Công nghiệp hoá, đô thị hoá
Quá trình này xuất hiện vào giữa thế kỉ XVIII khi máy hơi nước ra đời. Tiếp theo đó là sự ra đời hàng loạt máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Đến cuối thế kỉ XIX, máy phát điện, động cơ điện ra đời.
Việc ra đời hàng loạt máy móc dẫn tới nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu ngày càng nhiều. Việc này dẫn tới việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên càng được mở rộng. Không những vậy, việc sử dụng các máy móc sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải tương đối lớn. Điều này gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Ngoài ra còn gây hiện tượng ấm lên toàn cầu, gây hiệu ứng nhà kính…
Sự khai thác mỏ quặng còn làm phá huỷ cảnh quan tự nhiên, đất đai, rừng, động vật sống trong khu vực đó. Các nguyên, nhiên liệu này sử dụng quá nhiều không những gây ô nhiễm mà còn bị cạn kiệt.
Đi kèm với quá trình công nghiệp hoá là đô thị hoá nhanh chóng. Đô thị hoá đi kèm với việc phá rừng, san lấp đất để xây nhà cao tầng. Các khu đô thị không chỉ tập trung đông dân mà còn tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm, nguồn nước… rất cao. Đây cũng là nơi tập trung lượng chất thải công nghiệp, sinh hoạt hay tiếng ồn gây ô nhiễm nước, đất và không khí. Việc phá rừng, san lấp đất còn phá huỷ sự đa dạng sinh học, khiến nhiều loài bị tuyệt chủng.
Như vậy, trong và sau quá trình CNH – ĐTH, con người đã làm tài nguyên không tái tạo bị cạn kiệt, tài nguyên sinh học bị suy thoái, đa dạng sinh học bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm…
Nông nghiệp hoá
Phát triển song song với 2 quá trình trên có thể kể đến nông nghiệp hoá. Theo đó, nền nông nghiệp ngày càng được hiện đại hoá. Các sản phẩm nông nghiệp thì phong phú, đa dạng, năng suất tăng cao. Tuy nhiên môi trường tự nhiên cũng nhận được những tác động không nhỏ từ hoạt động nông nghiệp. Cụ thể, nếu bón phân không hợp lý sẽ khiến đất bị mất độ phì, giảm năng suất, đất bị suy thoái. Không những vậy, nó còn làm ô nhiễm nguồn nước ngầm sâu dưới lòng đất.
Thêm vào đó là việc sử dụng nhiều chất bảo vệ như thuốc diệt cỏ, thuốc sâu… Các chất này sẽ khiến môi trường bị ô nhiễm nếu không được xử lý kỹ trước khi thải ra môi trường. Không những vậy, còn khiến thiên địch bị suy giảm, sức khoẻ con người, động vật bị ảnh hưởng…
Việc đưa máy móc vào sản xuất còn có nguy cơ phá vỡ kết cấu đất. Lâu dài sẽ suy giảm chất lượng của đất.
Bùng nổ dân số
Việc bùng nổ dân số sẽ kéo theo nhu cầu của con người tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu thì con người lại tiếp tục khai thác tài nguyên. Sản xuất, đô thị hoá được mở rộng dẫn tới chất thải đổ ra môi trường ngày càng lớn. Điều này khiến tình trạng môi trường bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Không những vậy, khi dân số tăng thì nhu cầu đất trồng và gỗ càng tăng. Việc phá rừng để khai thác gỗ bừa bãi chỉ đem lại cái lợi trước mắt. Lâu dài, nó khiến đất bị xói mòn, không còn cây xanh để lọc không khí…
Những hành động của con người tác động tích cực đến môi trường
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến môi trường, con người cũng đã có những hành động “sửa sai”. Theo đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp hạn chế sự thay đổi môi trường. Con người đã biết tận dụng các năng lượng tự nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… để thay thế cho các dạng năng lượng cũ. Các năng lượng mới này rất thân thiện với môi trường, làm giảm khí thải và giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
Các diện tích rừng bị mất cũng đang được phục hồi. Mặc dù giá trị rừng mới không bằng rừng nguyên sinh nhưng cũng góp phần nào.
Có thể đánh giá cao việc con người đã tự nhận thức và có những hành động sửa sai. Tuy nhiên, những cố gắng sửa sai đó vẫn chưa đủ tính tới thời điểm hiện tại. Hy vọng, sự ô nhiễm sẽ ngày càng giảm trong tương lai không xa.