tôi đến bên…” và “Nhưng đến ngày giỗ thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về”. Cái nguyên cớ sắp đặt hai sự việc ấy trong một chương chính là sự kiện “giỗ đầu thầy tôi”. Nhưng cái sự kiện ấy không có nhiều điều để nhớ để kể, những chuyện xung quanh nó – được viết ở chương này – mới là những điều chẳng thể quên. Những điều ấy nói lên cái tình thế đáng thương của nhân vật Hồng: bố mới chết, mẹ phải đi tha hương cầu thực, Hồng phải sống nhờ vả bên nội trong sự ghẻ lạnh của họ; sống trong nỗi cô độc và mong ngóng mẹ từng phút từng giờ. Chính đó là cảnh ngộ dễ làm nảy sinh “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” (Thạch Lam), dễ nảy sinh những khóc cười…

Quả vậy, nhân vật chính của đoạn trích ngay từ đầu đã suýt bật khóc khi được hỏi “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?”. Suýt bật khóc bởi nhắc đến mẹ, ngay lập tức nỗi niềm tủi nhớ thường trực bật lên “Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt”. Nên, trước câu hỏi ấy, Hồng đã “toan trả lời có”. Nhưng rồi Hồng không nói, cũng không khóc, chính xác là chưa khóc. Hồng kìm nén những giọt nước mắt thường ngày luôn chực trào ra khi cậu nhớ mẹ. Vốn là đứa trẻ rất nhạy cảm nhưng sớm đối mặt với cuộc sống cô độc, bản năng tự vệ đã khiến Hồng trở nên cứng cỏi, có được sự lạnh lùng cần thiết, biết dấu kín những suy nghĩ thật, những ước muốn trong sâu thẳm trái tim mình. Những tháng ngày xa mẹ, đứa trẻ non nớt ấy đã nếm đủ mùi vị ăn nhờ ở đậu, mùi vị của sự ghẻ lạnh xúc xiểm, nếm đủ bao mánh khóe mà “người ta bắn tin”/ đặt điều về mẹ. Đứa trẻ ấy đã đủ “trải nghiệm” để có thể có những ứng xử rất “biết điều”, phù hợp hoàn cảnh. Trước thái độ và sự quan tâm bất thường của người cô “gọi tôi đến bên, cười hỏi”, Hồng đã “nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch” ấy, nên “cúi đầu không đáp”. Không những thể hiện sự nhạy cảm khi biết kìm nén cảm xúc, không bật thốt ra mong muốn thực, Hồng còn có phản ứng thông minh khi biết nói lên những lời trái với suy nghĩ của mình qua thái độ rất chân thành với mục đích bảo vệ “tình thương yêu và lòng kính mến mẹ” trong lòng mình trước “những rắp tâm tanh bẩn” từ bên ngoài: “Tôi cũng cười đáp lại cô tôi: - Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”. Sự nhanh trí thể hiện ở chỗ khi người cô “cười hỏi”, Hồng “cũng cười” đáp lại, rất lễ phép và phải phép! Nụ cười của bé Hồng, từ lúc này, đã không còn là nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ hồn nhiên nữa. Và, càng về sau càng không thể hồn nhiên (đặc biệt là cái “cười dài trong tiếng khóc”).

