Có thể nói, điều kiện về tự nhiên, xã hội; các chủ trương, cơ chế, chính sách khá đầy đủ, rộng mở cho phép Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển “du lịch thông minh”. Tuy nhiên, một số vấn đề mới đặt ra cho ngành Du lịch của địa phương hiện nay, đòi hỏi chính quyền và ngành VHTTDL cần quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những bất cập đang hiện hữu.
Tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại; ngành Du lịch cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật hệ thống khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch; loại hình du lịch, các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch và các yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn đối với du khách. Từ đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm; tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định bắt buộc; đặc biệt, đối với loại hình du lịch thể thao mạo hiểm (DLTTMH) nghiêm túc kiểm tra, thanh tra, xử lý triệt để đối với những loại hình, trò chơi thiếu an toàn; các đơn vị kinh doanh lữ hành không đảm bảo; chấm dứt tuyệt đối các trường hợp rủi ro xảy ra đối với tính mạng của du khách (như thời gian vừa qua)…
Ngành VHTTDL cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan có biện pháp mạnh giải quyết dứt điểm tình trạng “cò” dưới mọi hình thức trong hoạt động du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Không để những hình ảnh xấu xí, tiêu cực này “tái hiện”, dây dưa gây bức xúc dư luận, làm mất đi hình ảnh du lịch Đà Lạt…
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch địa phương. Phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên (HDV) trong các công ty, đơn vị doanh nghiệp bởi du lịch thời 4.0 sẽ không chấp nhận kiểu kinh doanh manh mún, thiếu chuyên nghiệp, không bền vững.