Thiên nhiên vốn không phải là chủ đề riêng của Nguyễn Du mà nó là chủ đề chung của thi sĩ muôn đời. Nhưng thiên nhiên đi vào "Truyện Kiều", đi vào tâm hồn đại thi hào Nguyễn Du lại có những nét rất riêng. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du chỉ tạo cơ hội cho thiên nhiên xuất hiện khi cần tạo nền cảnh cho một cuộc gặp gỡ, hẹn hò hoặc khi bộc lộ giúp những cảm nhận tâm trạng của các nhân vật về thời gian, không gian, cảnh ngộ,...
Trong tiết thanh minh trong sáng, khắp nơi nô nức đi tảo mộ, du xuân, thiên nhiên ùa vào lòng người với những nét màu thật sáng đẹp và dồi dào sức sống :
"Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"
Một mùa xuân với màu xanh rợn ngợp của cỏ non, với một vài bông lê điểm xuyết. Chỉ với đôi nét chấm phá, qua ngòi bút tài hoa của nhà nghệ sĩ, cả một bức tranh xuân bừng sáng hiện lên. Trong cái không gian bát ngát màu xanh của cỏ mùa xuân, điểm vào một vài bông hoa lê trắng muốt, tinh khiết, đưa lòng người trong cảnh bay bay nhè nhẹ, lâng lâng.
Cảnh như đang nâng nhẹ bước chân ba chị em Thuý Kiều :
"Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang"
Cảnh ở đây thật thơ mộng và thắm đượm tình người. Một dòng nước, một nhịp cầu nho nhỏ cũng đủ gợi lên những nét thanh thanh của phong cảnh.
Thiên nhiên càng trở nên hữu tình, thơ mộng khi Kiều chia tay với Kim Trọng :
"Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"
Nguyễn Du không cần giá vẽ nhưng đã dựng nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp và hài hoà. Dưới cầu là dòng nước êm đềm chảy, bên cầu là hình ảnh "tơ liễu bóng chiều thướt tha". Cảnh vật gắn bó nhau, tôn nhau lên, chiếc cầu nhỏ như làm đẹp cho dòng nước và dòng nước làm cho chiếc cầu càng trở nên xinh xắn, đáng yêu hơn. Ở đây, Nguyễn Du có nói đến hình ảnh "bóng chiều"nhưng bóng chiều không gợi nỗi buồn mà đẹp một cách lạ thường. Phải chăng lúc này là lúc Kim Trọng chia tay với Thuý Kiều, tâm hồn Kiều hồn nhiên trong sáng nên cảnh cũng mang những nét hồn nhiên trong sáng của Kiều. Cảnh thiên nhiên thấm đượm hồn người, tình người, mang nỗi niềm của con người. Thiên nhiên còn trở thành nhân vật thứ ba chứng kiến buổi thề non hẹn biển giữa Kiều với chàng Kim :
"Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song"
"Vầng trăng vằng vặc giữa trời" kia như là một nhân chứng cho mối tình trong sáng, đẹp tươi của đôi trai tài, gái sắc. Trong "Truyện Kiều", đã hơn bốn mươi lần.
Nguyễn Du nhắc đến ánh trăng nhưng có lẽ ánh trăng trong đêm thề nguyền này đã đi vào tiềm thức, đã trở nên gắn bó nhất với Thuý Kiều.
Trăng là người làm chứng cho mối tình của nàng với chàng Kim và cũng là người bạn gần gũi, gắn bó với nàng trong mọi hoàn cảnh :
"Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung"
Trước không gian rộng lớn, rợn ngợp của lầu Ngưng Bích, Kiều như một tấm thân bơ vơ, lạc lỏng. Nàng tìm đến với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bầu bạn. Dường như Nguyễn Du đã kéo vầng trăng từ xa vời vợi kia gần nàng Kiều hơn. Trăng như người bạn tri âm tri kỷ đang san sẻ cùng tâm trạng của nàng :
"Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"
Một cánh buồm nhỏ bé trước mặt biển bao la trong cảnh hoàng hôn cũng đủ gợi lên trong lòng người đọc thấm thía nỗi buồn của nàng Kiều. Đó là nỗi buồn lẻ loi, cô đơn, lạc lỏng bơ vơ nơi chân trời góc bể của người con gái không biết bấu víu vào đâu :
"Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Nếu trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng viết :
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
thì quả là không sai. Nỗi buồn trong Kiều thật mênh mang, rợn ngợp, một nỗi buồn khiến cho lòng người khô héo. "Nội cỏ" ở đây cũng "dầu dầu" cũng mang tâm sự nỗi lòng của Kiều. Đó là nỗi buồn vì cuộc đời đang bị xô đâỷ, vùi dập. Nỗi buồn đó cứ dấy lên mãi, ứ đọng mãi, khơi gợi nỗi niềm tủi nhục đau thương đến ứa nước mắt. Aâm thanh của tiếng sóng hay cũng chính là những tai hoạ, những khó khăn đang rình rập, có nguy cơ ập xuống đầu Kiều, choáng ngợp khắp tâm trí Kiều. Cảnh ở đây vừa mênh mang, rợn ngợp vừa mang tâm sự u hoài của lòng người.
Có lúc Cụ Nguyễn Du dùng cảnh vật thiên nhiên, có lúc đưa tâm tình nhân vật hòa chung với vũ trụ bao la. Sau lễ Thanh Minh là cảnh chia tay, chị em Kiều trở về khi mặt trời đang ngả về hướng Tây báo hiệu một ngày sắp qua hoặc sâu xa hơn cuộc đời sắp tàn, như người ta thường nói "tuổi đã xế chiều"... Có cảnh chia tay nào mà không vương vấn nỗi nhớ. Cảnh vật chiều nay như hòa chung với nỗi buồn nao nao, thơ thẩn, man mác của chị em Kiều đang trên đường về. Cảnh chiều tà buồn buồn được diễn tả qua hai câu thơ dưới đây:
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Cảnh đã vắng lặng lại thêm giòng nước của con suối nho nhỏ lững lờ trôi dưới chiếc cầu con con, nói lên được cảnh thanh tĩnh và giòng nước trong phản chiếu bóng cây mầu xanh xanh. Có đứng ngắm bên bờ suối vào lúc chiều tà người ta mới cảm thấy cái thi vị của một nỗi buồn bâng khuâng.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Xa xa là cảnh cỏ cây in bóng hình dưới suối và gần đường đi cùng với mầu tàn úa của đám cỏ bên đường, cạnh nấm mồ hoang thấp lè tè làm gia tăng cảnh buồn vào lúc hoàng hôn.
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Cách dùng các chữ "thanh thanh, nao nao, nho nhỏ, sè sè, dàu dàu, vắng tanh" của tác giả rất kỳ diệu, nó nói lên cái cảnh thanh vắng của một buổi chiều đầy thơ mộng. Nó cũng tạo lên cái cảm giác buồn nhè nhẹ, thoang thoảng, không làm cho con người quá sầu lụy để rồi những giọt nước mắt phải tuôn rơi.
Trăng thường là đề tài muôn thuở tạo nên nguồn cảm hứng của văn thi sĩ xưa và nay. Trăng cũng đã gợi cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác nhiều bản tình ca quê hương bất hủ như nhạc bản "Gạo trắng trăng thanh" của Hoàng Thi Thơ, hoặc các bài thánh ca nhiệm mầu đã làm rung động con tim của bao lớp người. Bản thánh ca "Trinh Vương Maria: mở đầu Như một vầng trăng, vầng trăng tuyệt vời..." của nhạc sĩ Phạm Đức Huyến có nội dung ca tụng vẻ đẹp dịu hiền của Đức Trinh Nữ Maria, mà hầu hết giáo dân siêng đi lễ cầu nguyện và ca hát nhạc đạo đều thuộc lòng là một chứng minh.
Trăng có mặt khắp nơi, không chỉ chiếu sáng cho người nam hay nữ mà cho mọi người, như thi-sĩ Hàn Mặc Tử đã diễn tả qua hai câu thơ:
Không gian dày đặc toàn trăng cả,
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Trăng không những có mặt trong thi ca, trong văn chương, mà nó còn góp mặt trong các môn nghệ thuật hội họa, tạo nên những bức tranh thủy mặc thật đẹp. Trăng là một hình ảnh thân thiết với đời sống con người, đặc biệt với người dân nông thôn. Trong đời sống chúng ta, có lẽ không ai lại không có đôi lần ngắm trăng trong các ngày lễ, Tết Trung Thu là một trường hợp điển hình. Đối với các thi nhân thì trăng có một ý nghĩa và là đối tượng đặc biệt để từ đó nguồn thơ trở nên mượt mà lai láng. Vốn đã mang sẵn một tâm hồn nhạy cảm, đa tình, yêu nghệ thuật, nên khi ngắm trăng, các nhà thơ không khỏi say đắm trăng, như chú Cuội say đắm chị Hằng.
Cụ Nguyễn Du là một nhà thơ lão luyện thì trăng đối với Cụ cũng như người bạn tình muôn thuở và trăng đã được cụ đem vào truyện Kiều một cách tài tình. Có hơn 60 câu thơ nói về trăng, tả về cảnh hoặc tâm tình của các nhân vật trong truyện, đặc biệt đối với nhân vật chính Thúy Kiều. Trăng hiện ra tùy hoàn cảnh, tùy cảnh vật, tùy nơi chốn và nó như tỏa ánh sáng dịu dàng, đưa con người vào tâm cảnh bình an hay buồn tủi.
Khi diễn tả gương mặt xinh đẹp của Thúy Vân có đôi nét khác biệt với Thúy Kiều, tác giả đã mượn hình ảnh dịu dàng của mặt trăng:
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Trăng đầy là trăng rằm. Nó đẹp và hoàn chỉnh nhất. Trong toán học người ta cũng xếp hình tròn là hình toàn vẹn so với các hình khác. Gương mặt của Thúy Vân, gương mặt đẹp tròn như trăng rằm, gương mặt của một người con gái phúc hậu, tươi cười và cởi mở.
Trăng cũng được dùng để nói về nam giới, đặc biệt là các chàng thư sinh đang cắp sách tới trường hay học tại tư gia của một cụ đồ nào đó. Trong truyện Kiều thì trăng cũng được nói tới khi Cụ Nguyễn Du tả chàng Kim Trọng:
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau lưng theo một vài thằng con con.
Bốn chữ: ”lưng túi gió trăng”, gió trăng là hai trong số các cảnh vật thiên nhiên mà các thi sĩ thường dùng để viết lên thơ hoặc cùng nhau ngồi ngâm vịnh thơ dưới những đêm trăng thanh gió mát. Túi gió trăng có ý nói tới túi thơ và vì đang là thư sinh, nên thơ của Kim Trọng còn ít, còn vơi. Kim Trọng đang học để thi đậu làm quan mà thi cử ngày xưa thì đa số nói về kinh sách của Đức Khổng Tử, các danh nhân và những bài thơ tuyệt tác của các thi sĩ lừng danh Việt-Tầu, mà thí sinh nào cũng phải thuộc và viết cho đúng. Đọc câu thơ trên, chúng ta thấy tác giả không dùng chữ "thư sinh", mà dùng bốn chữ với nghĩa bóng "lưng túi gió trăng". Tuy vậy, người đọc có thể hiểu và hình dung được cái dáng dấp của anh chàng thư sinh Kim Trọng như thế nào.
Khi nói về thời gian và không gian của sự việc xảy ra, trăng được tác giả diễn tả theo thể nhân cách hóa:
Gương nga chênh chếch nhòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Gương Nga tức là mặt trăng sáng như gương. Nga tức là Thường Nga hay Hằng Nga là tên người vợ của Hậu Nghệ ngày xưa. Nàng đã ăn vụng thuốc trường sinh của chồng trốn lên mặt trăng. Do điển tích này mà về sau người ta dùng trong văn chương để chỉ cho mặt trăng. Ở đây, tác giả cho chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt đẹp. Hai chữ "chênh chếch" diễn tả mặt trăng nghiêng nghiêng, có vẻ như người đang nhìn lén qua cửa sổ vào trong nhà. Ca dao Việt Nam cũng có câu:
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
“Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân”. Câu này, tác giả cho chúng ta một hình ảnh thơ mộng tuyệt đẹp của đêm trăng. Ánh trăng vàng chiếu xuống nước làm cho cả vùng nước biến thành mầu vàng long lanh. Hai chữ "ngấn nước" là diễn tả mặt nước bị gió nhè nhẹ thổi làm cho nổi sóng nhỏ. Những ngọn sóng nhỏ tạo thành những đường nước dài nhấp nhô dưới ánh trăng, nên tác giả dùng chữ lăn tăn thật tài tình. Chỉ trong hai câu thơ, tác giả đã tả toàn cảnh trời đêm trăng, suối nước và cây cối bên sân.
Có thể nói thiên nhiên luôn là hình ảnh thân gần, gắn bó với mỗi chúng ta, nó không chỉ là khung cảnh gần gũi trong cuộc sống đời thường mà đã đi vào văn học, cụ thể đi vào "Truyện Kiều". Nguyễn Du đã mượn thiên nhiên làm nền cho truyện và cũng biến thiên nhiên thành một nhân vật, mang tâm sự, nỗi lòng của con người. Ngòi bút thơ của Nguyễn Du tài hoa, điêu luyện khi dựng lên hình ảnh thiên nhiên .Thiên nhiên mãi là hình ảnh, là nhân vật không thể thiếu trong "Truyện Kiều" . "Truyện Kiều" mãi mãi là viên ngọc quý, là cuốn sách gối đầu giường của mỗi chúng ta.