Không còn hồn nhiên bởi, như đã thấy, Hồng đang đối diện với cái “cười hỏi” của bà cô. Nghe nội dung câu hỏi ngỡ là quan tâm chân thành, nhìn cái điệu bộ “cười hỏi” thì thấy rõ đó là sự quan tâm giả tạo. Biết cháu yêu thương và mong ngóng mẹ, biết hạnh phúc của cháu là được vui chơi bên mẹ, một bà cô biết thương cháu không bao giờ hỏi những câu như thế! Cô hỏi, cùng với cái cười “rất kịch”. Đây không phải lần đầu người cô lộ ra tâm địa ấy, đứa cháu nhạy cảm đã từng nghe và nhận biết bao nhiêu lời rủa sả đến mức “biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi ”. Dù đứa cháu biết điều đã trả lời rất khôn khéo, người cô vẫn không tha cho nó mà cô “hỏi luôn, giọng vẫn ngọt” đầy mỉa mai, rồi đưa hai con mắt long lanh nhìn chằm chặp vào đứa cháu tội nghiệp, không cho phép nó lảng tránh. Thấy cháu cúi đầu lặng im, cố kìm nén nỗi đau đang tức tưởi dâng lên trong lòng, bà cô “liền vỗ vai cười mà nói”, giọng không đổi, hơn thế, hai tiếng “em bé” còn được cô cố ngân dài ra “Mày dại quá cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ!”. Dù nhìn thấy đứa cháu “Nước mắt… đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”, người cô vẫn chẳng chút động lòng. Trái lại, thái độ điềm nhiên của cô như tỏ rõ sự đắc ý. Rồi khi cháu đau đớn “cười dài trong tiếng khóc” hỏi “Sao cô biết mợ con có con?”, người cô máu mủ ấy “vẫn cứ tươi cười kể các chuyện…” cho cháu nghe, tiếp tục thực hiện “những rắp tâm tanh bẩn” của mình. Tình cảnh rách rưới, gầy guộc, túng quẫn,… của mẹ bé Hồng được cô dẫn lại từ lời người khác và nhấn mạnh một cách thích thú. Bà cô thích thú vì, nhìn thấy đứa cháu khóc tức tưởi như thế, bà cô tưởng mình đã đạt mục đích khiến đứa cháu khinh ghét mẹ nó (nên sau đó mới “đổi giọng”, “tỏ sự ngậm ngùi thương xót…”!). Trong khi đứa cháu đắm chìm trong nước mắt thì bà cô hết “cười hỏi” lại “cười mà nói”, “hai con mắt long lanh” lại “vẫn cứ tươi cười kể các chuyện”… Chẳng ai có thể cười trong nỗi đau của người khác như thế, nếu không mang tâm địa xấu xa, thâm độc, nham hiểm. Cái cười ấy dường như không mang chút sắc thái cảm xúc nào thuộc về thế giới con người nữa! Phải chăng đó là “con quỷ” như lời của bố bé Hồng nói lúc cảnh nhà sa sút, ở chương II ?

Chỉ qua miêu tả nụ cười của các nhân vật, Nguyên Hồng đã dựng lên hai thế giới tương phản. Một bên, là cái cười với “rắp tâm tanh bẩn” và đắc ý của bà cô. Một bên, là cái cười lảng tránh để tự vệ và “cười dài trong tiếng khóc” đớn đau, uất ức của bé Hồng. Một cái cười của lòng ích kỷ, nhân tính cằn khô. Một cái cười xuất phát từ tình thương yêu, kính mến vô bờ. 

Nụ cười từ tình yêu vô bờ ấy còn một biến thể của nó: là nước mắt. Nụ cười của nhân tính cằn khô không có biến thể/ dạng thức tồn tại ấy. Dễ nhận thấy, nhân vật bà cô trong đoạn trích không hề rơi nước mắt, không thấy bà cô ấy mảy may xúc động dù trước đứa cháu đang khóc đầm đìa hay khi “tỏ sự ngậm ngùi thương xót” người anh mới mất. Có lẽ bởi không có nước mắt nên người cô của bé Hồng đã nhìn chị dâu bằng cái nhìn tàn nhẫn, với những định kiến, cổ tục hẹp hòi. Kì thực, khi “đổi giọng” rồi “tỏ sự ngậm ngùi thương xót”, bà cô cũng còn tranh thủ mượn sự cảm thông linh hồn anh trai để tiếp tục châm chọc, chì chiết. Trước sau, người cô không một chút cảm thông cho tình cảnh của chị dâu trẻ tuổi từng vùi chôn tuổi thanh xuân bên người chồng nghiện ngập. Ở chương VI, tác giả lật lại những trang nhật ký cay đắng: “Ngày 12-11-1931. Phải nhớ cái tát và câu rủa sả này cho đến chết. Hồng ơi! Bố mày có chết đi, nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao…”. Khi nhìn đời và nhìn người bằng đôi mắt lạnh lùng, vô cảm, nhẫn tâm thì chỉ thấy toàn những xấu xa, hư hỏng mà thôi. Thật đúng như lời Francois Coppée: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ ; và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ.”! 

