Viết về mùa thu, Lưu Trọng Lư không đi theo cái quen thuộc, ông lựa chọn cho mình một cách cảm nhận mới lạ. Bài thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn với hình thức độc đáo, mỗi khổ thơ chỉ viết hoa chữ cái đầu của câu thơ đầu, kết thúc khổ thơ là dấu chấm hỏi. Từ đó, tôi hình dung mỗi khổ thơ giống như một câu hỏi vậy. Câu hỏi mở đầu là lời tự hỏi, cũng là lời trách móc đầy tình cảm của nhân vật trữ tình đối với người mình yêu. Mùa thu được coi là mùa của đôi lứa, nhưng có lẽ ở đây nhân vật trữ tình và “em” lại không ở bên nhau, mỗi người ở một nơi. Điều đó tạo ra khoảng cách trong tâm hồn, vì vậy mà chàng trai băn khoăn, trăn trở trách móc “Em không nghe mùa thu” hay hiểu rằng là không “nghe” được, cũng tức là không cảm nhận được tấm chân tình. Vì “em” không nghe “mùa thu” nên em cũng không thể cảm nhận được vẻ đẹp của “trăng mờ”. Nhà thơ đã điệp lại cấu trúc “Em không nghe” như diễn tả cái dạt dào trong cảm xúc. Đến khổ thơ thứ hai, tác giả gợi tả cảm giác “rạo rực” trong tình yêu qua cặp hình tượng “kẻ chinh phu” và “người cô phụ”. Người chinh phu ở nơi chiến trường xa xôi chiến đấu, còn người chinh phụ thì mong ngóng, trông chờ tin tức từng ngày. Tới khổ ba, điệp khúc “em không nghe” được lặp lại lần thứ ba, gợi liên tưởng đến dòng tâm tư như dòng thác. “Em không nghe rừng thu” gợi mở ở đây chính là không gian rừng thu, nơi chứa đựng, sinh sôi của vạn vật hay ẩn dụ cho thế giới tâm hồn của chàng trai. Hình ảnh con nai xuất hiện bỗng khiến bức tranh thu trở nên sinh động hơn. Con nai gợi ra vẻ trong sáng, ngây thơ cũng như tình yêu vậy. Dù có bao trở ngại, có những cách ngăn thì tình yêu vẫn mãnh liệt, tràn đầy. Bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư gợi ra dòng cảm xúc đầy ấn tượng cho tôi không chỉ về thiên nhiên mà còn về tình cảm lứa đôi.