Đời người có rất nhiều quy luật. Một trong số những quy luật bất biến thường làm tôi hoảng hốt đó chính là “Lá rụng về cội”.
“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông”
Một buổi sáng tháng 12 mướt mưa, chợt nghe lại cô Bống Hồng Nhung ca Em ơi, Hà Nội phố mà lòng xúc động bồi hồi. Nghe sao mà buồn thay cho cái kiếp “Cây bàng mồ côi mùa đông”. Cây bàng mùa đông côi cút vì lớp lá đỏ úa màu đã buông mình theo gió rụng xuống đường theo lẽ tự nhiên. Nhường chỗ cho những chồi xanh khác nở rộ vào mùa xuân sắp tới.
Cây bàng lá đỏ mùa đông
Vào mùa thu, lá cây bàng sẽ đổi màu chuyển đỏ, nhưng thường không rõ rệt lắm. Chỉ đến những ngày cuối đông, đầu xuân, lá bàng mới gọi nhau hóa thành những “thảm” lá đỏ ửng, trở mình rụng tàn canh. Đặc biệt là ở nơi nào có nền nhiệt độ càng thấp, số ngày lạnh càng nhiều trong thời kỳ lá chuyển mình. Thì lá bàng lại càng có màu đỏ thắm và “chín” đồng loạt hơn.
Lá bàng thay màu
Nhìn cây bàng quạnh quẽ buổi đầu đông trơ trọi trong tiết trời của những ngày cuối năm, bất giác chợt thấy thời gian thật có sức mạnh ghê gớm. Khi nó cuộn mình đến đâu, vạn vật đều nhuốm màu năm tháng đến đấy.
Sự tàn phai của năm tháng trên lá cây bàng
Tôi còn nhớ những năm học cấp 2, trước cửa lớp cũng có một cây bàng. Phàm chúng tôi chẳng thể ưa nổi cái giống cây quanh năm suốt tháng cứ rụng lá tơi tả. Chỉ bọn học sinh là khổ sở, vì sáng nào cũng phải quét cho sạch đám lá trước sân.Nhưng sau này đã xa rồi, lại nhớ bàng da diết, khôn nguôi.
Lá bàng sắp lìa cành
Cây bàng sân trường hồi đó chứng kiến cả thời niên thiếu đầy non nớt của đám học trò chúng tôi. Là những ngày hè nóng bức, có bàng tỏa bóng mát che thân. Cả đám tranh nhau lấy những chiếc lá bàng to nhất để làm quạt, rồi phẩy cho nhau như một đám dở hơi, dở người.
Một nhánh bàng trước khung cửa lớp
Rồi mùa đông những ngày cuối cấp cũng đến, và đó cũng là mùa thi. Chúng tôi lại vội vã bỏ quên mất cây bàng xinh đẹp của mùa hè. Chỉ đến khi chợt quay đầu nhìn lại, chỉ còn đám lá nửa vàng nửa đỏ xơ xác trong vũng nước đọng những đợt mưa cuối mùa. Bàng lại “mồ côi” lại trơ trọi không bạn bè tiễn đưa sự ra đi vàng vọt của chút lá đã đến hồi phải rụng theo quy luật. Đợt lá vàng năm đó đã ra đi, mà không hề có sự tiễn đưa của lũ học trò chúng tôi. Lỗi vì cuộc sống quá vội vã, hay lỗi ở sự rơi rụng theo mùa của loại cây cây này?
Ngày đó, tôi tự bảo mình, chắc vì cô đơn, nên bàng đã vật vã đổi màu, để rồi rụng cho hết kiếp nhân sinh. Nhưng khi đã lớn, đã thấm thía hơn những quy luật cuộc đời, tôi lại tự nhủ, cứ để cây bàng sống tự do đời của nó. Hãy để thiên nhiên sinh ra và chết đi như đúng cách tạo hóa đã trao cho vạn vật. Vì ta không thể lầm chủ được mọi thứ, nên chỉ biết tận hưởng cảnh đẹp đến khi không thể nữa mà thôi.