Có thể mượn ý Francois Coppée để nói về những giọt nước mắt của các nhân vật trong đoạn trích. Nước mắt ở đây vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng. Nước mắt với tư cách “một miếng kính biến hình của vũ trụ” là hình ảnh của cách nhìn đời nhìn người bằng tình yêu thương và lòng nhân ái, bằng sự cảm thông và lòng bao dung. Nhìn qua “miếng kính biến hình” ấy, mới thấy hết giá trị đích thực của con người và cuộc đời. Cái nhìn của bé Hồng, từ đầu đoạn trích, luôn bị“người ta” cố tình cung cấp thông tin gây nhiễu. Nhưng bé Hồng vẫn nhìn sự việc bằng cái nhìn khách quan, của “tình thương yêu và lòng kính mến” mẹ. Dù“người ta” tìm nhiều cách làm méo mó hình ảnh mẹ trong cậu, thì với tất cả những gì được chứng kiến từ nhỏ Hồng đủ hiểu thấu bản chất sự việc: mẹ cậu không “xấu”, không việc gì phải “bán xới” như lời cô nói; mẹ cậu chỉ là “một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực”. 

Khi nhắc đến mẹ, nỗi nhớ trào dâng, nhưng những giọt nước mắt sớm được Hồng nén kìm. Khi bà cô nham hiểm dồn đuổi, lòng cậu thắt lại “khóe mắt… cay cay” rồi nước mắt không kìm nén được nữa “ròng ròng… chan hòa đầm đìa…”, cậu đau đớn đến mức “cổ họng… nghẹn ứ khóc không ra tiếng”. Lúc này, nước mắt đã khô khốc, quặn lòng lại rồi. Những giọt nước mắt tuôn trào rồi nghẹn ứ lại cùng lúc người cô đang không ngừng tuôn ra những lời lẽ xúc xiểm đầy ác ý. Vì thế, nhìn vẻ tức tưởi của Hồng, bà cô lầm tưởng mục đích gièm pha của mình đã đạt được. Nhưng không đơn giản vậy. Những điều bà cô nói đã “xoắn chặt lấy tâm can” của Hồng nhưng không đời nào trở thành sự “khinh miệt và ruồng rẫy” dù mẹ có “chưa đoạn tang thầy… mà đã chửa đẻ với người khác”. Đây mới là ý nghĩ sâu xa của cậu bé nhạy cảm mà sâu sắc ấy: “Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm…”. Nỗi đớn đau, uất hận đã đến cực điểm “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.”. Cho nên, có thể thấy, trong cuộc đối thoại với bà cô, từ sâu thẳm trái tim, những giọt nước mắt bé Hồng là nước mắt của lòng thương và nỗi hận, càng thương lại càng hận, thương mẹ bao nhiêu lại hận những cổ tục đày đọa mẹ bấy nhiêu!

Cậu bé Hồng thường buồn tủi khi “nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương ủ ấp từng phen làm tôi rớt nước mắt”. Gặp lại mẹ, cảnh thiếu thốn ấy được khỏa lấp, và những điều gièm pha về mẹ đều không đúng sự thật. Mẹ vẫn về đúng dịp giỗ bố, một mình, về qua trường bằng xe kéo, đem nhiều quà bánh, tươi sáng như thuở còn sung túc… không như những gì “người ta” tô vẽ, bịa đặt. Ngòi bút Nguyên Hồng tái hiện sinh động đến từng cảm giác của cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động ấy. Sau phút bối rối khi thoáng thấy người giống mẹ, vượt qua nỗi thẹn và nỗi tủi cực đến mức tuyệt vọng nếu nhầm lẫn, Hồng đuổi theo đến ríu cả chân, mẹ con vui sướng nhận ra nhau. Nhưng lên xe, Hồng lại “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở” khiến mẹ “cũng sụt sùi theo”. Những giọt nước mắt khi gặp mẹ cứ òa vỡ trào tuôn không phải kìm nén trông chừng, không nghẹn ngào uất ức. Nước mắt ấy được hòa cùng với đôi mắt mẹ sũng nước sụt sùi. Nước mắt ấy được thoải mái bật ra thành tiếng nấc, nức nở trong tiếng dỗ dành ấm dịu thân quen “Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.” rồi được mẹ “lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho”… Những giọt nước mắt đưa cậu bé vào thế giới của tình mẹ, được tận hưởng niềm hạnh phúc “êm dịu vô cùng”, “những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt…”. Đó không còn là nước mắt cay đắng, tủi cực, đớn đau mà là nước mắt bật tuôn từ niềm hạnh phúc, hân hoan, rạo rực trong tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt!

