Mỗi lứa tuổi, người ta yêu mùa thu theo những cách khác nhau. Người nước ngoài thường được khuyên hãy đến Hà Nội vào mùa thu, rất đơn giản vì mùa thu là mùa đẹp nhất ở miền Bắc. Thi nhân yêu mùa thu vì mùa thu là mùa của thi ca.
Mùa thu gợi cảm hứng cho bao nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm thi ca nhạc hoạ. Người lớn yêu mùa thu theo cách của người lớn và trẻ con lại yêu mùa thu bằng đôi mắt trong sáng, ngây thơ của mình… Nhan đề bài thơ Mùa thu của em đã nói với chúng ta điều đó.
Bài thơ được viết theo thể thơ 4 chữ, ngôn từ trong sáng, dung dị, biểu cảm; nhạc điệu dịu êm, nhẹ nhàng, tha thiết. Điệp khúc “Mùa thu của em” được lặp lại ở 3 khổ thơ đầu như để khẳng định, xác nhận: đó là mùa thu của trẻ thơ, mùa thu của những em nhỏ biết yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống tươi vui, náo nức.
Hai khổ thơ đầu tác giả miêu tả vẻ đẹp thanh cao, hương sắc đẹp đẽ và tinh khiết của mùa thu. Có điều vẻ đẹp rất riêng của mùa thu xứ sở lại được cảm nhận qua con mắt của trẻ thơ, qua cách nói hồn nhiên, nhí nhảnh của trẻ thơ:
Mùa thu của em
Là vàng hoa cúc…
Mùa thu của em
Là xanh cốm mới…
Cấu trúc câu “A là B” như một định nghĩa về đối tượng miêu tả. Bằng lối nói quen thuộc này, Mùa thu của em được cụ thể hoá bằng những hình ảnh chân thực, sống động, tiêu biểu. Mùa thu dần hiện ra lung linh sắc màu tươi tắn: màu vàng của hoa cúc, màu xanh non của cốm mới; thoảng hương cốm quyện trong mùi hương thanh nhã và tinh khiết của lá sen già.
Khổ thơ đầu, tác giả đặc tả sắc vàng của mùa thu qua hình ảnh so sánh bông cúc vàng “Như nghìn con mắt – Mở nhìn trời êm”. Những bông cúc vàng với những cánh hoa nhỏ và dài xếp chồng lên nhau, ken dày, êm mượt đều đặn được ví với nhũng con mắt trong sáng, ngây thơ đang ngắm nhìn tấm thảm nhung xanh ngắt của bầu trời thu. Hai sự vật quen thuộc được đặt bên cạnh nhau, đi sóng đôi với nhau, làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng của từng sự vật.
Khổ thơ thứ hai, tác giả dành để tả sắc xanh của mùa thu, nhưng không phải là xanh trời, xanh cây lá mà là màu xanh của cốm, của lúa non. Màu xanh, mùi hương cốm được gợi ra từ sắc màu và hương thơm của lá sen.
Nếu hai khổ thơ đầu khiến ta hình dung ra cảnh tượng một em bé đang mở to mắt nhìn lên trời, em bé khám phá ra nhiều điều kì diệu của mùa thu thì hai khổ thơ sau lại khiến ta náo nức, hân hoan chờ đón đêm hội trăng rằm và tiếng trống trường rộn rã mở đầu cho năm học mới. Với trẻ thơ, mùa thu là mùa bắt đầu cho những niềm vui, những cuộc hội ngộ, sum vầy với bạn bè, trường lớp, thầy cô. Biết bao điều để kể, để nói, biết bao mong đợi, tin yêu. Em sẽ đến trường, sẽ lật những trang vở đầu tiên để năm học mới chính thức bắt đầu.
Ba khổ thơ trên đều được bắt đầu bằng điệp khúc “mùa thu của em”. Bằng những câu thơ mang giai điệu thiết tha, nhà thơ vẽ ra toàn cảnh mùa thu trong mắt trẻ thơ. Đến khổ thơ cuối có sự thay đổi, nhân vật chính không còn chỉ thưởng thức hương sắc mùa thu nữa mà thật phấn khởi, tự tin bước vào mùa thu.
Nếu như ở những khổ thơ trên, nhà thơ Quang Huy chỉ tả thì đến cuối bài thơ nhà thơ đã nói hộ em bé những cảm xúc, tâm trạng qua các từ “thân quen”, “mong đợi”. Nhà thơ không chỉ khẳng định đó là mùa thu của em nữa, mà “em” đã bước hẳn vào mùa thu, đã học những bài học đầu tiên trong ngôi trường thân yêu của mình.
Mùa thu của em không chỉ là màu sắc, hương vị; không chỉ là vui chơi đêm rằm Trung thu, ngắm chị Hằng xinh đẹp; mùa thu của em còn hiện lên thật sống động và thiêng liêng trong tình thầy trò, tình bè bạn dưới mái trường. Mùa thu đã mang đến cho em niềm vui học tập của những ngày đầu tiên đến trường.
Mùa thu của em là một thi phẩm nổi tiếng được nhiều bạn đọc biết đến nhất là lứa tuổi thiếu nhi của nhà thơ Quang Huy. Bài thơ mở ra một thế giới mới đầy vui tươi và mới lạ với biết bao nhiêu điều tươi đẹp ở phía trước.