– Yêu cầu
- Đúng thể loại tự sự.
- Đủ ý, hành văn mạch lạc, rõ ràng
- Có kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật, có ý thức miêu tả
B – Dàn ý
I – Mở bài (1 điểm)
- Giới thiệu về ngày đi học đầu tiên đáng ghi nhớ.
- Cảm xúc , ấn tượng chung
II – Thân bài (8 điểm)
1 - Chuẩn bị tới trường (2 điểm)
- Cảnh sắc thiên nhiên, tâm trạng (miêu tả cảnh và miêu tả nội tâm)
- Chuẩn bị đến trường : Bút thước , sách vở , các đồ dùng khác
- Trên đường đi tới trường : Cảnh vật , tâm trạng , bạn bè
2 - Tới trường (3 điểm)
- Cảnh ngôi trường : Cổng trường, sân trường, không khí náo nức, đông vui
- Lớp học: Phòng học mới, cô giáo, bạn bè, đồ dùng trong lớp.
- Tâm trạng, cảm xúc trước những điều mới lạ.
3 - Sự việc gây ấn tượng (3 điểm)
- Cô giáo , một vài bạn trong lớp
- Sự việc hoặc người bạn cùng bàn đáng ghi nhớ.
- Bài học đầu tiên
III – Kết bài (1 điểm)
- Ý nghĩa của trường lớp đối với tuổi thơ.
- Ấn tượng , cảm xúc sâu sắc của bản thân , lời tự hứa
Thời học sinh là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người . Chính vì vậy, những kỉ niệm gắn bó với tuổi thần tiên ấy cũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm chúng ta. Và với tôi, mà không, với rất nhiều người nữa, ngày khai trường đầu tiên sẽ là hồi ức tươi đẹp nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Ngày khai trường đầu tiên của các bạn như thế nào?
Còn với tôi, đó là một buổi sáng mùa thu trời trong xanh. Mẹ gọi tôi dậy từ sáng sớm, rồi lại tất bật chuẩn bị cho tôi; nào quần áo đồng phục, sách vở, rồi nấu ăn sáng cho cả nhà. Nhìn mẹ bận rộn như vậy, tôi thầm tự nhủ mình phải vệ sinh thật nhanh chóng để mẹ không phải nhắc nhở. Ấy vậy mà cứ một lúc mẹ lại giục tôi “Quỳnh ơi! Nhanh lên nào không lại muộn giờ mất!”. Lúc ấy, tôi nghĩ thầm, chắc khai trường sẽ có rất nhiều chú công an, nếu mình đi muộn, mẹ sợ mình sẽ bị các chú ấy bắt nên phải thúc tôi như vậy. Thế nên tôi quáng quàng cả lên, ăn vội mấy miếng cơm rang và lúc này, người giục mẹ tôi chở đi khai giảng sớm lại chính là tôi. Mẹ cười đôn hậu và dịu dàng nói: “Cứ ăn từ từ thôi con ạ, còn sớm mà, ăn cho no đã”. Rồi tới lượt bố tôi chậm rãi nói “Hôm nay con đã là học sinh lớp một rồi, phải ngoan và biết nghe lời mọi người hơn nữa, không còn nhõng nhẽo, làm nũng bố mẹ như các em bé nữa nghe chưa! Trong lớp con phải cố gắng nghe cô giáo giảng bài, cố gắng tập đọc, tập viết, dành được nhiều điểm 10, con có hứa với bố không?” Tôi lí nhí đáp: “Dạ, có ạ!” Tôi chào bố và ra sân lên xe, mẹ chở tới trường. Con đường hôm nay thật đông đúc và nhôn nhịp, tôi nghe mẹ bảo, hôm nay, các bạn, các anh, các chị cũng đi khai giảng như tôi. Tôi thích thú và tò mò về ngôi trường mới, không còn sợ chú công an như lúc ở nhà nữa. Tới rồi! Ngôi trường mới của tôi. Ôi! Đẹp quá! Tôi thốt lên trong niềm sung sướng. Ngôi trường rộng rãi và khang trang, trong sân trường có cả một hồ nước trong vắt và vườn cây với đủ các loài hoa. Đến chỗ nào tôi cũng chỉ cho mẹ những phát hiện mới của mình.
Tới sân trường, tôi được mẹ dẫn vào hàng của lớp 1A2. Chúng tôi, những cô bé, cậu bé học trò lớp 1 bước vào lễ chào cờ đầu tiên. Tôi thắc mắc không hiểu sao trên cổ của các anh chị lớp lớn, ai cũng đều đeo chiếc khăn màu đỏ. Về sau tôi được mẹ giải thích, nếu tôi cố gắng học tập và đạt kết quả cao sẽ được kết nạp làm đội viên đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và cũng sẽ được đeo khăn quàng đỏ như các anh chị ấy. Sau khi kết thúc nghi lễ chào cờ, cô hiệu trưởng lên nhắc nhở và căn dặn học sinh nhiệm vụ năm học mới. Khi cô đánh những tiếng trống đầu tiên, cũng là lúc từng chùm bóng bay sặc sỡ được thả lên trời. Buổi lễ kết thúc và chúng tôi trở về lớp. Bất chợt, tôi nhận ra mẹ, mẹ đâu rồi! Tôi hoảng hốt đảo mắt khắp sân trường, vẫn không thấy mẹ đâu. Tôi òa lên khóc nức nở. Bỗng tôi nhận thấy có một bàn tay đặt lên vai mình, sau đó là giọng nói nhẹ nhàng “Em ở lớp nào? Sao đứng ở đây khóc mà không vào lớp đi?” Tôi ngước mắt lên, một chị lớn tuổi hơn tôi, dáng cao gầy, tóc thắt hai bên. Tôi vừa nói, giọng nói nghẹn ngào trong tiếng khóc: “Em…em học lớp 1A2. Em chẳng thấy mẹ ở đâu cả hu …hu…”. Chị phì cười rồi nói: “Em bé ngốc, chắc mẹ em về rồi, em vào lớp đi, khi nào học xong thì mẹ sẽ tới đón”. Tôi ngây thơ hỏi chị : “Chị ơi, thế lúc nào học xong hả chị? Em nghe chị hàng xóm bảo phải học 12 năm cơ, thế lúc nào em lớn em mới được gặp mẹ à chị? À chị ơi, em không biết lớp 1A2 ”. “Không phải đâu em à, em học từ bây giờ đến buổi trưa, mẹ sẽ đến đón”, vừa nói chị vừa dẫn tôi tới một phòng học. “Đây là lớp 1A2, em cố gắng học tập tốt nhé! Thôi chào em. Chị cũng phải về lớp đây!”. Nói rồi chị chạy đi, thoắt cái đã không còn thấy chị đâu nữa. Mãi về sau này tôi mới phát hiện , mình chưa hỏi tên chị, nhưng cái hình ảnh cao gầy và mái tóc thắt bím hai bên của chị đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong tôi.
Tôi bước vào lớp, một cảm giác thật khó tả: lạ lẫm, bỡ ngỡ và đôi chút lo sợ. Cô giáo sắp xếp chỗ ngồi cho chúng tôi thật nhanh chóng. Chỉ đến khi đã yên vị trong chỗ ngồi mới, tôi mới có dịp quan sát lớp học , cô giáo và những người bạn mới. Cảm giác xa lạ biến đi đâu mất, cô giáo nhắc chúng tôi lấy sách vở viết bài tập viết đầu tiên. Không gian trở nên vắng lặng. Sân trường vừa đông đúc, nhộn nhịp là thế, giờ đã không còn một bóng người. Giờ đây, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng lích chích của vài chú chim non và tiếng đọc bài của cô giáo…
“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay tới trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương…Ngày đầu như thế đó, cô giáo như mẹ hiền,…”. Ngày đầu tiên ấy đã trôi qua, nhưng những cảm xúc sẽ không bao giờ mờ phai, và với tôi, cái ngày đầu tiên ấy như chỉ mới là ngày hôm qua mà thôi , những vui , buồn, hạnh phúc, thích thú, bỡ ngỡ, lo sợ trong ngày đầu tới lớp là những dư âm tới tận mai sau.
tham khảo thêm trên mạng nhé.