Nếu như ở nụ cười của các nhân vật ta thấy hai thế giới đối lập thì ở những giọt nước mắt ta thấy một tương quan khác – nhà văn đưa ta lắng lại ở điểm tương đồng. Trong mỗi sự việc có những giọt nước mắt khác nhau. Trước bà cô là những giọt nước mắt tức tưởi, đớn đau cùng cực. Trong cuộc gặp cảm động với mẹ là những giọt nước mắt của sướng vui, ấm áp. Tuy nhiên, cần biết rằng nước mắt ấy đều khởi nguồn từ sâu thẳm: tình yêu thương, tình mẫu tử. Ở sự việc thứ nhất, nước mắt uất nghẹn trào ra bởi có mẹ - ở - trong - lòng, trọn vẹn, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ở sự việc thứ hai, bởi đã được ở - trong - lòng - mẹ, khao khát thành hiện thực, tiếng khóc nức nở vỡ òa. Chương IV được nhà văn đặt tên “Trong lòng mẹ” có phải ông muốn bất tử hóa cái khoảnh khắc quý giá được ở trong lòng mẹ mà bé Hồng hằng khát khao cháy bỏng này chăng, bởi luôn có mẹ ở trong lòng?!

Nụ cười và nước mắt là hai hình ảnh quen thuộc biểu lộ cảm xúc của con người. Hiểu theo chiều thuận, nếu không có gì bất thường, thì cười và khóc chính là hình ảnh của niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và bất hạnh, sung sướng và đớn đau, hân hoan và tủi nhục,… Nhưng trong đoạn trích này Nguyên Hồng không miêu tả giản đơn một chiều theo kiểu vui thì cười, buồn thì khóc. Những chi tiết khóc và cười đầy uẩn khúc đã góp phần khắc họa sinh động chân dung/ bản chất từng nhân vật. Ngòi bút tinh tế của Nguyên Hồng lách sâu vào nội tâm, để những khóc cười của nhân vật làm hiện lên trong đoạn trích một bức tranh cuộc sống chân thực và cảm động: đầy cay đắng, tủi cực nhưng cũng ngập tràn khao khát yêu thương, luôn hướng về tình người bao dung ấm áp. Sức hấp dẫn của đoạn trích “Trong lòng mẹ” cũng như của văn chương Nguyên Hồng được bắt rễ từ chính “những tình cảm thống thiết” mà ông “ép ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm” như thế!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
1
Ngoc Hai
31/07/2017 08:32:25
Gặp mẹ,cậu bé sung sướng đến tột cùng,dòng nước mắt vỡ òa, đó là dòng nước mắt nhân lên niềm vui nở bừng ánh sáng hạnh phúc trong giây phút hội ngộ của tình mẫu tử thiêng liêng.Hồi hộp,lo lắng,cậu bé "chạy ríu cả chân lại,trán đẫm mồ hôi,thở hồng hộc".Khi được ngồi bên mek,được ôm ấptrong lòng, cậu tận mắt trông thấy "gương mặt mẹ tươi sáng....chứ không còm cõi ,xơ xác như lời cô nói".Lúc này với cậu ,mẹ là cô Tấm dịu hiền,xinh đẹp.Bằng chính rung động của mình,nhân vật tôi hay chính là nhà văn đã vẽ lên bức tranh lãng mạn về tình mẫu tử muôn đờitranf ngập ánh sáng,thoang thoảng hương thơm,sắc màu tươi tắn được họa nên bởi muôn ngàn màu hồng tía tỏa ra từ tình mẹ gửi tặng con,tình con dành cho mẹ "những cảm giác bao lâu nay mất đi bỗng choccs lại mơn man khắp da thịt".Được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ,bao nhiêu cay đắng tủi cực dường như tan biến hết,còn lại nơi đây chỉ là tình mẫu tử thiêng liêng dù trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ mất.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư